Phóng to |
Ấp “mượn tên” Hà Thanh - Ảnh: Sơn Lâm |
Bởi từ Campuchia trở về đã hơn 10 năm, 365 người dân ở Hà Thanh đến thời điểm này chỉ mới bốn người đủ điều kiện xét quốc tịch. Cả xóm quần tụ như một “ốc đảo” giữa Đồng Tháp Mười, cư dân của xóm không được tính vào dân số địa phương và trẻ em sinh ra cũng không thể đến trường một cách chính thức...
Ba thế hệ vô danh
Từ Biển Hồ, vợ chồng ông Trần Văn Hùng (43 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hằng (39 tuổi) về Việt Nam năm 1993, rồi cắm xuồng theo bờ kênh T5 ở Hà Thanh sinh sống. Cùng năm ấy con trai Trần Văn Huy chào đời, rồi hai năm sau thêm con gái Trần Thị Thảo ra đời. Bây giờ thì cả Huy và Thảo đang làm công nhân ở Sài Gòn nhưng Huy mang tên người cậu Trần Văn Giàu, còn Thảo mang tên một người quen tên Nguyễn Thị Mè. Nhà kế bên, bà Nguyễn Thị Nhung (47 tuổi) có con trai tên Nguyễn Vũ Linh năm nay đã 30 tuổi nhưng mang tên cậu họ Nguyễn Văn Đinh. Con trai anh Linh đã 6 tuổi nhưng như bao đứa trẻ trong xóm, chưa thể đến trường vì chưa tìm được người để “mượn” giấy khai sinh.
Những câu chuyện lòng vòng về tên họ đã trở nên bình thường với 365 cư dân của ấp Hà Thanh vì không ai có được tấm giấy tờ lận lưng. Ông Bùi Đăng Vừng, trưởng ấp Hà Thanh, nói cả ấp có đến 114 trẻ em nhưng đều chỉ học đến lớp 2, lớp 3 theo kiểu dự thính hoặc mượn khai sinh đi học. Hình ảnh một “ốc đảo” càng rõ hơn khi cả xóm không có nổi một căn nhà tường. Chạy dài theo tuyến kênh T5, điểm cuối cùng của xóm là một ngôi nhà lá giáp với ngôi nhà tường xóm kế bên. Đơn giản vì không ai dám xây dựng kiên cố khi không được đứng tên đất, ngay cả tấm thẻ bảo hiểm y tế nhiều người muốn mua phòng lúc đau ốm cũng không được.
Nỗi niềm ấy của những Việt kiều ở Hà Thanh được ông Đỗ Đình Sắc - chủ tịch UBND xã Hưng Hà - chia sẻ bằng sự ngậm ngùi: “Thấy người dân như thế cũng đau lòng nhưng không vượt qua được quy định của pháp luật. Ai cũng biết bà con là người Việt Nam đấy, nhưng chính bà con cũng không mấy người xác định được gốc gác của mình”. Ông Sắc cho biết lúc đầu chỉ có 72 hộ dân trở về từ Campuchia đến sinh sống dọc theo tuyến kênh T5 và T7, huyện Tân Hưng cho mượn đất dựng nhà, dự tính cho mượn trong ba năm. Nhưng đến giờ đã cho mượn hơn 10 năm, cư dân đã tăng thêm mấy lần và khả năng trả lại đất là... rất khó. “Yêu cầu bà con đi nơi khác không đành. Nhưng để đảm bảo cuộc sống cho bà con là gánh nặng mà một xã nghèo chúng tôi không kham nổi” - ông Sắc nói.
Phóng to |
Việt kiều Campuchia ở ấp Hòa Lộc - Ảnh: Đức Thanh |
“Ốc đảo” ven hồ Dầu Tiếng
Theo hơn ba cây số đường ngoằn ngoèo giữa một rừng cao su ở bìa ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, chúng tôi về một “ốc đảo” khác với dăm chục căn nhà gỗ lụp xụp quấn lấy nhau ở ven bờ hồ Dầu Tiếng, nơi cư ngụ của những Việt kiều từ Biển Hồ trở về từ hơn 20 năm trước. Việt kiều ở đây đều có gốc gác từ miền Tây, khoảng cuối những năm 1980 họ bắt đầu kéo nhau về tiếp tục cuộc đời thương hồ lênh đênh ở La Ngà, Đồng Nai. Khi nguồn cá ở La Ngà bấp bênh, khoảng chục hộ mới tấp về góc khuất nơi cuối đất Bình Dương này. Mới đầu họ cũng cứ phải sống ngay dưới hồ, mãi đến năm 2004 chính quyền địa phương mới vận động được các chủ cao su nơi đây cắt cho đuôi đất bán ngập để lên bờ sinh sống, tránh gây ô nhiễm cho hồ Dầu Tiếng.
Những năm trước đã có nhiều thanh thiếu niên trong xóm nuôi mộng đổi đời, bỏ lên Thủ Dầu Một tìm việc, rồi cũng lần lượt trở về với tay chèo tay lưới hay cạo mủ cao su thời vụ quanh ấp vì không có một mảnh giấy tờ tùy thân. Xóm Việt kiều lại trở về nếp cũ, ngày quanh quẩn trà rượu giết thời gian. Nửa đêm lại lục tục lên đèn người nổ máy ghe dong ra hồ, người lầm lụi xách đèn pin đi tìm rạch từng gốc cao su. Phạm Thị Tiên năm nay mới 18 tuổi mà đã hơn sáu năm bỏ học đi cạo mủ cao su. Mua được bộ đồ mới từ hè năm ngoái, tết rồi Tiên mới có dịp trang điểm rồi theo bạn bè lên thị trấn Dầu Tiếng “cho biết phố”. “Làm được giấy chứng minh, em sẽ xin vào làm công nhân cho Nông trường cao su Dầu Tiếng, nghe bạn bè bảo bên đó lương cao hơn nhiều nhưng chưa có giấy tờ gì nên đành chịu” - Tiên cười thật thà, chia sẻ ước mơ bé mọn của mình.
Ông Trần Đình Toàn - chủ tịch UBND xã Minh Hòa - cho biết đến thời điểm này phía công an đã xác minh và nhập quốc tịch cho những Việt kiều có năm sinh sau những năm 1979, 1980, bởi đây là những người có thể xác minh được cụ thể thời gian cư trú tại Việt Nam và Campuchia. Còn lại những người lớn tuổi hơn việc sưu tra, xác minh quá khó khăn nên chưa thể nhập quốc tịch, chưa thể có hộ khẩu. Có nghĩa là cuộc hồi hương của những Việt kiều ở đây gần chục năm qua vẫn chưa trọn vẹn.
“Thế hệ tui già rồi sống sao cũng được, chỉ tội cho mấy đứa nhỏ hồi trước chưa có hộ khẩu nên học hành dang dở, thời may chỉ biết viết, biết đọc. Thôi chắc ăn, đến đời cháu sẽ tươi sáng hơn!” - ông Ba Xuyên, một Việt kiều cố cựu ở Hòa Lộc, tếu táo trong nỗi trầm ngâm.
Phải xác minh nhiều khâu Về trường hợp 114 trẻ sinh ra tại ấp Hà Thanh nhưng không được nhập quốc tịch, ông Võ Minh Thành - phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho rằng nếu chiếu theo điều 17 Luật quốc tịch Việt Nam quy định: “Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam” thì đã có thể ghi quốc tịch cho các em. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể làm được vì vướng phải vấn đề xác minh cha mẹ của các em đã có quốc tịch hay chưa. “Nhiều trường hợp nói mình không có quốc tịch, nhưng khi xác minh lại thì đã có quốc tịch Campuchia. Vì thế để chứng minh cha mẹ của các em bé sinh ra tại Việt Nam chắc chắn không có quốc tịch còn phải tiến hành ở nhiều khâu” - ông Võ Minh Thành nói. |
Kỳ 1: Xóm “liều” dọc biên giới Kỳ 2: Bất trắc đường trở về Kỳ 3: Miền đất phúc đã xa Kỳ 4: Tiến thoái lưỡng nan
___________
Chỉ biết họ là người Việt từ giọng nói, tập quán sống, từ những chuyến ngược xuôi tìm về thăm quê cũ. Tất cả họ đều là những số phận vô danh khi tên họ, tuổi tác không có tấm giấy tờ nào ghi lại.
Kỳ tới: Gian nan đường nhập quốc tịch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận