Nhiều bạn trẻ chọn mua hàng giảm giá để có bộ cánh vừa ý mà vẫn tiết kiệm được tiền - Ảnh: Duyên Phan
Bà CYNTHIA MANN (người Úc):
Phân biệt sở hữu đồ đẹp và mua sắm tràn lan
Tôi là một nhà thiết kế thời trang ở Hà Nội. Ngành công nghiệp hiện tôi đang làm việc có mối liên hệ chặt chẽ với chủ nghĩa tiêu dùng.
Thoạt đầu nghe thì sẽ không thấy tích cực, nhưng chính vì làm việc cho một hãng thời trang mà tôi có thể tác động đến người tiêu dùng và định hướng nhãn hàng theo chiều hướng tốt hơn.
Cụ thể, nhãn hàng của chúng tôi tập trung vào chất lượng, nguyên liệu tự nhiên, và trang trí thủ công toàn bộ các món hàng.
Làm về thời trang, lẽ đương nhiên là tôi thích các món đồ "đẹp". Nhưng con người ta cần phải có sự phân biệt rõ giữa việc sở hữu đồ đẹp và mua sắm tràn lan.
Thích cái đẹp không có nghĩa là tôi phải sở hữu quá nhiều món đồ để hạnh phúc. Khác với mọi người, việc mua sắm đối với tôi là kết nối với người khác, tâm hồn và ý tưởng của người làm ra sản phẩm.
Chính vì vậy tôi cố gắng mua mọi thứ trực tiếp tại nguồn, thay vì mua sắm tại các trung tâm thương mại khổng lồ nơi mọi mặt hàng đều giống nhau.
Theo tôi, người tiêu dùng có trách nhiệm là phải quan tâm đến nguồn gốc món hàng, chứ không chỉ quan tâm đến cái mã bên ngoài để rồi mua những món hàng được sản xuất tại những nhà máy bóc lột sức lao động trẻ em, không xử lý rác thải làm ô nhiễm môi trường, và khuyến khích con người ta tiêu dùng phung phí.
Ở Úc, cũng như các nước phát triển khác, con người ta sống rất vật chất. Những đợt sale "khủng" như Boxing Day (26-12 hằng năm), chúng tôi phải chứng kiến cảnh nhiều người cư xử không phải phép, hoàn toàn mất đi chuẩn mực xã hội, và đối xử với nhau không ra gì chỉ vì một món đồ giá hời!
Điều cần phải làm ở nhiều nơi trên thế giới là giáo dục người tiêu dùng để họ có những lựa chọn tốt hơn. Hiện nay, con người ta vẫn coi sự giàu có và có được các vật dụng là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống. Điều này cần được thay đổi sớm để tránh làm tổn hại đến người khác và môi trường.
Bà CYNTHIA MANN
* Chị CHRISTINE ALMQUIST (người Thụy Điển):
Tôi tái chế và tái sử dụng mọi thứ
Tôi cố gắng sống theo chủ nghĩa tối giản và ăn chay để tối giản sự tiêu dùng của tôi trong ngành công nghiệp thực phẩm. Bên cạnh đó, tôi cố gắng tái chế và tái sử dụng mọi thứ, thay vì mua đồ vật mới. Tôi yêu môi trường và thiên nhiên nên vào những ngày nghỉ tôi sẽ đi dạo trong rừng hoặc đi leo núi, thay vì dành thời gian tại các khu mua sắm.
Mục tiêu trong cuộc sống của tôi là có một cuộc sống đơn giản với đầy những chuyến phiêu lưu và niềm hạnh phúc. Để đạt được điều này, tôi không cần quá nhiều đồ dùng.
Tôi luôn mong muốn thói quen tiêu dùng của mình không có tác động xấu lên người khác. Không phải vì tôi sống ở đất nước phát triển hơn, có nhiều tiền hơn để mua sắm thì những gia đình ở vùng sâu, vùng xa nghèo khó ở các nước kém phát triển phải chịu hậu quả mua sắm của tôi.
Những người này dù không được "hưởng" từ chủ nghĩa tiêu dùng độc hại, nhưng lại lãnh các hậu quả như ô nhiễm môi trường, bóc lột lao động, và bệnh tật nhiều hơn.
Là một đất nước giàu có, nhìn chung người Thụy Điển có nhiều thời gian rảnh và nhiều tiền để tiêu xài. Điều này khuyến khích chủ nghĩa tiêu dùng.
Xã hội chúng tôi có hai nhóm người. Một nhóm chỉ biết nghĩ đến việc tiêu xài tiền bạc và làm sao để tiền có thể mang lại hạnh phúc, và nhóm còn lại bắt đầu suy nghĩ về những thói quen tiêu dùng của họ.
Khi biết nhìn lại, nhiều người bắt đầu tiêu dùng ít đi, nhưng chú ý đến chất lượng sản phẩm và điều kiện sản phẩm được sản xuất ra nhiều hơn. Điều đáng mừng là số người quan tâm đến vấn đề này tại Thụy Điển ngày càng đông.
Theo tôi, người Việt Nam, cũng như nhiều nước châu Á, vẫn còn mang nặng vấn đề sở hữu của cải vật chất vì xã hội cho rằng nếu bạn có tiền bạn cần phải tiêu. Đồng thời ở các nước châu Á, con người ta bị đánh giá nặng nề hơn qua vẻ bên ngoài.
Một lý do khác có lẽ là vì nhiều gia đình trải qua cảnh nghèo khó nên sau này khi đã khá giả hơn, cha mẹ có tâm lý "bù đắp" cho những thiệt thòi mà họ phải trải qua trong thời thơ ấu, hay con họ phải sống qua trong những năm đầu đời...
Ở tất cả những nơi tôi làm việc, tôi đều cố gắng khuyến khích mọi người nghĩ về hành vi tiêu dùng của mình. Tôi luôn cố gắng chỉ dẫn cho mọi người từ những việc cơ bản nhất để họ thấy rằng việc này cũng không quá khó.
Chị PAW SRIPRASIT (người Thái Lan):
Từ lâu tôi đã hạn chế mua sắm
Từ lâu tôi đã hạn chế và rất cẩn thận khi mua sắm. Quan điểm của tôi là chỉ mua những thứ có giá trị sử dụng lâu dài, tốt cho sức khỏe và môi trường.
Tiêu chí của tôi là chỉ mua đồ ăn hay đồ dùng nuôi dưỡng tâm hồn, cơ thể mình và tránh xa những thứ khiến mình bị phụ thuộc, có hại cho sức khỏe hoặc môi trường.
Tôi đang sống ở Austin, Texas (Hoa Kỳ). Ở đây, mọi người sắm đồ mới hầu như hằng tuần hay hằng tháng. Lý do có thể vì họ chán những món đồ đã có hoặc chúng đã qua mốt.
Họ thải ra những món mình không thích, do đó có rất nhiều cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng ở nơi tôi sống.
Đáng tiếc là nhà trường hiện nay cũng ít nói với trẻ về việc biết quý đồ đạc vì giá trị sử dụng của chúng hoặc ý nghĩa của chúng với cuộc sống chúng ta.
Tôi thấy rất nhiều trường học thậm chí còn có chủ đề ăn mặc cho học sinh - mỗi ngày. Để chạy theo chuyện này, các phụ huynh phải mua quần áo mới theo chủ đề hay phong cách đó liên tục!
Khoảng một năm nay, tôi đã chuyển sang ăn thực phẩm từ thực vật và rất hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Nó cũng phù hợp với sự quan tâm của tôi với môi trường và bảo vệ động vật.
Tôi có một khu vườn nhỏ và dự định năm nay sẽ tích cực hơn trong việc trồng thêm rau xanh. Tự trồng rau cho tôi cảm giác mình biết trân trọng thực phẩm và có thể tự túc được trong vấn đề thực phẩm.
Theo tôi, mỗi chúng ta cần trở thành người tiêu dùng có ý thức trong việc mua thực phẩm hay đồ dùng. Mỗi thứ được mua cần có ý nghĩa.
Chúng ta cần biết về những gì mình ăn, nguồn gốc thực phẩm, ai là người được lợi khi mình mua món đồ. Tôi sẽ không trả tiền mua hàng hóa của những tập đoàn thiếu trách nhiệm xã hội, gây hại cho môi trường.
HỒNG VÂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận