04/12/2013 07:40 GMT+7

"Hãy làm người có ích trước khi giàu có!"

TRƯƠNG BẢO CHÂU thực hiện
TRƯƠNG BẢO CHÂU thực hiện

TT - Bài viết “Sống làng nhàng, lười học là nguyên nhân thất bại” đăng tải trên Tuổi Trẻ Online ngày 21-11 đã lập tức trở thành đề tài cho một diễn đàn sôi nổi về lối sống trẻ trên Tuổi Trẻ.

WnzFrOAO.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Tuấn Quỳnh - Ảnh nhân vật cung cấp

Tác giả - anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, đang là lãnh đạo chủ chốt cùng lúc nhiều doanh nghiệp lớn - đã tâm sự với Nhịp sống trẻ xoay quanh bài viết này.

* Anh có bất ngờ khi bài viết của mình trở thành vấn đề quan tâm của nhiều bạn trẻ?

- Thật lòng tôi bất ngờ. Những điều tôi viết ra xuất phát từ những gì tôi quan sát được từ các bạn trẻ xung quanh. Những nhận định của tôi thật ra không mới nhưng có lẽ vì rơi vào thời điểm ngay sau ngày 20-11, khi mọi người đang nói nhiều về việc học, cũng như có khá nhiều bạn trẻ từng mất phương hướng không biết phải sống ra sao, nên bài viết của tôi được quan tâm.

* Những ý tưởng nào trong diễn đàn có thể nối dài suy nghĩ của anh?

- Thứ nhất là thái độ sống: nếu sống tích cực, hoàn thiện bản thân, giúp đỡ người khác thì chắc chắn chúng ta sẽ có một cuộc sống có ý nghĩa.

Thứ hai là xác định được mục đích của cuộc đời sẽ giúp chúng ta đảm bảo rằng mọi việc mình làm đều hướng tới một mục tiêu.

* Ở vị trí người tuyển dụng, trong mắt anh các bạn trẻ hiện nay có thể phân vào những nhóm nào, có ưu khuyết điểm gì?

- Trong quá trình tuyển dụng và quản lý nhân viên, tôi thấy có năm nhóm người sau:

1. Nhóm tích cực: cởi mở, sáng tạo, sẵn sàng học hỏi và chấp nhận thách thức. Họ không chỉ làm tốt công việc chuyên môn mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện.

2. Nhóm thực dụng: có chí tiến thủ, làm tốt công việc được giao, biết cách thể hiện mình với cấp trên nhưng thường sống khép kín, chỉ làm những gì có lợi cho mình, không hòa đồng, tinh thần đồng đội kém.

3. Nhóm vô tư: tích cực, cởi mở, nhưng kết quả làm việc không cao vì thiếu kỹ năng hoặc kiến thức cần thiết.

4. Nhóm làng nhàng: không có mục tiêu phấn đấu, làm việc theo lối mòn và cho hết giờ. Họ không bao giờ có sáng kiến hoặc không đưa ra chính kiến của mình. Đôi khi họ còn tự ti và không tin vào năng lực bản thân, thậm chí rất ngại khi tiếp xúc với sếp.

5. Nhóm tiêu cực: hoặc không có năng lực hoặc có năng lực nhưng hoang tưởng về bản thân, không chăm chỉ. Họ phàn nàn về tất cả những gì diễn ra xung quanh nhưng không làm bất kỳ điều gì để cải thiện tình hình.

* Anh cho biết khá trăn trở khi chọn viết khía cạnh “sống làng nhàng”, thiếu tự học của giới trẻ, tại sao không là những vấn đề khác?

- Tôi khá đau lòng khi thấy nhiều bạn trẻ chọn cho mình một cuộc sống làng nhàng. Thái độ sống như vậy không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn tác động xấu đến cộng đồng và xa hơn là dân tộc, đất nước này. Ngoài ra, một vấn đề khác tôi cũng trăn trở và muốn nói với các bạn trẻ, đó là tư tưởng muốn làm giàu nhanh, bất chấp thủ đoạn, đạo đức.

Tôi thường xuyên được lắng nghe các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ. Tôi đánh giá cao khát khao làm giàu của họ. Tuy nhiên, khi phân tích sâu, tôi thấy có nhiều sự nóng vội, ảo tưởng, không phải là một sự đầu tư bài bản, dài hơi. Tôi thường chia sẻ với họ về con đường làm giàu của mình và nhiều người tôi biết. Sự nỗ lực bền bỉ, tạo ra giá trị cho cộng đồng, phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, sẵn lòng giúp đỡ người xung quanh là những giá trị không thể thiếu. Mà những điều này đều cần thời gian. Cho nên hãy trở thành người có ích trước khi trở nên giàu có.

* Nhiều bạn trẻ trong diễn đàn tâm sự từng mất phương hướng, buông xuôi, thất bại rồi làm lại, có bạn đạt những thành công nho nhỏ, anh có thể chia sẻ thêm với nhóm bạn trẻ này điều gì?

- Các bạn có thể chỉ nhìn thấy những thành công của tôi khi tôi đang điều hành một vài doanh nghiệp lớn. Nhưng các bạn nên biết rằng tôi cũng từng chịu trách nhiệm chính về sự phá sản của ba công ty và mất mát không ít tiền. Điều quan trọng là tôi đã trưởng thành hơn qua những lần thất bại đó.

Tôi tin đằng sau sự thất bại là cánh cửa mở ra sự thành công. Vì thế khi thất bại, hãy chịu đau rồi nghiền ngẫm và tự tin đứng lên, lạc quan bước tiếp trên con đường đã chọn. Chúng ta cũng biết rằng tất cả những vĩ nhân đều đã trải qua vô vàn thất bại. Vì vậy hãy coi thất bại là yếu tố không thể thiếu nếu bạn muốn vươn tới thành công. Đừng nản lòng!

Anh Nguyễn Tuấn Quỳnh hiện là chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), phó chủ tịch HĐQT Công ty CP văn hóa Phương Nam (PNC), thành viên HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và là thành viên HĐQT một số công ty khác trong lĩnh vực giáo dục và xuất bản sách. Anh có bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh và hiện là phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM. Đã đoạt giải nhất cuộc thi Tùy bút xanh của Tuổi Trẻ Online năm 2010, 2011, giải thưởng doanh nhân được yêu thích nhất năm 2011, giải thưởng giảng viên doanh nhân được yêu thích nhất.

Gửi bạn trẻ có ý định... tự tửSống làng nhàng, lười tự học là nguyên nhân thất bạiTôi trẻ, học giỏi nhưng... sống mòn, đang nghĩ đến cái chếtSống làng nhàng, tôi đã hoang phí một thời sinh viênTương lai của sống mòn là chết trong hối tiếc"Sống mòn": "Tôi thả mặc hay tự nhấc chân lên?"Cứ trăn trở vì sống mòn!Thừa siêng năng nhưng thiếu tự tin nên sống mòn

TRƯƠNG BẢO CHÂU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên