Chưa chốt phương án một kỳ thi quốc giaKỳ thi quốc gia: Phải tính đường dài, có lộ trình căn cơDiễn đàn “Phương án nào cho một kỳ thi quốc gia?”
Bạn đọc Đặng Hữu Trí, giáo viên ở Q.1 (TP.HCM), viết: “Học sinh mới chính là người quyết định vì học sinh sẽ trực tiếp tham dự kỳ thi chứ không phải chúng ta. Hãy lắng nghe học sinh nói gì qua đề án kỳ thi quốc gia 2015 và các phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Tôi đề nghị các vị lãnh đạo hãy cho “trưng cầu ý kiến” của học sinh”.
Và không đợi bộ tổ chức cuộc “trưng cầu ý kiến”, nhiều học sinh, nhất là các em đang học lớp 12, đã thẳng thắn bày tỏ sự lo lắng, hoang mang trước thay đổi đường đột này. “Cháu sinh năm 1997, năm 2015 cháu sẽ thi đại học. Khi biết được thông báo đổi mới của bộ, cháu thật sự không nói nên lời, nó làm chúng cháu bị sốc. Suốt thời gian qua, chúng cháu sống với những phấn đấu và mục tiêu một trường đại học mơ ước bằng cách thức quen thuộc thi theo khối. Nhưng giờ đây mọi thứ bỗng chốc thay đổi... Kính mong các bác, các chú sáng suốt và hãy đặt mình là những học sinh lớp 12 cuống cuồng học ráo riết và tự nhiên bị lọt thỏm xuống hố sâu kiến thức quá tải” - bạn Đặng Thị Ngọc Ánh viết.
Cùng nỗi niềm với bạn Ngọc Ánh, một học sinh sắp bước vào lớp 12 có email vanhiena1@... trải lòng: “Từ năm lớp 10 em đã được học hướng nghiệp. Em được gặp gỡ các anh chị thi đỗ đại học. Em cũng tham khảo nhiều nơi, rồi quyết tâm học để thi vào Đại học Dược Hà Nội. Em cố gắng học ba môn chuyên toán, lý, hóa. Bây giờ bộ quyết định không thi theo khối nữa thì em phải làm sao đây? Một năm liệu có đủ thời gian để em học cả 11 môn mà thi được Đại học Dược không ạ?”.
Không chỉ học sinh đang học lo lắng, các phương án thi cũng khiến những người đã tốt nghiệp THPT băn khoăn. “Bộ GD-ĐT nên xem xét kỹ, đối với những học sinh khóa trước muốn thi lại đại học thì làm sao? Giả sử một học sinh năm trước thi khối A gồm ba môn toán, lý, hóa, giờ nhiều khả năng theo phương án 1 (bắt buộc thi toán, văn, tiếng Anh), làm sao học sinh đó có thể tự học thêm môn văn, tiếng Anh để ứng thí?” - bạn đọc Nguyễn Văn Hải đặt câu hỏi.
* M.H. (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo, Gò Vấp, TP.HCM): Áp lực gấp đôi Kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh dấu hoàn thành chương trình phổ thông, không quá áp lực bởi học sinh được ôn tập kỹ, đề thi sát chương trình, hầu hết học sinh đỗ tốt nghiệp. Kỳ thi đại học đòi hỏi học sinh phải đứng trước áp lực cao hơn để vào ngôi trường mình mong muốn. Nhập hai kỳ thi làm một, em băn khoăn không biết đề thi sẽ ra sao, làm sao để các trường đại học xét chọn được những học sinh khá giỏi, liệu có xảy ra tiêu cực bởi chỉ một kỳ thi này sẽ quyết định “vận mệnh”. Nếu không đạt trong kỳ thi duy nhất này thì học sinh sẽ mất hết cơ hội. Như vậy áp lực tăng gấp đôi. Phụ huynh, nhà trường phải lo lắng gấp đôi. Tổ chức kỳ thi quốc gia nhằm thay đổi cách đánh giá học sinh, tinh gọn việc tổ chức thi, giảm áp lực lên phụ huynh và học sinh. Bản thân em cũng mong muốn có một kỳ thi như vậy, với điều kiện không xảy ra tiêu cực, đề thi phân loại được học sinh và phải cho học sinh thời gian để chuẩn bị, làm quen, thi thử. Nếu thực hiện ngay, em e rằng nhiều học sinh sẽ “choáng” với kỳ thi này và không đạt được kết quả như ý. Mong rằng Bộ GD-ĐT sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu trước khi triển khai kỳ thi lớn này. L.TRANG ghi |
Mời bạn đọc tham gia thăm dò trên tuoitre.vn Bạn đọc quan tâm vui lòng gửi bài tham gia diễn đàn về giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (vui lòng ghi rõ bài tham gia diễn đàn, địa chỉ, tài khoản ngân hàng...). Ngoài ra, Tuổi Trẻ còn thực hiện thăm dò ý kiến bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online. Mời bạn đọc truy cập địa chỉ tuoitre.vn, tại đây sẽ có ba phương án: Phương án 1, Phương án 2, Phương án 3 để bạn đọc lựa chọn phần trả lời câu hỏi: “Bộ GD-ĐT vừa công bố ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia, theo bạn nên chọn phương án nào?”. Do sơ suất, trong biểu đồ “Ba phương án cho kỳ thi quốc gia 2015” (Tuổi Trẻ ngày 30-7) đã thiếu nội dung “môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc” trong phương án 1 và 2. Mong bạn đọc thứ lỗi. TUỔI TRẺ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận