01/01/2017 10:23 GMT+7

Hé lộ cơ chế “mở” cho cá cược đua ngựa, bóng đá...

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về hoạt động kinh doanh đặt cược với một số loại trò chơi. Các nhà đầu tư gần đây ồ ạt công bố sẽ đầu tư cả tỉ USD vào đua ngựa...

Mộ trường đua ngựa đang được xây dựng tại một tỉnh phía Nam. Ảnh: Bá Sơn
Một trường đua ngựa đang được xây dựng tại một tỉnh phía Nam. Ảnh: Bá Sơn

Đua ngựa dù là giải trí nhưng có thể khiến không ít người ham mê, chi tiêu quá mức. Nên cần có quy hoạch, xem xét từng dự án với nguyên tắc đặt lợi ích người dân, quốc gia lên hàng đầu

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã định hướng khá cụ thể để tiến tới có hành lang pháp lý cho một số hình thức cá cược ở VN.

Sẽ cho phép cá cược?

Đại diện Bộ Tài chính cho biết giữa tháng 12-2016, bộ đã chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định về hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Sau khoảng 10 năm và nhiều lần trình Chính phủ, dự thảo lần này có một số điểm mới.

Tuy nhiên, điểm quan trọng mà nhiều người quan tâm như mức đặt cược tối thiểu cho một lần là 10.000 đồng, tối đa cho mỗi người chơi (trong một ngày) với từng sản phẩm là 1 triệu đồng vẫn được giữ nguyên.

Người chơi đủ 18 tuổi mới được tham gia đặt cược. Đáng lưu ý, dự thảo nghị định cho phép để tham gia trò chơi này, người chơi có thể đặt cược thông qua phương thức phân phối thiết bị đầu cuối hoặc qua điện thoại.

Về quan điểm của Chính phủ đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Theo đó, về một số nguyên tắc xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh này, ông Huệ yêu cầu thực hiện theo đúng những nội dung đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: không sử dụng hình ảnh, kết quả các cuộc đua ngựa, đua chó quốc tế làm căn cứ đặt cược tại VN; khoảng cách từ địa điểm bán vé đặt cược cố định đến các trường học, khu vui chơi công cộng dành riêng cho trẻ em không dưới 500m... 

Về quy định thời điểm bắt đầu nhận đặt cược, thời điểm kết thúc nhận đặt cược... sẽ không giao cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tự quyết định.

Cũng theo ý kiến của phó thủ tướng, doanh nghiệp kinh doanh đặt cược chỉ được phép phân phối vé đặt cược thông qua điện thoại và các phương tiện viễn thông khác khi đáp ứng điều kiện có tối thiểu năm năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh đặt cược đối với phương thức phân phối vé thông qua thiết bị đầu cuối tại VN. Không quy định việc phân phối vé đặt cược qua mạng Internet.

Theo chỉ đạo của ông Vương Đình Huệ, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế... sẽ theo quy định của Luật đầu tư và Luật đấu thầu.

Chuyên gia người Malaysia (phải) và nhân viên VN chăm sóc ngựa tại một dự án đua ngựa đang nằm chờ... quy định. Ảnh: Mai Vinh
Chuyên gia người Malaysia (phải) và nhân viên VN chăm sóc ngựa tại một dự án đua ngựa đang nằm chờ... quy định. Ảnh: Mai Vinh

Cân nhắc thận trọng

Ông Hà Tôn Vinh, chuyên gia về các trò chơi có thưởng, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trò chơi có thưởng rất quan tâm đến thị trường VN. Lý do đơn giản vì họ thấy tiềm năng VN có 90 triệu dân, dân số rất trẻ. Việc nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào đua ngựa, ông Vinh “nhắc” thực tế nhà đầu tư không chỉ mở trường đua ngựa mà còn đầu tư vào các dự án khu giải trí, nghỉ dưỡng như resort, biệt thự...

Đến nay VN chưa có hành lang pháp lý cho kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa, bóng đá quốc tế hay kinh doanh casino, theo ông Vinh, cho thấy Chính phủ khá thận trọng. Thận trọng là cần thiết, nhưng ông Vinh đánh giá hơn 10 năm mà vẫn chưa ban hành nghị định về các hoạt động kinh doanh trên là hơi muộn.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư), cho rằng việc mở trường đua ngựa cũng tốt vì đây là môn thể thao lành mạnh. Tuy nhiên, chính quyền nên xem xét đến hiệu quả của dự án.

Ông Hồ nêu sợ nhất là đầu tư theo phong trào, thấy dự án lớn mà bỏ qua việc đánh giá tác động đến xã hội. Vì các dự án trên chiếm quỹ đất lớn với vài trăm hecta, khi ký kết chấp thuận đầu tư đồng nghĩa với người dân sẽ mất đất.

Đồng tình lo ngại trên, ông Hà Tôn Vinh cho rằng nên cẩn trọng hơn khi cấp phép. Ở nhiều quốc gia, ông Vinh nêu tổ hợp dự án giải trí được cấp phép hoạt động cách xa trung tâm 50-70km. Ông Vinh lưu ý các cơ quan chức năng của VN nên quy định điều kiện để nhà đầu tư tham gia lĩnh vực đua ngựa, cá cược.

Ngoài điều kiện về kỹ thuật như nhà đầu tư có kinh nghiệm, ông Vinh cho rằng cần có điều kiện về tiềm lực tài chính, phải có vốn điều lệ 1 tỉ USD chẳng hạn. Tuy nhiên, các điều kiện cần có đối thoại với nhà đầu tư, tránh tình trạng như dự án kinh doanh casino mấy năm trước Bộ Tài chính đề xuất chủ đầu tư phải có vốn tối thiểu 4 tỉ USD. Đây là số tiền quá lớn, nên nhiều nhà đầu tư chỉ đến tìm hiểu rồi đi.

Tránh phong trào

TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng cho rằng cần có sự thẩm định rất kỹ năng lực của các nhà đầu tư. Mặt khác, không thể để các tỉnh đua nhau ký kết, rồi cấp phép cho trường đua ngựa. Như ở Hà Nội, Bắc Ninh đang xem xét dự án trường đua ngựa trong khi Vĩnh Phúc đã ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư.

“Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh sát nhau mà cả ba “anh” cùng muốn có trường đua ngựa, khu giải trí thì có ổn không?” - TS Lê Đăng Doanh băn khoăn và cho rằng Bộ Kế hoạch và đầu tư nên mời ba địa phương này ngồi lại bàn bạc thống nhất chung xem ai làm là hợp lý, có lợi nhất cho VN. Cũng không nên hi sinh quá nhiều đất “bờ xôi ruộng mật” để mở trường đua ngựa...

* Ông Trần Văn Nghĩa (nguyên phó chủ nhiệm trường đua Phú Thọ):

Nhiều vấn đề đặt ra từ các trường đua ngựa

Hơn 20 năm trước, cả nước chỉ có một trường đua ngựa Phú Thọ, nơi mở đầu một thời kỳ đổi mới và cũng là nơi chịu nhiều tai tiếng khi đưa cá cược vào đua ngựa... Tuy nhiên sau khi có cơ hội đi học hỏi đua ngựa ở Hong Kong, Malaysia, Úc... tôi mới thấy đua ngựa là một nền công nghiệp giải trí.

Nó được quản lý rất chặt chẽ bằng những luật lệ nghiêm khắc để hạn chế tối đa tiêu cực và là nơi “hái ra tiền”, để làm nhiều việc hữu ích. Như trường đua Hoàng Gia Hong Kong, họ sử dụng tiền lời thu được để xây dựng các công trình thể thao Hong Kong, trường đại học và viện dưỡng lão...

Tôi đã trình nhiều kế hoạch để hiện đại hóa trường đua Phú Thọ, đề nghị dùng tiền lời để nuôi các tài năng thể thao bơi lội, điền kinh... nhưng đề xuất giống như viên đá cuội ném xuống ao... Trường đua Phú Thọ chỉ “thọ” một thời gian rồi bị khai tử.

Trong năm 2016 có nhiều tỉnh thành rục rịch xây dựng trường đua ngựa với kinh phí rất lớn, nhưng có một điều lạ lùng là nơi ấy đa số đều là những tỉnh có thu nhập khá thấp, đa số dân chúng ở những nơi này chưa biết gì về đua ngựa.

Có những dấu hỏi được đặt ra: Liệu có hấp dẫn dân cư? Mỗi trường đua lại của những ông chủ từ các nước khác nhau như Hàn Quốc, Đài Loan... Ai sẽ thống nhất một luật lệ đua ngựa?

Ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát để dòng tiền không chảy ra nước ngoài? Những nhà đầu tư nước ngoài luôn nghĩ đến lợi nhuận. Phải chăng họ đang dùng việc đầu tư đua ngựa để xây dựng cơ sở vật chất và chờ đón một ngành kinh doanh béo bở mà dân VN ai cũng mê: cá cược bóng đá?

__________

>> Kỳ 1: Những dự án trường đua ngựa ngàn tỉ

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên