Phóng to |
Người dân tại dự án khu công nghiệp Hưng Phú 1, Q.Cái Răng (TP Cần Thơ) bị “treo” nhiều năm phải trồng cam kiếm sống trong thời gian chờ dự án triển khai - Ảnh: Chí Quốc |
Đồng Tháp: phiên chất vấn thành diễn đàn nói về giá nông sản
* Bà Huỳnh Thị Hiền đại biểu HĐND TP Cần Thơ, chất vấn: “Đề nghị giám đốc cho biết trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dân sau khi xóa dự án thuộc về ngành nào?”. * Ông Nguyễn Tấn Dược - giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ - trả lời: “Việc không thực hiện được dự án là trách nhiệm của chủ đầu tư. Hủy rồi ổng chạy mất tiêu đâu có bắt đền ổng được, thiệt hại đó dân chịu, trách nhiệm đó của ai? Địa phương có trách nhiệm, sở ngành cũng có trách nhiệm nhưng cũng chỉ định tính, còn định lượng thế nào thì hồi đó tới giờ chưa có để đền bù cho dân. Vì vậy thành phố mới đề ra việc ký quỹ trước khi giao đất, nếu nhà đầu tư không thực hiện sẽ lấy phần ký quỹ này đền bù thiệt hại cho dân”. |
Đại biểu Nguyễn Văn Công - bí thư Huyện ủy Tam Nông (Đồng Tháp) - nói ông rất sốt ruột khi liên tiếp hai năm liền giá lúa luôn ở mức thấp, không đạt lợi nhuận 30% theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông Công đưa ra dẫn chứng: “Huyện tôi có 61% hộ dân sở hữu dưới 5 công đất lúa và hơn 4% không có đất sản xuất. Với giá lúa như hiện nay, nếu có trong tay 5 công đất lúa coi như là hộ nghèo. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để cứu giá lúa sẽ có tới 65% hộ dân của huyện trở thành hộ nghèo, khi đó gánh nặng xã hội sẽ rất lớn”.
Đại biểu Lê Thành Công - bí thư Huyện ủy Châu Thành - bổ sung bằng chứng cho thấy sản xuất nông nghiệp đang kiệt quệ: “Châu Thành là vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, lúa có, cây ăn trái có, hoa màu có và cả chăn nuôi. Thế nhưng mấy năm nay phần lớn sản phẩm nông nghiệp này đều rớt giá. Các giải pháp của tỉnh đưa ra chỉ giải quyết được tình thế trong thời gian ngắn.Chúng ta đang bế tắc về giải pháp cứu người nông dân”.
Giải trình về vấn đề này, ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ với sự băn khoăn của đại biểu HĐND tỉnh. Ông nói trong phần lớn thời gian làm việc, bản thân ông cũng rất trăn trở về vấn đề này vì đến giờ nông nghiệp vẫn là lựa chọn số một của tỉnh. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác ở ĐBSCL, tỉnh Đồng Tháp khó lòng thoát được tình trạng chung như hiện nay vì giá cả phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới. Mấy năm gần đây, UBND tỉnh đã rất nỗ lực thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp. Đến nay, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích lúa liên kết bốn “nhà” và được bao tiêu lớn nhất ở khu vực ĐBSCL, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Giải pháp mà UBND tỉnh đang tập trung làm là hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh hi vọng đây sẽ là bước chuyển quan trọng để giúp nông dân sớm thoát khỏi khó khăn.
Long An: đề nghị chủ tịch tỉnh chốt lời hứa
Hàng loạt câu hỏi chất vấn về các dự án trì trệ đã được chủ tịch UBND tỉnh Long An hứa giải quyết ở các kỳ họp trước nay vẫn còn... nguyên. Đó là việc chậm bố trí vốn đầu tư công trình cầu Ông Chuồng trên tuyến đường huyết mạch kết nối bốn xã vùng hạ huyện Cần Giuộc với TP.HCM; vấn đề tái định cư đối với 49 hộ dân thuộc cụm công nghiệp Tân Phú Thịnh (Cần Giuộc); vấn đề bồi thường và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với người dân trong dự án khu dân cư ADC ở P.3, TP Tân An...
Đại biểu Trương Văn Tem (huyện Cần Giuộc) yêu cầu: “Xin chủ tịch UBND tỉnh hứa chốt một lần, bởi những lần đi tiếp xúc cử tri chúng tôi cứ phải hứa đi hứa lại với họ. Cử tri còn bắt các đại biểu phải ký giấy cam kết với họ nữa, nếu tiếp tục chậm trễ thì không biết phải thế nào”. Ông Đỗ Hữu Lâm, chủ tịch UBND tỉnh Long An, thừa nhận đây là những công việc hết sức khó khăn bởi liên quan đến nhiều yếu tố. Mặc dù vậy, trước sức ép của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh, ông Lâm cam kết: “Trong tháng 7 này tỉnh sẽ họp hội đồng đầu tư để rà soát và kiên quyết, thẳng tay đề xuất xử lý mạnh với các dự án chưa chịu triển khai”.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An còn bị đại biểu thay nhau “quay” về vấn đề môi trường, đặc biệt là khai thác đất mặt tạo nên vô số hầm đất, “hố bom” ở khắp nơi. Đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn (huyện Cần Giuộc) thắc mắc: “Đối tượng buôn lậu di động khắp nơi mà chúng ta còn chặn bắt được, tại sao các hầm đất nằm một chỗ mà bao năm nay không thể xử lý?”. Ngay sau đó, ông Đặng Văn Xướng, chủ tịch HĐND tỉnh, tiếp lời: “Yêu cầu chủ tịch phải giải thích rõ ràng các phương án, vì hầm đất hoạt động công khai, ì xèo. Gần đây còn nghe có tình trạng cấp giấy phép để đào ao nuôi cá trên địa bàn huyện Đức Huệ, rồi đào ao nào cũng sâu mười mấy thước để lấy đất mà không ai xử lý gì?”.
Ông Đỗ Hữu Lâm giải trình: “Việc cấp giấy phép khai thác hầm đất ở Đức Huệ, tôi đang ráo riết xem xét để xử lý những người liên quan. Vấn đề ô nhiễm từ các doanh nghiệp, chúng ta cũng đã xử phạt nhưng cứ lặp đi lặp lại, nên chỉ còn cách mạnh tay hơn trong thời gian tới...”.
Cần Thơ: đòi quyền lợi cho người dân vùng dự án “treo”
Trước khi bước vào phần chất vấn, ông Nguyễn Tấn Dược - giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ - đã trải lòng về việc rà soát quy hoạch trên địa bàn thành phố và “thành thật xin lỗi bà con cử tri, xin lỗi các quận huyện vì thực hiện chưa như bà con mong muốn”.
Đại biểu Lâm Trường Giang cho rằng việc thu hồi dự án thời gian qua chỉ dừng ở chỗ thu hồi của nhà đầu tư này nhưng vẫn giữ quy hoạch chờ nhà đầu tư khác nên người dân vẫn chưa hết bức xúc. Ông Giang đề nghị cho biết chín dự án thu hồi gần đây hiện ở trong tình trạng nào, có bao nhiêu dự án đã xóa tỉ lệ 1/500 chuyển sang 1/2.000 và dự án nào được xóa hoàn toàn để trả lại đất cho dân. Ông Dược trả lời: “Dự án thu hồi đã có quy hoạch 1/500 thì chúng tôi đề xuất hủy luôn vì có kêu gọi đầu tư nữa cũng không được”. Theo ông Dược, đối với khu vực có quy hoạch 1/2.000 quyền sử dụng đất của người dân vẫn còn, người dân cứ yên tâm sản xuất.
Đại biểu Huỳnh Thị Hiền cho biết có nhiều trường hợp đất đã thu hồi, kê biên hoa màu, vật kiến trúc khiến người dân không làm gì được, sau đó dự án bị thu hồi làm bà con bị thiệt hại rất nhiều.
Phần giải trình của ông Võ Thành Thống - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu với 11 câu hỏi được đặt ra liên tiếp. Đại biểu Lâm Trường Giang cho rằng trở thành TP trực thuộc trung ương nhưng Cần Thơ chưa có khách sạn 5 sao, quảng trường, nhà hát lớn, rạp chiếu bóng, nhà sinh hoạt thanh thiếu niên. “Đề nghị phó chủ tịch cho biết nguyên nhân của thực trạng trên và giải pháp sắp tới thế nào để Cần Thơ có dấu ấn, ngang tầm thành phố trực thuộc trung ương?”, ông Thống thẳng thắn: “Đúng là chưa có”, và giải thích thời gian qua UBND TP có quy hoạch khu dự án khách sạn 5 sao và đã mời gọi đầu tư nhưng nhiều năm rồi chưa có nhà đầu tư nào dù họ có đến tìm hiểu. Còn quảng trường thì hiện sử dụng tạm công viên Lưu Hữu Phước ở khu trung tâm TP.
Đại biểu Nguyễn Duy Khiêm chất vấn: “Hiện thành phố chưa có bãi đậu xe quy mô xứng tầm là đô thị trung tâm. Khi nào thành phố có bãi đậu xe tập trung? Ông nghĩ gì khi trung tâm thành phố còn nhiều bãi giữ xe trên công viên, dưới lòng đường...”. Đáp lại, ông Thống giải thích thành phố đã chọn vị trí bãi đậu xe cho khu trung tâm là khu vực tòa án cũ nằm trên đường Phan Đình Phùng (Q.Ninh Kiều) mà TP tiếp quản vào năm 2011. Sau đó, lại có kế hoạch xây dựng cao ốc trung tâm để phục vụ các cơ quan hành chính nên có dự kiến các sở ngành nằm trong khu vực xây cao ốc sẽ chuyển tạm thời ra khu vực dự kiến làm bãi đậu xe khiến việc thực hiện dự án bãi đậu xe bị chậm lại. “Đến nay việc xây dựng cao ốc chưa thực hiện được. UBND TP đã quyết định tiến hành tổ chức mời gọi đầu tư xây dựng bãi đậu xe. Nếu có nhà đầu tư thì dự án sớm triển khai”, ông Thống khẳng định.
Các chủ tịch HĐND đều được tín nhiệm cao Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm ngày 5-7, ông Nguyễn Hữu Lợi - chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - được 48/48 đại biểu có mặt (vắng sáu đại biểu) bỏ phiếu “tín nhiệm cao”. Người có phiếu tín nhiệm cao tiếp theo là ông Võ Thành Thống - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - với 39 phiếu “tín nhiệm cao”, 9 phiếu “tín nhiệm”. Số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất thuộc về bà Võ Thị Hồng Ánh (phó chủ tịch UBND TP) và ông Nguyễn Quang Nghị (chánh văn phòng UBND TP), mỗi người đều có 7 phiếu. * Cùng ngày, HĐND tỉnh Đồng Tháp và Long An đã công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND tỉnh bầu. Theo đó, chủ tịch HĐND hai tỉnh này đều có số phiếu tín nhiệm cao nhất. Ông Lê Vĩnh Tân (chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp) có 55/57 phiếu tín nhiệm cao. Ông Đặng Văn Xướng (chủ tịch HĐND tỉnh Long An) có 47 phiếu tín nhiệm cao (80%). Tại Long An, ông Phan Chí Thanh - giám đốc công an tỉnh và ông Nguyễn Văn Tiều - chánh văn phòng UBND tỉnh - có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất. Cụ thể, ông Thanh có 29 phiếu tín nhiệm cao (49,15%), 21 phiếu tín nhiệm (35,59%) và 5 phiếu tín nhiệm thấp (8,47%). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận