Ông bảo: "Chỉ có công nhận Việt kiều trở về từ Campuchia như cư dân vùng biên giới, như những người dân thuộc diện nghèo của địa phương thì họ mới được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và góp phần bảo vệ an ninh biên giới".
Đó cũng là điều mà UBND tỉnh Long An đã kiến nghị lên Bộ Lao động - thương binh & xã hội và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.
Phóng to |
Việt kiều ở Kompong Luong (Pursat) hứng nước ngọt từ hệ thống lọc nước 7.000 USD được một nhà sư ở TP.HCM tài trợ - Ảnh: VIỄN SỰ |
Kế hoạch riêng của Long An
Trong khi chờ đợi chủ trương từ trung ương, Long An đã có một kế hoạch hỗ trợ riêng cho Việt kiều từ Campuchia trở về sinh sống trong tỉnh, với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng, từ năm 2013 - 2015. Kế hoạch hỗ trợ này chỉ mới tiến hành những bước đầu tiên, nhưng nếu được thực hiện trọn vẹn đời sống của Việt kiều từ Campuchia sẽ không còn nhiều cách biệt với những cư dân biên giới.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên cho biết ngoài việc được hỗ trợ về tư pháp: tạo điều kiện xác minh sưu tra lý lịch,miễn lệ phí nhập quốc tịch thì phần hỗ trợ lớn nhất cho Việt kiều trở về từ Campuchia là về an sinh. Cụ thể, sẽ cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế trị giá trên 500.000 đồng/thẻ. Con em Việt kiều trong độ tuổi đi học sẽ được vận động đến các trường công lập hoặc lớp phổ cập giáo dục, miễn giảm học phí và hỗ trợ dụng cụ học tập. Ngoài ra, các gia đình Việt kiều sẽ được hỗ trợ điện thắp sáng, cây giống, vật nuôi, phương tiện đánh bắt...
Đặc biệt sẽ có cả chính sách hỗ trợ về nhà ở. Trước mắt sẽ có 30 hộ Việt kiều nguyên quán tại Long An được hỗ trợ 17 triệu đồng/hộ và 73 hộ Việt kiều nguyên quán ngoài Long An trở về sinh sống trong tỉnh được hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ để dựng nhà. Đối với các hộ Việt kiều đang sống tạm bợ trên xuồng ghe, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương sử dụng quỹ đất công hoặc các cụm tuyến dân cư vượt lũ để bà con có thể lên bờ cất nhà tạm.
Ông Nguyên cho biết nguồn kinh phí 2,5 tỉ đồng mới chỉ là giai đoạn đầu tiên, được trích từ ngân sách của tỉnh và một phần từ nguồn xã hội hóa. Đến thời điểm này, kế hoạch trên của tỉnh Long An mới thực hiện được một phần nhỏ, tỉnh đang tiếp tục triển khai các phần còn lại. “Long An sẽ hỗ trợ hết sức về an sinh cho bà con nhưng cũng rất mong chờ chính sách cụ thể từ trung ương để việc hỗ trợ có thể đạt hiệu quả cao nhất”- ông Nguyên nói.
Phóng to |
Nhà sinh hoạt cộng đồng ở Sa Son (Pursat) do Chi hội bệnh nhân nghèo quận Thủ Đức (TP.HCM) tài trợ - Ảnh: VIỄN SỰ |
Hỗ trợ đồng bộ lẫn từ xa
Từ cư dân trở thành công dân Đây có lẽ mới chính là mong ước lớn nhất của những Việt kiều trở về từ Campuchia. Và mong ước từ “cư dân trở thành công dân” ấy đã được Bộ Tư pháp cụ thể một phần bằng công văn số 1323 năm 2012 gửi các tỉnh có Việt kiều Campuchia trở về, hướng dẫn giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu. Cụ thể, Bộ Tư pháp yêu cầu các tỉnh phân nhóm Việt kiều từ Campuchia trở về theo thời gian và các giấy tờ họ đang có. Với những người đã trở về sinh sống trên 20 năm tính đến ngày Luật quốc tịch có hiệu lực (1-7-2009) mà không có giấy tờ gì chứng minh về nhân thân sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ trình Chủ tịch nước xin nhập tịch. Đối với trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ VN mà ba mẹ đều từ Campuchia trở về và không có các giấy tờ chứng minh quốc tịch thì sẽ được ghi quốc tịch VN trong giấy khai sinh. Với những người trở về dưới 20 năm, nếu xuất trình được các giấy tờ chứng minh quốc tịch VN của bản thân, cha mẹ, anh chị em ruột sẽ được cấp các giấy tờ về hộ tịch. |
Những ngày ở Campuchia, chúng tôi được ông Châu Văn Chi - chủ tịch Hội Người Việt tại Vương quốc Campuchia, mời tham gia đoàn của Hội Việt kiều và UBND tỉnh Đồng Tháp đi thăm và tặng quà học sinh Trường tiểu học hữu nghị VN - Khmer tại Prey Veng, tỉnh có chung đường biên giới với Đồng Tháp. Đây cũng là ngôi trường khang trang đầu tiên của Việt kiều tại Prey Veng, xây năm 2012 từ nguồn tài trợ 150.000 USD của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Ở các xóm Việt kiều trên Biển Hồ, giữa những căn nhà nổi lụp xụp vẫn có những căn nhà cộng đồng tươm tất giúp bà con có chốn tụ họp, trẻ em có chỗ học chữ Việt. Có nơi như ở Kompong Luong (Pursat) nhà cộng đồng là ba căn liền kề nhau, được trang bị cả hệ thống lọc nước trị giá 7.000 USD, cấp nước sạch giá rẻ cho hàng ngàn Việt kiều và cả người Campuchia. Ông Chi nói những căn nhà cộng đồng có giá trên dưới 10.000 USD như vậy đã có hầu khắp các làng nổi của người Việt ở Biển Hồ. Cũng như các trường học cho trẻ em Việt kiều, những căn nhà cộng đồng và các công trình dân sinh ấy đều là sự giúp đỡ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh thành ở VN sang trao tặng. Đó là những công trình mà theo ông Chi, không chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thiết yếu của bà con mà còn là cách giảm thiểu việc trở về nước của Việt kiều Campuchia, hoặc có trở về nước thì cuộc sống cũng giảm phần nào khó khăn. Và sự hỗ trợ từ xa này đã gián tiếp góp phần giảm áp lực lên các tỉnh biên giới đang đón nhận Việt kiều từ Campuchia trở về.
Chia sẻ thêm câu chuyện này, ông Nguyễn Thanh Nguyên cũng cho biết Long An đã kiến nghị Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sớm làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có đường biên giới với nước bạn Campuchia để thống nhất chế độ chính sách cho Việt kiều trở về. Bởi theo ông Nguyên, nếu có sự chênh lệch về chính sách sẽ làm số lượng bà con dồn về một tỉnh gây khó khăn cho địa phương tỉnh đó.
Đồng ý điều này, ông Dương Quốc Xuân - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cũng cho rằng phải có một chính sách nhất quán và có sự phối hợp trong việc tiếp nhận và hỗ trợ Việt kiều trở về từ Campuchia. Cụ thể là Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã đề nghị Chính phủ giao cho ban được chủ trương tiếp nhận người Việt ở Campuchia về VN có nhà ở, việc làm, sinh sống và hòa nhập cộng đồng. Đồng thời cũng đề nghị Bộ Lao động - thương binh & xã hội có chính sách để cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ giải quyết vấn đề Việt kiều từ Campuchia trở về nước.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Xóm “liều” dọc biên giới Kỳ 2: Bất trắc đường trở về Kỳ 3: Miền đất phúc đã xa Kỳ 4: Tiến thoái lưỡng nan Kỳ 5 :Những “ốc đảo” Việt kiều Kỳ 6: Gian nan đường nhập quốc tịch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận