13/08/2019 13:42 GMT+7

'Hãy đặt mục tiêu vượt quá khả năng mình'

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Tự nhận bản thân không quá nổi bật thời trung học, nhưng Võ An Khương (25 tuổi) đã đạt những bước tiến dài khi lên đại học. Nhờ đâu?

Hãy đặt mục tiêu vượt quá khả năng mình - Ảnh 1.

An Khương (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến phượt cùng bạn bè - Ảnh: K.V.

Có nhiều bài báo quốc tế, luận văn tốt nghiệp đạt điểm tuyệt đối 10/10, bạn nhận được học bổng toàn phần vào thẳng chương trình tiến sĩ tại Mỹ.

Nói về việc được vào thẳng chương trình tiến sĩ ở Mỹ, Khương chia sẻ: "Chương trình nghiên cứu sinh của phần lớn ĐH Mỹ thường lồng ghép nội dung thạc sĩ lẫn tiến sĩ với tổng thời gian đào tạo 5-6 năm nên không nhất thiết yêu cầu đầu vào là thạc sĩ.

Trường sẽ đánh giá hồ sơ sinh viên dựa trên nhiều tiêu chí như: điểm tiếng Anh, GRE, điểm học tập...

Vì chương trình tiến sĩ xoay quanh việc làm nghiên cứu nên việc chứng minh tôi có kinh nghiệm, thành tích làm nghiên cứu rất quan trọng. Ngoài ra, việc thuyết phục giáo sư hướng dẫn nhận vào trường cũng là một yếu tố quyết định".

“Cá nhân tôi nghĩ khi cố gắng hết sức suốt chặng đường dài thì sẽ luôn được đền đáp xứng đáng.

VÕ AN KHƯƠNG

* Bài báo khoa học quốc tế nào khiến bạn tâm đắc nhất?

- Có hai bài báo quốc tế tôi xem là cột mốc đánh dấu từng bước trưởng thành trong quá trình làm nghiên cứu: bài được đăng ở hội nghị Database and Expert Systems Applications khi tôi vừa mới tốt nghiệp đại học và bài trong thời gian đi làm, được đăng trên tạp chí Computational Vision and Robotics, thuộc danh mục Scopus - một trong những hệ thống chỉ mục thông tin khoa học có sức ảnh hưởng nhất hiện nay.

* Bí quyết để có thể đạt điểm khóa luận tuyệt đối?

- Đề tài luận văn của nhóm tôi xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học từ cuối năm 2 nên chúng tôi có khá nhiều thời gian để hoàn thiện, phạm vi đề tài lớn, đặc biệt nhóm có bài báo công bố quốc tế nên được hội đồng luận văn nhất trí cho điểm tuyệt đối duy nhất.

Về vấn đề học tập, tôi cũng không có bí quyết gì ghê gớm. Đầu tiên bạn phải biết rõ học để làm gì, từ đó có một cái nhìn tổng quát trước khi đi vào chi tiết. Việc này cũng đòi hỏi sinh viên phải chủ động trải nghiệm các dự án, đề tài thực tế càng nhiều càng tốt.

* Nhưng bạn cũng thừa nhận bản thân không thật sự nổi trội thời học tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM?

- Đúng là tôi học lớp thường và học chỉ vừa đủ giỏi chứ chưa từng được giải thưởng học thuật danh giá nào. Tôi chẳng có năng lực gì đặc biệt, nhưng khi muốn làm điều gì đó thì tôi sẽ cố gắng không ngừng nghỉ. Tôi không ngại đặt những mục tiêu vượt quá khả năng của mình và phương châm của tôi là: "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường".

Tôi cũng không nghĩ thành tích chói lọi, hào quang quá khứ quyết định thành quả của tương lai. May mắn là gia đình tôi trước giờ cũng không gây áp lực gì, đa phần áp lực là do tôi tự tạo để thử thách chính mình.

* Bạn hoạt ngôn, lại hay cười... chân dung trông không trầm tính giống người làm khoa học lắm?

- (Cười) Với việc nghiên cứu khoa học, tôi hay nói vui nó không chỉ mang đến niềm vui trong chuyên môn mà còn cả niềm hạnh phúc trong cuộc sống, chẳng hạn nó giúp tôi quen và lấy được một người phụ nữ tuyệt vời.

Cuộc sống của tôi không rõ có khác những bạn là dân nghiên cứu khác hay không. Thường tôi đi làm rồi về nhà thì đọc sách chuyên ngành, lập trình hoặc đi chơi với bạn bè. Vào cuối tuần hoặc những lúc bị căng thẳng, tôi chọn đi phượt, leo núi... để đầu óc thoải mái, lấy lại năng lượng.

* Một thất bại mà bạn nghĩ có ý nghĩa?

- Tôi trải qua nhiều thất bại, mỗi thất bại đều đem về một bài học hay. Chẳng hạn như thất bại trong một giải pháp nghiên cứu giúp tôi suy nghĩ, xoay xở tốt hơn, cho giải pháp khác tốt hơn, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn; hay thất bại ở một cuộc thi khởi nghiệp giúp tôi nhận ra để đưa một sản phẩm công nghệ cao ứng dụng vào thực tiễn là một chặng đường dài...

Thất bại không khiến tôi nản lòng, ngược lại việc càng khó thì càng thôi thúc tôi phải làm, đào sâu thêm. Với tôi, thà thất bại để biết mình đang ở đâu còn hơn sau này mãi day dứt vì đã không can đảm làm.

* Là dân kỹ thuật nhưng tiếng Anh của bạn đạt đến IELTS 7.5?

- Bí kíp học tiếng Anh của tôi chỉ là "mưa dầm thấm lâu", tạo nhiều điều kiện cho bản thân tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ. Trước giờ tôi ít khi đi học thêm ngoại ngữ, đa phần là xem phim, đọc báo để tập nghe và bắt chước cách nói, cách dùng từ ngữ.

Sau này công việc hằng ngày đòi hỏi phải đọc rất nhiều tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh để viết báo cáo, trao đổi khoa học bằng tiếng Anh... nên có lẽ càng được hoàn thiện thêm.

Học bổng tiến sĩ 280.000 USD!

Võ An Khương tốt nghiệp với điểm luận văn tuyệt đối 10/10 hệ kỹ sư tài năng ngành máy tính (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) và là luận văn duy nhất của khoa trong năm đó đạt số điểm trên.

Khương từng có 6 công trình nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín và các hội nghị, bạn cũng từng đoạt nhiều học bổng quốc tế trước khi giành được học bổng vào 5 trường ĐH tại Mỹ và Nhật. An Khương sau đó chọn theo học tại University of California Irvine (Hoa Kỳ) với học bổng toàn phần hệ tiến sĩ trị giá 280.000 USD, nghiên cứu về AI và kết nối vạn vật (IoT) trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Tiến sĩ y khoa 31 tuổi có 27 bài báo quốc tế Tiến sĩ y khoa 31 tuổi có 27 bài báo quốc tế

TTO - Ở tuổi 31, Trần Ngọc Đăng (tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chăm sóc con người ĐH Tsukuba, Nhật Bản) đã có số bài báo công bố quốc tế ấn tượng, thậm chí gần bằng tuổi đời.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên