16/07/2018 11:00 GMT+7

Hãy cho con được lớn

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - 'Con lớn rồi mà mẹ'. Không ít lần chúng tôi nghe bạn trẻ nói với cha mẹ như vậy khi bị cho là còn nhỏ dại, chưa đủ lớn để có thể quyết định hay chọn lựa một điều gì đó.

Hãy cho con được lớn - Ảnh 1.

Các bạn trẻ leo qua một thác nước của con suối Vẹn trong lần chinh phục Núi Chúa ở Ninh Thuận - Ảnh: T.T.D.

Thậm chí có những bạn trẻ vào đời vẫn "được" cha mẹ "bao hết" vì "mẹ không yên tâm"...

Không chịu để con... lớn

Con dù lớn vẫn là con của mẹ - nhiều người mẹ, người cha luôn vận vào mình suy nghĩ như vậy, theo hướng không tin con mình đã lớn, không chịu để cho con mình lớn, và vì thế luôn muốn định hướng, can thiệp vào phần đời của con.

Ví dụ như gia đình bà T. (ở Đà Nẵng), cậu con trai học đại học nhưng vẫn luôn bị mẹ kiểm soát. Cậu con trai kể sở dĩ cậu chọn một trường đại học tại Đà Nẵng là vì... không muốn mẹ lo lắng dù trước đó bạn muốn học tại TP.HCM và đủ điểm để "Nam tiến".

"Mẹ lo quá nên tôi không thể cãi mẹ để làm điều mình thích", con bà T. lý giải chuyện vẫn nghe theo "chỉ đạo" của mẹ. Còn bà T. chăm con quá kỹ vì không muốn con khổ, phần vì không yên tâm chuyện con ở xa gia đình, "bao nhiêu cám dỗ ngoài đời, mình phải bảo vệ con để chúng được an toàn", bà T. chia sẻ.

Trong khi đó, ông M. (quê Quảng Nam, đang sống tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) lấy câu "cá không ăn muối cá ươn/ con cãi cha mẹ trăm đường con hư" để áp đặt con vào mọi khuôn khổ, nói là định hướng nhưng gần như sắp đặt hẳn. Con thi trường nào, yêu ai và sẽ sống, làm việc thế nào đều được ông M. "định hướng" cho các con.

Đến nỗi, vợ ông muốn tham gia câu chuyện dạy con hay góp ý cho con cái nhiều lúc cũng bị gạt ngang. Và như vậy, từ chuyện định hướng cho con, ông M. trở thành người gia trưởng, như lời vợ con ông bày tỏ.

Cha mẹ không thể theo mãi con

Bạn L. ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho hay, nhìn vào những tính toán tương lai của cha mẹ cho L. ai cũng nghĩ bạn hạnh phúc, "nhưng có trong hoàn cảnh đó thì mới hiểu" - bạn than thở.

Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng biết rằng để "thoát" ra sự vun vén thái quá, biến con thành những "chú gà công nghiệp", chỉ biết nghe lời của các bậc cha mẹ, lại phải cần sự nỗ lực của người con.

L. chia sẻ kinh nghiệm: "Khi vào đại học, theo ngành và trường đều do ba mẹ chọn, tôi thấy mình không phù hợp nên bị stress. Từ đó, tôi tìm tới các thầy cô, chuyên gia tâm lý để hỏi và được gợi ý - hãy thuyết phục người thân mình một cách chân thành, kiên trì, nói cho ba mẹ biết mình muốn gì và chứng minh".

Như được tiếp thêm sức mạnh, L. quyết định bỏ trường được sắp xếp, thi lại trường khác theo sở thích cá nhân và thuyết phục ba mẹ. 

"Mặc dù ban đầu sẽ có mâu thuẫn vì ba mẹ nghĩ mình không ngoan này nọ, nhưng giữa ngoan và răm rắp làm theo không phải là một. Mỗi người nên chủ động kiến tạo cuộc đời mình, trước tiên bằng sự mạnh mẽ, dám bày tỏ ý kiến đúng và lựa chọn con đường phù hợp", L. trải lòng.

Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng dễ dàng bước ra khỏi con đường "được trải hoa hồng" có sẵn. Rất tiếc, điều đó lại đang phổ biến trong cách dạy con do "hội chứng con một" cộng với điều kiện kinh tế dần cải thiện trong mỗi gia đình đã làm cho cha mẹ "triệt tiêu" mất tư duy riêng của con mình.

Là một thầy giáo từng làm nhiệm vụ ôn tập và giúp học trò dự thi THPT quốc gia từ năm 2015 - năm đầu tiên gộp chung hai kỳ thi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ, thầy Nguyễn Văn Hiền - giáo viên ngữ văn Trường THPT Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM) - cho biết: "Tôi luôn thấy tình cảm của các bậc cha mẹ dành cho con em mình rất đáng quý nhưng sự vun đắp ấy phải phù hợp với các con. Có như vậy, con em chúng ta mới thực sự trưởng thành. 

Chúng ta không thể đi theo mãi con mình trên hành trình cuộc đời của chính nó. Hãy để tự mỗi đứa trẻ bước đi bằng kỹ năng sống của mình".

Chia sẻ cụ thể hơn, thầy Nguyễn Văn Hiền nêu ví dụ: "Các bậc cha mẹ đừng làm giúp con mà hãy giúp con làm các việc cần làm: chuẩn bị quần áo, giày dép, dụng cụ học tập, hồ sơ dự thi... Học sinh 18 tuổi phải tự biết mang đủ những thứ cần thiết cho kỳ thi vào phòng thi, thậm chí phải tự biết lên lịch mặc quần áo sao cho phù hợp, và phải biết chọn thức ăn an toàn thực phẩm nữa. 

Có người mẹ chạy xe mười mấy cây số, đến trường thi dùng điện thoại gọi con ra dặn... đừng ăn bịch canh chua, coi chừng đau bụng. Ở nhà chúng ta đã dặn kỹ, rèn đủ kỹ năng này cho con trẻ rồi thì có cần tất bật như vậy không?".

ThS LÊ MINH HUÂN (giảng viên khoa tâm lý học - ĐH Sư phạm TP.HCM):

Mạnh dạn cho con sải cánh

Cứ xem con mãi là đứa trẻ, quan tâm thái quá, cái gì cũng đòi quản, thậm chí làm thay phần con... là cái cớ để con ỷ lại và ít nhiều lệ thuộc người khác. Chính đó cũng góp phần ngăn trở con trưởng thành. Khi phải tự đi, tự sải cánh và vấp ngã, con trẻ khó tự thân đứng dậy, vững vàng ứng phó... từ đó mất nhiều thời gian hơn để "lớn lên".

Ngay từ nhỏ, phụ huynh nhất thiết phải tôn trọng ý kiến của con, "nhường sân" cho con có ý kiến, tự làm một số việc be bé trong nhà; khi con bắt đầu dậy thì, xem con bình đẳng như mọi thành viên khác trong gia đình, sau đó là để con được phép tự quyết định con đường nên đi, công việc cần làm. Khi ấy, chúng ta cần lùi lại, quan sát và chỉ đưa ra gợi ý khi thực sự cần thiết để con trẻ hiểu rằng chúng phải ra biển lớn trong sự yêu thương, ủng hộ của hậu phương - "cha mẹ, người lớn".

"Cho con động móng tay đi"... 'Cho con động móng tay đi'...

TTO - Nhà có tiệc, con gái lớn anh Đ. chỉ xuất hiện khi mọi việc đã đâu vào đấy, ăn xong rồi lại lên phòng, để người khác dọn dẹp. Còn cậu con trai thì cứ dán mắt vào điện thoại...

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên