27/04/2022 09:52 GMT+7

Hãy thôi chiếm dụng công viên!

TRẦN NGUYỄN BÌNH AN (TP.HCM)
TRẦN NGUYỄN BÌNH AN (TP.HCM)

TTO - Nhiều năm qua, TP.HCM đã dỡ hàng rào, mở rộng cửa để mọi người được thoải mái dạo chơi ở các công viên. Tuy nhiên không phải công viên nào cũng là sân chơi trọn vẹn của người dân.

Hãy thôi chiếm dụng công viên! - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng xử lý một trường hợp buôn bán hàng rong lấn chiếm không gian công cộng tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: T.N.B.A.

Những không gian công cộng như công viên, quảng trường, khu vui chơi... tại TP.HCM vốn đã rất khiêm tốn so với nhu cầu thư giãn, giải trí của người dân. Đã vậy, tại một số công viên còn diễn ra tình trạng chiếm dụng diện tích cho các mục đích kinh doanh.

Đã thiếu còn bị "xén"

Gia đình tôi thường có thói quen đi dạo ở Thảo cầm viên Sài Gòn (quận 1) vào cuối tuần. Đây cũng là một địa điểm quen thuộc để phụ huynh đưa con em mình đến tham quan, vui chơi cuối tuần và những kỳ nghỉ lễ. 

Tuy nhiên theo quan sát của tôi, hướng từ cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai vào, nhiều khu vực trong Thảo cầm viên có nhiều điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi có thu phí, ăn uống. Những kiôt bán hàng nằm rải rác cũng khiến các mảng xanh và cảnh đẹp bị thu hẹp đáng kể.

Còn tại khu vực công viên 23-9 (quận 1), một phần diện tích trong tổng thể công viên này từ lâu đã được sử dụng để làm bãi xe, sân khấu ca nhạc, trung tâm thương mại ngầm. Tương tự, các công viên khác như công viên Tao Đàn (quận 1), công viên Gia Định (quận Gò Vấp), công viên Lê Thị Riêng (quận 10), công viên văn hóa Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), công viên Hiệp Phú (quận 12)... cũng dành diện tích đáng kể để cho thuê hoặc xây dựng kiôt buôn bán, kinh doanh.

Đó là chưa kể đến tình trạng thường xuyên "xén" khuôn viên của công viên để mở hội chợ, tổ chức hoạt động kinh doanh ăn uống khiến không gian chung nhếch nhác, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường. Một số quán nước, bãi giữ xe ở mặt tiền công viên còn lấn chiếm cả vỉa hè, không còn chỗ dành cho người đi bộ.

Tôi từng có thời gian sống tại Singapore và vô cùng ấn tượng với cách họ tạo ra những mảng xanh từ hoa cỏ duyên dáng và tuyệt nhiên nói không với vấn nạn buôn bán hàng hóa, dựng cửa hàng trong các khu công viên. 

Ai đã từng tới Singapore ắt hẳn đã phải khâm phục cách họ đầu tư cho môi trường, khai thác triệt để các công viên cây xanh, mảng thực vật trong đô thị nhằm cân bằng khí hậu, tạo điều kiện cho người dân có không gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Cần chấn chỉnh mạnh tay

Dù không quá kỳ vọng vào các công viên tại Việt Nam và TP.HCM nhưng bản thân tôi vẫn rất sốc trước thực trạng bêtông hóa và lấn chiếm đất đai công cộng nhằm phục vụ mục đích kinh doanh. Tôi biết cơ quan chức năng TP.HCM cũng có quan tâm xử lý tình trạng chiếm dụng công viên để kinh doanh nhưng chưa giải quyết dứt điểm. 

Chẳng hạn như tại công viên Gia Định, do giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận nên khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, những người bán hàng rong thường đẩy xe qua địa bàn quận còn lại để né tránh. Hoặc tại khu vực công viên ở đường Phạm Huy Thông (phường 7, quận Gò Vấp) cũng bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh trà sữa, kem, đồ ăn vặt..., dù bị cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng họ vẫn liên tục tái phạm.

Trò chuyện về vấn đề này, một anh bạn của tôi nhà ở đường Lê Văn Khương, quận 12 chia sẻ: "Công viên Hiệp Phú gần nhà tôi sống luôn bị chiếm dụng bởi hàng quán. Thiết nghĩ, công viên là mảng xanh đô thị, không gian chung cho tất cả mọi người nhưng nay lại gặp phải tình huống như thế. Tôi rất hy vọng cơ quan chức năng sẽ có biện pháp mạnh hơn để khắc phục tình trạng trên". Tôi tin rằng không chỉ tôi hay anh bạn tôi, mà đa số người dân của TP này đều mong muốn không còn phải thấy cảnh không gian công cộng bị chiếm dụng như thế.

Ở một đô thị lớn như TP.HCM, hiếm có gia đình nào có được khoảnh sân nhỏ để hít thở khí trời nên công viên là nơi phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn tinh thần của người dân sau những giờ làm việc căng thẳng, đi bộ rèn luyện sức khỏe và giao lưu gắn kết cộng đồng. 

Do đó, việc sử dụng đất ở công viên dù với bất kỳ hình thức nào ngoài mục đích công cộng cũng đều là hành động xâm phạm tới quyền lợi của người dân. Những dịch vụ thiết yếu cung cấp thức ăn nhanh, nước uống cho người dân dạo mát ở các công viên cần được quy hoạch, bố trí hợp lý và nên do đơn vị quản lý công viên trực tiếp quản lý, khai thác để tránh xảy ra xung đột lợi ích công - tư.

Mong sao cơ quan chức năng TP mạnh tay chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng để trả lại tối đa không gian công cộng tại các công viên cho người dân.

TP.HCM tăng cường xử lý hàng rong tại công viên Gia Định TP.HCM tăng cường xử lý hàng rong tại công viên Gia Định

TTO - Nhiều người dân sống ở khu vực công viên Gia Định (Q.Gò Vấp, TP.HCM) phản ánh tình trạng người buôn bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường hai bên công viên để buôn bán.

TRẦN NGUYỄN BÌNH AN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên