Anh Bảy Có trúng số, vẫn trân trọng căn nhà tình thương
Mua cầu may, ai ngờ trúng số thiệt
Đang te te chạy chiếc Dream cà tàng trên con lộ để chở mướn thức ăn gia súc, thấy chúng tôi tới, anh Bảy Có (tên thiệt là Nguyễn Thanh Tuấn, 46 tuổi) "quay xe" dẫn về nhà. Bên ấm trà, dĩa bưởi hồng mới lột ngoài vườn, anh rút ruột kể sạch bách chuyện trúng số và cuộc đời vất vả của mình. Tính anh thoải mái, rất nhiều người trúng số thường giấu biệt chuyện tiền rớt vô túi mình như thế nào.
"Hời ơi, tui mua vé số cầu may vì mình khổ mà. Bữa đó là thứ bảy đầu tháng 10, nhỏ bán vé số quen nài mua mấy tờ vé chiều. Mà hồi sáng tui mua rồi, nên tui bấm bụng mua thêm hai tờ đuôi 24 và ba tờ đuôi 27", anh nhớ lại cái duyên trúng số. Tới giờ xổ, anh dò kết quả trên điện thoại thấy trúng ngay chóc số 046224 thì mừng hết lớn.
Hỏi về việc làm tiếp đó, anh cười khì khì: "Mừng xong thì tui cũng bình thường lại, đi pha bình trà. Sáng thứ hai tui kêu đứa cháu chở ra TP Mỹ Tho mở tài khoản ngân hàng. Xong tui ngồi xe lên Bình Phước để lãnh cho chắc ăn, khỏi mất thêm phí từ các đại lý, lấy tiền đó cho mấy đứa cháu", anh kể.
Anh ngồi chờ làm thủ tục lãnh cỡ một tiếng, nào là đưa vé số cho phía công ty kiểm tra, ghi họ tên, số căn cước... Đầu giờ chiều thì tiền vô tài khoản cái rẹt. Loay hoay, hơn 12h khuya anh mới về tới nhà.
"Nhỏ bán vé số" được anh cho 3 triệu đồng. Liền đó, anh điện cho người trưởng ấp và cháu gái để làm thư mời mời chòm xóm đi lãnh quà do mình tài trợ. "Anh em ruột với anh em bên vợ tui cũng đông, tui cho thêm người chút chút, ai khổ hơn thì cho thêm", anh kể.
Trong nhà tui cũng chỉ sắm cái ti vi, tủ lạnh với xe máy mới. Sắm để đi đâu sang sang, còn ngày thường tui vẫn đi cái xe cà tàng của thằng cháu bán lại cho tui một triệu rưỡi hồi đó.
NGUYỄN THANH TUẤN
Làm tặng ngay khúc đường lộ
Kể cũng lạ, hồi đó khi nhìn con lộ sình lầy, anh Bảy Có đã nguyện cho mình trúng số. Nếu trúng 20 triệu đồng, anh sẽ dành ra chục triệu để làm đường. Ai ngờ trời cho trúng thiệt, trúng hàng tỉ, hơn cả mong đợi...
Vì vậy khi lãnh thưởng về, hôm sau anh điện cho cửa hàng vật liệu xây dựng liền. Nhắc tới chuyện này, anh Hoàng Mây (49 tuổi, chung xóm anh Bảy Có) kể: "Khúc này hồi đó là đường đất, chạy xe bị trợt hoài. Mấy đứa nhỏ đi học cũng hay bị té. Nay anh Bảy làm cho sạch sẽ, đi đỡ lắm".
Tiếp lời anh Mây, anh Bảy Có nói bữa đó anh chờ tới thứ bảy, học sinh nghỉ học thì mới làm cho tiện. "Tại ông trời ổng mưa chứ không là hai ngày xong rồi. Đang làm trời mưa cái ngưng, cả tuần mới xong xuôi", anh kể.
Không khí làm đường mấy hôm đó cũng xôm tụ với hơn chục người trong xóm qua phụ giúp. Anh Bảy cũng ra làm luôn. Anh chơn chất nói: "Tui bỏ tiền người ta bỏ công. Làm xong tụi tui cúng con heo quay với ba chục lít rượu, mấy thùng bia. Trước tạ trời đất, sau mời bà con chung vui".
Ở xóm này, cách đây vài năm người trong xóm cũng hùn người 100.000 đồng, người mấy trăm ngàn mua cát, đá để trải cho đỡ sình lầy. Bây giờ đổ bê tông, thôn xóm nhìn sáng sủa hẳn. Khúc lộ dài cỡ 120m, bề ngang có chỗ 2m chỗ hẹp hơn, kéo dài từ nhà ông Ba tới nhà anh Mây.
Nói về chuyện làm khúc lộ, anh Bảy cho biết: "Tui cũng không muốn phô trương kể công, tại mình làm sao thì mình biết thôi. Mà tui làm khúc đó có đáng gì, biết bao người người ta làm những cái to tát hơn".
Bây giờ có chút tiền, anh Bảy Có không còn "mần nặng" mà xoay qua làm vườn, tiếp tục nuôi bò nuôi dê và ai kêu thì đi chở mướn. Nhớ lại những ngày cơ cực, anh cũng "ớn hồn" vì độ chịu thương chịu khó của mình.
"Nói đâu xa, cách đây mấy năm nhỏ con gái lớn của tui lên thành phố học ngành điều dưỡng. Hồi đó vay ngân hàng mỗi năm 7,5 triệu đồng mà tui không trả nổi, phải gia hạn. Ngân hàng cũng... sợ tui vì mượn dai, vay trong vòng 3 năm mà tới 5 năm mới trả được", anh kể. Giờ anh đã gả chồng cho con, con rể có nghề mộc cũng ổn định.
Cha mất trước khi mẹ đẻ mình ra, năm 15 tuổi, anh đã mần đủ việc nặng để kiếm sống. Nào là đi vác dừa thuê, mần cho lò nấu đường, mần lộ nhựa... Khi chưa có xe máy, anh đạp xe đi mần tuốt huyện Ba Tri. Sau cái đận bị tai nạn cách đây 6 - 7 năm khi đang mần lộ nhựa, "trời độ" giữ được cái mạng, rồi anh nghỉ luôn.
Nói về đời mình, anh Bảy đúc kết tỉnh queo: "Nói chung khổ". Anh lấy vợ năm 22 tuổi khi trong người chỉ có một chỉ vàng, phải mượn tiền họ hàng làm đám cưới. Vợ sinh xong "bệnh dữ lắm" hết sáu năm trời, mẹ anh phải bán đất để lo.
"Đi mần mà thiếu cả cái nhai trong miệng, mần ngày nào ăn ngày nấy. Khi vợ đỡ rồi thì hai vợ chồng mần ngày mần đêm, trưa là tranh thủ chạy về cắt cỏ cho bò, nhà đóng cửa suốt. Hai vợ chồng phải mần công đôi, không có thời gian mà nghỉ, khi đóng công thường là 12h khuya", anh nhớ lại.
Người dân đi lại thuận lợi trên khúc lộ anh Bảy Có làm tặng - Ảnh: Y.TRINH
Vẫn ở nhà tình thương
Năm 2008, một đơn vị hảo tâm mong muốn tặng nhà tình thương cho anh. Anh kể: "Lúc đó ông nhạc (cha vợ) cho vợ chồng tui một công đất để người ta xuống cất nhà cho mình. Còn đất thì trồng trọt lai rai cũng đủ tiền mua nước mắm với đường".
Rồi anh tặc lưỡi, kể rằng đợt trước con trai út đậu ngành công nghệ ô tô nhưng kẹt tiền quá nên cho con ở nhà học nghề sửa xe "honda". Nói tới đây, anh nhớ lại hồi con trai còn nhỏ xíu nhà đâu có tiền mua sữa, toàn cho con uống nước cơm...
Trúng số xong, trái với nhiều người có tiền thường muốn nhà cao cửa đẹp, anh Bảy vẫn giữ lại căn nhà tình thương vì đó là ơn nghĩa. Hổm rày, anh và người con rể đang cọc cạch xây hàng rào, sơn màu vàng thay cho rào lưới ọp ẹp trước đây.
Anh quan niệm không cho tiền "khơi khơi dễ xài ẩu", nên số tiền còn lại cất ngân hàng phòng khi hữu sự chứ không đưa cho con. "Trong nhà tui cũng chỉ sắm cái ti vi, tủ lạnh với xe máy mới. Sắm để đi đâu sang sang, còn ngày thường tui vẫn đi cái xe cà tàng của thằng cháu bán lại cho tui một triệu rưỡi hồi đó", anh nói.
Dù không chật vật lo cái ăn nữa nhưng anh vẫn đi mần mỗi ngày. Vừa dứt chuyện với chúng tôi, anh lại xách chiếc xe máy "hông ai thèm lấy" với phần đầu xe bể quấn băng keo tùm lum tùm la, chạy rề rề ra phía lộ lớn, tiếp tục đi chở thức ăn gia súc. Gặp anh "ba khía" này ngoài đời đố ai biết được anh vừa trúng số.
Giờ thì mua giúp anh em bán vé số
"Mua vé số mới trúng, hông mua là hông trúng. Giờ tui mần có tiền thì mua hỗ trợ anh em bán vé số chứ giờ hổng có trúng nữa đâu", anh Bảy Có cười nói. Cách đây một năm, anh cũng trúng một vé 15 triệu đồng từ một anh bán vé số quen. Vừa nói, anh vừa đón lấy xấp vé số từ tay "cố nhân", chọn lấy thêm 5 tờ.
Bà Tuyết nhớ hôm đó giữa tháng 2. Như mọi bận, người ta ăn bánh canh xong, "thối" cho bà mấy tờ vé thay tiền. Chiều mát, bà nằm võng bắt ti vi nghe dò số. Khi đài Vĩnh Long đọc số trúng độc đắc "...941", tim bà muốn rớt ra ngoài.
Kỳ tới: Đổi bánh canh lấy vé số, ai ngờ trúng độc đắc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận