19/11/2018 12:52 GMT+7

Hãy sống khi không được chết

ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG (nhà biên kịch)
ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG (nhà biên kịch)

TTO - Trong một tích tắc, người phụ nữ ấy đã tỉnh ngộ nhờ lời ngây ngô của cô con gái ngây thơ. Dòng sông vẫn chảy nhưng không mang theo xác của hai mẹ con... Cuộc sống có thêm một nhà biên kịch.

Hãy sống khi không được chết - Ảnh 1.


Bây giờ khi đã trở thành nhà biên kịch có tên tuổi, có cả ngàn tập phim truyền hình phủ sóng cả nước, tôi vẫn nhớ như in một điều kinh khủng trong ký ức. Nó nhức như vết cắt há hốc cả thịt da, nhưng nó lại là khoảnh khắc đủ thay đổi cả một cuộc đời tôi!

Đó là câu chuyện thật như nước mắt của người bị hàm oan.

Vậy là tôi ra lệnh cho mình phải sống! Đã không được chết thì phải sống! Thêm một mệnh lệnh khắt khe là đã sống phải sống ra trò, sống để nhìn những kẻ nợ mình món nợ oan khiên ngày sau sẽ trả bằng cách nào?

Đường đời oan khuất

Ngày ấy vào khoảng năm 1996, tôi 31 tuổi, đơn thân dẫn con thơ lìa quê lập nghiệp. TP Biên Hòa là nơi tôi đặt niềm tin. Sáng tối vừa học vừa làm, viết lách đủ kiểu đủ liều mong tìm đường sinh sống.

Tôi không má hồng, chẳng bạc tiền cũng không người thân hữu cậy trông. Cuộc sống của hai mẹ con trăm bề long đong, mồ hôi trộn nước mắt thành hỗn hợp nhọc nhằn. Tôi vẫn không băn khoăn, bởi niềm tin cho tôi đầy sức mạnh.

Con gái tôi đói lạnh mỗi ngày mưa, đi học về mì gói là chính bữa. Cơm thịt cá, bánh mì sữa là thứ xa hoa. Con gái tôi chỉ có hai bộ đồ đi học, thường mếu khóc nếu mẹ bận công tác xa. Áo quần không giặt kịp, buộc phải mang đồ ẩm ướt tới trường. 

Gian nan là thế, tinh thần tôi vẫn không tệ. Nhưng nó bỗng kiệt quệ bởi một nỗi oan, một phế truất thế gian khiến cho tôi ngã xuống chết lâm sàng!

Câu chuyện xa rồi, nhưng nhắc lại vẫn còn bổi hổi. Ngày được nhận vào thực tập ở một trang "Gỡ rối", sau chuyển ngòi bút ngó nghiêng mục điều tra, phạm tội. Tôi biết mình có khát vọng to lớn hơn làm công việc trả lời những điều khúc mắc của bạn đọc gần xa. 

Thể loại phóng sự điều tra là điều tôi thích nhất. Tôi có ngờ đâu một đồng nghiệp phản phúc, đã hại tôi bằng nỗi oan tày trời. Sự vu oan làm tôi bật tiếng nấc, phải nghẹn ngào rời khỏi tờ báo kia!

Chỉ một đêm khuya, mọi oán hận chất ngất tận đỉnh đầu. Mất việc làm, mất nguồn sống duy nhất, nhưng nó vẫn không oan khuất bằng danh dự tôi bị người đời chà giẫm. Một đêm thôi, hai mắt đăm đăm. Tôi quyết chọn cùng đứa con nhảy sông tự vẫn.

"Hay là mình đừng có chết được không mẹ?"

Tuyệt mệnh thư tôi ép nhựa dẻo, vì không muốn nước sông Đồng Nai xóa mờ lời trăng trối nguyên nhân. Mười phút thôi, tôi tự nhủ mười phút nữa rất gần. Tôi và con sẽ nghìn thu hóa thân thành mây gió. 

Cuộc đời lúc đó với tôi hoàn toàn bế tắc. Mới hôm qua em em, chị chị. Hôm sau đã băm vằm, gieo rắc thị phi. Tôi còn thiết sống chi khi niềm tin tắt lịm, muốn dùng cái chết chứng tỏ mình bị oan!

Cách cầu Ghềnh mấy chục thước nhỏ, con gái tôi khẽ khều mẹ hỏi mình đi đâu? Tôi đớn đau bảo mình đi chết! 

Con gái 9 tuổi nghiêng đầu, đề nghị tha thiết: "Hay là mình đừng có chết được không mẹ? Ở đây người ta xấu quá, hổng ấy mẹ con mình về quê đi. Về quê mẹ nấu bún riêu bán, con rửa chén cho!".

Phải nói là tôi sững sờ, tôi không ngờ lời con trẻ chối từ cái chết cùng mẹ ngây thơ đến vậy. Trí óc non nớt của con mơ hồ hiểu người ta xấu quá, nên mẹ mới muốn đi tìm cái chết và con bé không thích chết. 

Không những thế, con gái còn gợi ý về quê bán bún riêu. Nghĩa là vẫn còn đường để sống, không phải chỉ ở thành phố và viết báo mới sống được.

Cái khoảnh khắc này thật kỳ diệu, lằn ranh sống chết chỉ còn cách mấy chục thước đường đi. Tôi đã cột chặt thân hình con gái vào thân hình tôi bằng một chiếc áo sơmi dài tay, ngồi trên yên chiếc xe DD đỏ như màu máu. 

Tôi đã sẵn sàng sẽ tăng ga lao thẳng xuống sông, đoạn gần cầu Ghềnh mà tôi đã biết nhằm kết thúc cuộc sống bị hàm oan. Trong túi áo sơmi cài nút cẩn thận, tôi để bức tuyệt thư ép nhựa dẻo không cho nó trôi lạc hay thấm nước. 

Vậy mà giờ đây, cái ý chí quyết liệt đi chết của tôi bỗng khựng lại. Lời thủ thỉ của con trẻ giúp tôi bừng tỉnh, tôi tháo dây cột là hai cánh tay áo sơmi ra khỏi người con bé.

Tôi ra lệnh cho mình phải sống và sống tử tế 

Bước xuống xe, tôi ôm chặt con gái giữa đường và khóc như mưa gió bão bùng.

Có lẽ nước mắt giúp tôi gội rửa niềm đau. Đôi tay bé bỏng của con gái đang ôm quanh người tôi, sao tự dưng có sức mạnh lạ lùng! Tôi hiểu ngay mình không có quyền bắt ép con gái chết chung do nỗi hận của riêng mình.

Tôi nghĩ đến mẹ già đang ở quê, nếu mẹ hay tin đứa con gái và cháu ngoại nhảy sông tự tử thì nỗi đau này sẽ là bao nhiêu? Vậy là tôi ra lệnh cho mình phải sống! Đã không được chết thì phải sống!

Thêm một mệnh lệnh khắt khe là đã sống phải sống ra trò, sống để nhìn những kẻ nợ mình món nợ oan khiên ngày sau sẽ trả bằng cách nào?

Thế đấy và rồi tôi đã quyết sống! Sống không chịu cam tâm về quê bán bún riêu, tôi rời Biên Hòa để đến Sài Gòn bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Cuối cùng trời đã không phụ lòng người ngay thẳng, lại biết nỗ lực không đầu hàng nghịch cảnh bao giờ.

Tuy giờ đây tôi cũng chẳng là cái gì ghê gớm, nhưng tôi tự hào mình đã sống sạch, sống rất xanh. Tôi đã tạo dựng được tên tuổi đàng hoàng trong làng phim ảnh Việt Nam. 

Hơn tất cả những điều đó, con gái tôi - đứa bé ngày nào ngăn tôi đi chết giờ đã trở thành một kỹ sư bách khoa giỏi giang. 

Tôi bước qua khoảnh khắc ngày ấy, nó thật sự đã làm thay đổi cả một cuộc đời tôi trong hạnh phúc tuyệt vời hôm nay.

Từ ngày 15 đến 18-11, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Hoàng Dung, Đỗ Thị Thanh Hương, Kim Lan, Nguyễn Văn Lục, Cao Thị Thanh Minh, Châu Tấn Hiệp, Vương Quốc Tuấn, Cao Thị Thanh Minh (TP.HCM), Đoàn Phú Vinh (Tiền Giang), Đỗ Như Ngọc (Hải Dương), Nguyễn Thị Nhớ (Phú Yên), Nguyễn Văn Phát (Bình Dương), Nguyễn Thị Như Ý, Nguyễn Văn Khanh (Khánh Hòa), Trịnh Thị Nga (Hà Nội), Văn Lê (Cần Thơ), Nguyễn Mạnh Dũng, Ngô Thị Tuyết Lê.

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc.

Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”

Thể lệ:

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.

* Tiêu chí:

Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).

l Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.

* Giải thưởng:

Nhất: 30 triệu đồng.

Nhì: 20 triệu đồng.

Ba: 10 triệu đồng.

Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động. Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam. Hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

Hãy sống khi không được chết - Ảnh 5.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Tiết học bên gốc phượng Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Tiết học bên gốc phượng

TTO - Đây là bài của người viết nhỏ tuổi nhất cuộc thi đến thời điểm này: tác giả đang học lớp 8, sinh năm 2005. Một câu chuyện rất học trò nhưng cũng rất thời sự và là vấn đề xã hội trăn trở.

ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG (nhà biên kịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên