31/10/2013 09:02 GMT+7

Hãy đầu tư cho người trẻ

HOÀNG OANH thực hiện
HOÀNG OANH thực hiện

TT - Đạo diễn Phan Đăng Di - một trong không nhiều đạo diễn trẻ ghi được tên VN trên “bản đồ” điện ảnh thế giới qua nhiều liên hoan phim quốc tế, người khởi xướng dự án Gặp gỡ mùa thu để tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ làm việc, học hỏi... - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về một “lối ra” cho điện ảnh Việt.

Bài 1: “Ăn đong” thị hiếu Bài 2: Phim hài - lối đi an toàn Bài 3: Phim ngắn - đường dài hay cuộc chơi?

uLV11Q37.jpgPhóng to
Scandal - Bí mật thảm đỏ, một trong những bộ phim hiếm hoi vừa thắng tại rạp chiếu vừa thắng giải “vàng” tại liên hoan phim nhà nước - Ảnh: Galaxy

Điện ảnh luôn cần sự thay máu

* Mấy năm gần đây ngày càng nhiều bộ phim VN được trình làng. Phim hay thì thành công, phim dở thì thất bạị. Nhưng cũng có những bộ phim ai cũng nghĩ là bán được vé lại... ế thê thảm, và ngược lại. Theo anh vì sao?

44G6kIjT.jpg
Đạo diễn Phan Đăng Di - Ảnh: G.Tiến
- Nếu ai đó có thể trả lời được câu hỏi này thì chắc họ đã được mời sang Mỹ làm phim lâu rồi. Chuyện này là bình thường ở hầu hết các nền điện ảnh. Ngay cả những bộ phim Mỹ khi sang VN toàn là những phim bom tấn được kiểm định về khả năng tạo doanh thu rồi, nhưng còn rất nhiều phim Mỹ doanh thu bê bết, thậm chí chẳng phát hành nổi mà chúng ta không biết và không được xem đó thôi. Vả lại, thước đo về tiền bạc không ôm trọn được tầm vóc của một bộ phim, một phim hay còn phải được đánh giá ở nhiều giá trị khác.

Ở VN có cái khổ là cơ hội làm phim quá ít nên đạo diễn hễ được giao phim là cứ phải cố sống cố chết để phim bán được vé cái đã, ít người bình tĩnh ngừng lại một chút xem mình đang thiếu cái gì, cần cái gì để làm ra được một bộ phim hướng đến một thị hiếu vững chắc hơn. Chúng ta không thể đánh đấm bay lượn hay như phim Trung Quốc, không thể có những màn kỹ xảo tuyệt đỉnh như phim Mỹ, không thể làm phim ca nhảy rộn ràng như Ấn Độ hay tình cảm lãng mạn như phim Hàn thì hãy thử bắt đầu bằng những phim nhỏ nhỏ, khai thác thật sâu những khía cạnh bi hài gắn liền với đời sống hằng ngày xem sao, thay vì suốt ngày cứ mệt mỏi đuổi theo những cái không phải của mình...

* Vậy chúng ta phải làm gì?

- Cũng không nên bi quan quá, và nên bắt đầu bằng đầu tư bài bản cho người trẻ và mới. Điện ảnh luôn cần sự thay máu để phát triển. Ở đâu người ta cũng làm như vậy. Điện ảnh Pháp từng ở thời hoàng kim những năm 1960, 1970 và sau đó thì bắt đầu đi xuống, nhưng người ta vẫn chăm chỉ đầu tư làm phim và mỗi năm có khoảng 100 bộ phim của các đạo diễn mới ra đời. Họ biết làm như vậy thì cũng vất vả tốn kém lắm nhưng không làm thì điện ảnh Pháp chết. Ở ta thì ngược lại, cơ hội làm phim đã không nhiều mà toàn được trao vào tay “các cụ” cả, ngay cả các hãng tư nhân giờ cũng không còn mạo hiểm giao phim cho người trẻ, người mới nữa.

* Nhưng vì sao lại phải trông chờ vào người trẻ? Anh lấy gì để đảm bảo đó là một sự đầu tư hiệu quả?

- Đầu tư cho người trẻ để đổi lấy... sự ngạc nhiên. Điện ảnh không có người mới mà cứ hi vọng vào những người làm phim cũ đủ an toàn thì sẽ tạo nên những gương mặt nhiều quyền lực cứ làm hoài một món. Bây giờ chúng ta hãy thử nhìn lại xem những ai đang làm phim tại VN? Nếu là trong hệ thống các hãng phim nhà nước, đó phần nhiều là các đạo diễn ngoài 50, chuyên xử lý các phim chiến tranh, kỷ niệm. Với các hãng phim tư nhân, các đạo diễn được gọi là trẻ hơn cũng trên dưới 40 rồi, tuổi này làm phim cho người 20, là lượng khán giả chủ yếu ngoài rạp bây giờ, nhiều khi đã lộ ra sự lệch pha thế hệ. Các đạo diễn Việt kiều trở về từ Mỹ hiện là chủ lực trong dòng phim giải trí, đã áp dụng triệt để và thành công một số bài bản Mỹ với dòng phim này nhưng cũng không còn dễ dàng để gây ngạc nhiên được nữa...

Chúng ta có quyền hi vọng

* Như anh nói thì lẽ nào điện ảnh VN trong bao năm qua chưa bao giờ quan tâm đến những nhà làm phim trẻ?

- Đáng tiếc là không, dù từ những năm 1990 chúng ta từng có một đợt chấn hưng điện ảnh, xây rạp, làm phim... Nhưng thật sự tôi chưa thấy có bất cứ một chiến lược đầu tư dài hơi và bài bản nào cho các nhà làm phim trẻ, cho đến tận bây giờ. Thậm chí có những người làm phim trẻ vừa lóe lên với những phim ngắn non nớt đầu tiên đã bị làm cho hoang mang khi phim không được phép chiếu hay chỉ được “phổ biến trong phạm vi hẹp”...

Phần lớn những dự án làm phim của người trẻ hay sự phát triển của điện ảnh trẻ hiện nay hoàn toàn bị phó thác cho các quỹ nước ngoài, trong lúc đối tượng này đáng ra phải là ưu tiên hàng đầu trong việc tiếp cận tiền đầu tư từ ngân sách. Chúng ta cứ nói hoài đến việc cải tổ, chấn hưng điện ảnh mà không bắt đầu từ phát hiện và nâng đỡ tài năng mới thì giống như không trồng cây mà cứ đan sẵn cái giỏ để chờ hái quả vậy.

* Vậy theo anh, muốn làm tất cả những điều đó ở VN thì phải bắt đầu từ đâu?

- Cái đạo diễn trẻ cần là tiền làm phim và tiếp cận với các mối quan hệ nghề nghiệp, cả trong nước và quốc tế. Cần nhiều tiền vì điện ảnh là một sản phẩm rất tốn kém, nó cũng có một nhu cầu giao lưu và đối thoại mạnh mẽ với nền văn hóa nơi sinh ra nó và cả nền văn hóa rộng lớn của nhân loại. Tất cả những yêu cầu thiết thân trên một cá nhân khó mà tự lấp đầy được, như vậy đằng sau một cá nhân thành công trong điện ảnh phải là một hệ thống được vận hành khoa học, thông minh, minh bạch, luôn biết cập nhật và làm mới.

Quan sát các phim ngắn Việt trong Liên hoan phim trực tuyến Yxine và cả cái cách các bạn trẻ đang vận hành liên hoan này, tôi thấy mình có quyền hi vọng vì thấy được nhiều gương mặt rất thông minh và nhanh nhạy, có đủ sự sáng tạo và tự tin để làm nên chuyện nếu được tạo điều kiện. Khi chúng ta đã có được những nhà làm phim trẻ tuổi tài năng thì một việc rất quan trọng nữa là đừng làm họ nhụt chí bằng sự kiểm duyệt căng thẳng không đáng có, mà nếu không cẩn thận đôi khi sẽ làm chết sự sáng tạo từ trong trứng nước.

Đừng để mất cơ hội nghe tiếng Việt tại rạp

Điện ảnh Hàn Quốc 20 năm trước cũng như VN, nhưng họ đã thay đổi bằng cách đầu tư mạnh mẽ cho những nhà làm phim trẻ, thay đổi hệ thống kiểm duyệt bằng cách phân chia độ tuổi... Và kết quả là họ đang có một nền điện ảnh phát triển nhất nhì châu Á như một vũ khí văn hóa có sức lan tỏa rộng rãi.

Trở lại VN, chúng ta có một dân số rất trẻ và được đánh giá là dân số vàng cho việc đi xem phim, đó là lý do vì sao nhiều tập đoàn giải trí ồ ạt nhảy vào thị trường VN để xây rạp, phát hành phim. Vậy nên nếu như không có nhiều phim Việt trình làng, không có sự đa dạng trong nội dung phim, không có sự ngạc nhiên cần thiết thì chúng ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lại văn hóa của các nước khác mà mất đi cơ hội được nghe tiếng Việt ngay tại rạp ở nước mình, chưa nói tới việc được nghe tiếng Việt vang lên ở các xứ khác.

HOÀNG OANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên