Nghị quyết nêu rõ: HĐND TP.HCM thống nhất cơ bản các nội dung được nêu trong tờ trình của UBND TP.HCM để trình Chính phủ. Nội dung đề án chính quyền đô thị TP.HCM cần làm rõ: Xây dựng chính quyền địa phương TP.HCM có hai cấp, bao gồm cấp TP trực thuộc trung ương và cấp cơ sở, thể hiện rõ bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính quyền cơ sở phải gần dân, sát dân và có cơ chế để phát huy tính tự chủ trong cộng đồng dân cư.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh HĐND TP tán thành việc trình Chính phủ đề án thí điểm chính quyền đô thị để xem xét trình Quốc hội ra nghị quyết cho phép TP.HCM triển khai thực hiện. Bà Tâm lưu ý chính quyền đô thị phải đảm bảo giảm được tầng nấc trung gian, tinh gọn bộ máy, biên chế, xác định rõ việc, rõ trách nhiệm những người đứng đầu. Bà Tâm lưu ý thêm phiên thảo luận tại hội trường về nội dung đề án có hai vấn đề nổi lên: có ý kiến đại biểu đặt vấn đề cấp cơ sở ở vùng ngoại thành nên là cấp huyện (đề án đề xuất là xã, thị trấn) và chính quyền TP có hai cấp thống nhất (cấp TP.HCM và cấp cơ sở gồm các TP trực thuộc, huyện). Với 13 quận nội thành hiện hữu, có ý kiến đề xuất nên chia thành ba TP thuộc TP.HCM (đề án đề xuất ở 13 quận này chỉ có một cấp chính quyền trực thuộc trực tiếp chính quyền TP.HCM).
Đại biểu Lâm Thiếu Quân nêu ý kiến ủng hộ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mô hình, phân cấp rõ ràng việc gì trung ương chịu trách nhiệm, việc gì TP.HCM quyết định. Ông Quân hiến kế: “Tôi đề nghị trong tương lai sẽ áp dụng mô hình TP trong TP - nghĩa là 13 quận nội thành cũng xây dựng thành các TP nhỏ là TP Sài Gòn, TP Chợ Lớn, TP Gia Định, cùng với bốn TP (ở khu vực đang đô thị hóa) sẽ trở thành một nhóm các TP”. Ngoài ra, ông Quân đề nghị cấp huyện nên là cấp chính quyền chứ không phải cấp xã. Nếu ta có bốn TP ngoại vi, ba TP trung tâm và cơ cấu HĐND huyện thì kết cấu chính quyền sẽ đơn giản và thống nhất.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ ngay sau bế mạc kỳ họp, bà Tâm nói khi triển khai mô hình quyền đô thị TP.HCM, liệu người dân được phục vụ tốt hơn, được lợi ích nhiều hơn không là đòi hỏi chính đáng của người dân TP.HCM. Lợi ích, quyền lợi, chất lượng sống... của người dân chính là mục tiêu mà mọi chính quyền đều phải hướng tới. Chính quyền đô thị cũng phải hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn. “Ở đây đặt ra vấn đề xây dựng chính quyền đô thị làm cho tổ chức bộ máy phù hợp hơn, quản lý có hiệu lực, hiệu quả hơn và đây chính là lợi ích mang lại cho người dân. Khi công việc và trách nhiệm của chính quyền được xác định rõ ràng, người dân biết được công việc của mình do ai giải quyết và nếu không được giải quyết đến nơi đến chốn thì biết rõ địa chỉ nào phải chịu trách nhiệm. Qua đó thể hiện quyền dân chủ của mình trong việc tín nhiệm đối với cán bộ” - bà Tâm nói.
Ông Lê Thanh Liêm được bầu phó chủ tịch UBND TP.HCM Đó là kết quả bầu bổ sung phó chủ tịch UBND TP.HCM theo tờ trình giới thiệu của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân tại kỳ họp HĐND ngày 27-9. Ông Lê Thanh Liêm là thành ủy viên, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ông Liêm sinh năm 1963, thạc sĩ kinh tế, kỹ sư khai thác hải sản, cử nhân chính trị. Với kết quả bầu bổ sung này, UBND TP.HCM có năm phó chủ tịch. Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM cũng thông qua nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND TP đối với ông Lê Minh Trí (ông Trí đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng điều động giữ chức phó trưởng Ban Nội chính trung ương). |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết về đề án chính quyền đô thịChủ tịch UBND TP không nhất thiết là đại biểu HĐND TPĐoàn kết xây dựng phát triển thành phốTP.HCM sẽ theo mô hình chính quyền địa phương hai cấpChính quyền đô thị: Kiến nghị thực hiện từ tháng 10-2013
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận