05/04/2012 07:49 GMT+7

Hé mở việc xác định tên, quê và mộ của 500 liệt sĩ

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Ngày 4-4, thượng tá Nguyễn Thị Tiến cho biết sau khi bài báo “Kỷ vật của hai cựu binh Úc” đăng, ông Trần Viết Biên (ngụ tại thị xã Tây Ninh, Tây Ninh) gọi điện nhờ bà Tiến tìm hộ trong hồ sơ 500 liệt sĩ hi sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu có ai tên Trần Quang Vinh không.

Ông Biên cho biết thêm: “Trần Quang Vinh là em trai tôi, sinh năm 1941, quê xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; nhập ngũ năm 1962. Từ khi nhập ngũ, em có viết thư về nhà vài lần rồi thôi. Mấy năm sau, một số bạn bè ở Tây Ninh đi làm ăn ở Bà Rịa - Vũng Tàu về cho biết người dân Bà Rịa - Vũng Tàu nói em tôi đã hi sinh. Do không có giấy báo tử nên sau năm 1975, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh đã cấp giấy “công nhận liệt sĩ” cho em. Trong đó ghi em tôi hi sinh năm 1968. Từ đó đến nay gia đình cất công đi tìm nhiều nơi nhưng đều vô vọng”.

Bà Tiến lật từng trang hồ sơ cho hay: “Duy nhất trong danh sách 500 liệt sĩ chỉ có một người tên là Trần Quang Dinh, đại đội 19, trung đoàn 33, hi sinh ngày 7-6-1969 ở Bình Ba, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay sau khi ông Biên gọi điện, tôi đã trao đổi với cựu binh Úc Laurens Wildeboer nhờ họ liên lạc về Trung tâm Nghiên cứu xung đột vũ trang và xã hội Úc xem cụ thể chi tiết về trường hợp liệt sĩ này. Theo cựu binh Laurens Wildeboer, rất có thể họ đã ghi nhầm tên liệt sĩ Trần Quang Vinh thành Trần Quang Dinh. Họ hứa sẽ kiểm tra chu đáo trường hợp này”.

Liên quan cuốn nhật ký bằng thơ của liệt sĩ Thanh Phong, bà Tiến cho biết: “Tôi vừa trao đổi với cựu binh Laurens Wildeboer. Ông này nhớ đã nhặt được nhiều chiến lợi phẩm tại một vị trí, trong đó có cuốn nhật ký và chiếc khăn quàng của liệt sĩ Phan Văn Ban cùng cuốn nhật ký bằng thơ của liệt sĩ Thanh Phong”.

Bà Tiến kiểm tra trong hồ sơ 500 liệt sĩ thì có một liệt sĩ tên Hồ Thanh Phong thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 445, bị thương lúc 19g ngày 15-2-1970, hi sinh ngày 16-2-1970 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuốn nhật ký bằng thơ của liệt sĩ Phong dày 120 trang, khổ 25 x 20, bìa màu đỏ. Trong cuốn nhật ký có 17 bài thơ viết bằng chữ khá đẹp, chủ yếu viết về anh em trong gia đình...

Theo thượng tá Tiến, có thể liệt sĩ này ở miền Bắc vì trong cuốn nhật ký có những từ phiên âm theo giọng nói ở phía Bắc. Và khi biết thông tin này, đơn vị giữ hồ sơ liệt sĩ của tiểu đoàn 445 sẽ biết quê quán liệt sĩ này ở đâu. Vì thế, với hồ sơ 500 liệt sĩ này rất nhiều khả năng xác định được quê quán và vị trí ngôi mộ của chính họ.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên