23/12/2018 14:15 GMT+7

Hậu họa từ cơn nóng giận lúc giành con

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Chẳng ai muốn lớn lên trong một mái ấm xiêu vẹo, rạn nứt. Cô bé trong câu chuyện dưới đây bị đem ra giằng co giữa cuộc chiến 'giành con'.

Hậu họa từ cơn nóng giận lúc giành con - Ảnh 1.

Con trẻ cần được nuôi dưỡng trong bầu không khí yêu thương - Ảnh minh họa: TRÚC PHƯƠNG

Cuộc chiến mỗi lúc một căng thẳng, thiệt hơn, đúng sai chưa rõ, nhưng trẻ con sẽ luôn nhận phần thiệt thòi khi cha mẹ chia tay nhau trong căng thẳng.

Giằng co

Địa chỉ trường học của con trở thành "cuộc chiến" của cả hai. Người mẹ cho rằng cha không cung cấp địa chỉ trường học nghĩa là con không được đến trường, không được chăm sóc đầy đủ thì quyền nuôi con phải thuộc về chị. Còn người cha không nộp chứng cứ cho tòa để bổ sung vào hồ sơ vụ án vì trước đây người mẹ từng đến trường cũ của con làm ầm ĩ khiến anh phải chuyển trường cho con.

Rồi cho đến khi nộp bản sao y tờ giấy xác nhận của hiệu trưởng trường con học, anh xóa mờ tên trường, tên quận, địa chỉ... và chỉ chịu cho hội đồng xét xử xem qua để chứng minh rằng bé đang được chăm sóc đầy đủ, được đến trường.

Bản án sơ thẩm tranh chấp quyền nuôi con hồi tháng 3, tòa tuyên cho anh được quyền nuôi con và cũng quy định thời gian thăm con của chị. Phiên tòa phúc thẩm bị hoãn để làm rõ một số chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Nhưng chị vẫn tiếp tục đến tòa, kéo những người vốn dĩ không liên quan vào cuộc.

Anh phải gửi hai đơn đề nghị đến tòa, yêu cầu tòa bác đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của chị (buộc anh phải giao bé cho mẹ nuôi). Suốt thời gian dài đợi phiên xử mở lại là khoảng thời gian cuộc chiến quyết liệt hơn. Người cha thì "cầu cứu" luật sư, hội bảo vệ quyền trẻ em thành phố. Người mẹ thì gửi đơn đi khắp nơi. Con thì bao nhiêu lần hỏi, bao nhiêu người hỏi đều trả lời muốn ở với cha.

Phán quyết của tòa phúc thẩm vừa tuyên, anh được quyền nuôi bé. Nhưng có lẽ cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt ở đó khi mà tổn thương là không tránh khỏi cho một đứa trẻ đang lớn.

Nỗ lực không đến từ một phía

Giấy chứng nhận sau nhiều lần tái khám của bé ghi: "Trẻ thể hiện cảm xúc sợ hãi khi nhắc đến mẹ, khi mẹ có những hành vi xung đột bộc phát như đập phá, đốt nhà, cầm dao hoặc roi điện. Trẻ chỉ thích nói chuyện với bố và ông nội". Người mẹ cho rằng giấy chứng nhận này không đúng nên thường xuyên làm phiền bác sĩ. Còn với anh, nhiêu đó là quá đủ đối với một đứa trẻ.

"T. của ngày tôi yêu, tôi cưới không phải là T. của bây giờ". Người đàn ông gần 40 tuổi, đã mở lòng chia sẻ như vậy vào một buổi trưa sau khi sắp xếp những ngổn ngang công việc, dành ra chút thời gian để gặp tôi. "T. từng tốt nghiệp sư phạm, sau đó làm quản lý cho chuỗi siêu thị lớn nhưng rồi mọi thứ thay đổi...", anh ngập ngừng, giọng pha sự tiếc nuối.

"Những chuyện cũ chẳng hay ho gì để nhắc lại. Chúng tôi đã sống ly thân từ ngày có bé", anh nói.

Nắm chặt đôi bàn tay, trầm ngâm rồi anh nói nhanh, gấp rút: "Tôi từng nói với con, dù thế nào cũng là mẹ của con, là người sinh ra con". Rồi anh chỉ lên bàn tay vài vết sẹo lồi do chị ném dao trúng cách đây chừng 5 năm. Con dao xẹt qua bé, anh giơ tay đỡ. "Nhưng khi con chứng kiến những hành động đó, tôi không biết mình sẽ nỗ lực đến đâu", người đàn ông lắc đầu.

Hẳn là đứa trẻ nào cũng cần được lớn lên trong bầu không khí yêu thương của gia đình, được thấy cha mẹ mình sống hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu không may gia đình có rạn vỡ, nứt gãy, để một đứa trẻ đi tiếp quãng đường đời dài phía trước một cách bình yên sẽ là câu chuyện không dễ trả lời nếu người cha người mẹ nào cũng nghĩ cho mình trước, nghĩ cho mình nhiều hơn là nghĩ đến con.

Và nếu trong những cơn nóng giận giành con, đôi lúc cả người cha hay người mẹ không thể giữ mình, giữ được sự điềm tĩnh và "hình ảnh" trong mắt con trẻ, khi ấy lại thêm những tổn thương khác cần được giải quyết - một cách thận trọng.

Quan trọng là môi trường cho trẻ phát triển về sau

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu Xuân Thoan - giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục - cho hay: "Khi bố mẹ ly hôn, đa số trẻ sẽ có những tổn thương tâm lý nhất định. Việc bù đắp, tạo sự ổn định tâm lý cho trẻ phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, môi trường sống của trẻ.

Môi trường cho trẻ phát triển sau những tổn thương chính là yếu tố quan trọng trong định hình nhân cách đứa trẻ. Vì vậy phụ huynh lưu ý, cần tạo điều kiện sống hiện tại và cả tương lai, đảm bảo sự phát triển cho trẻ. Cũng cần biết là, một số trẻ ý thức được nếu bố mẹ sống không hạnh phúc thì nên chia tay, trẻ sẽ thoải mái với việc đó".

Đừng nhân danh tình yêu Đừng nhân danh tình yêu

TTO - Tôi thuộc tuýp người phụ nữ khá cởi mở và hiện đại, tôi thích những gì phóng khoáng và tự do. Tôi thích xem phim Mỹ, những câu chuyện tình chớp nhoáng kiểu Mỹ. Cuồng nhiệt, say đắm. Yêu là sex.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên