17/07/2014 12:25 GMT+7

Hầu hết các công ty đều sai phạm

HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ - CHÍNH THÀNH
HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ - CHÍNH THÀNH

TT - Đó là khẳng định của các cơ quan chức năng TP.HCM và Lâm Đồng khi đề cập các cơ sở dịch vụ việc làm được báo Tuổi Trẻ nêu trong loạt bài “Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê”.

hwkv3bqE.jpgPhóng to
Năm lao động đang chờ việc tại phòng nghỉ của Công ty Đức Hoàng (ảnh chụp chiều 16-7 tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) - Ảnh: C.Thành

Biết rõ các cơ sở mà báo Tuổi Trẻ phản ánh đều hoạt động không có giấy phép hoặc nếu có giấy phép thì cũng có sai phạm về nhiều mặt, nhưng đại diện các cơ quan chức năng đều cho rằng rất khó xử lý.

Không bất ngờ

Ngày 16-7, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đến kiểm tra hai công ty giới thiệu việc làm (Công ty TNHH Tuấn Sơn và Công ty TNHH Đức Hoàng) tại xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng) mà báo Tuổi Trẻ đề cập trong bài viết “Tháo chạy khỏi nhà vườn” khởi đăng sáng cùng ngày. Kết quả cho thấy hai cơ sở này đều đủ điều kiện hồ sơ pháp lý đăng ký kinh doanh. Thời điểm kiểm tra, cả hai công ty chỉ còn vài lao động từ miền Trung đang chờ sắp xếp công việc.

Tại Công ty TNHH Đức Hoàng, bà Vũ Thị Thu - giám đốc công ty, thừa nhận thời gian gần đây người lao động không làm được việc nặng nhọc nên bỏ trốn nhiều, bị chủ sử dụng lao động bắt và đánh đập. “Hầu hết lao động bị chủ đánh do ăn cắp tiền, vật dụng của chủ hoặc bỏ trốn để không phải đền hợp đồng... Những trường hợp như vậy chúng tôi rất khó can thiệp, chỉ còn cách khuyên chủ sử dụng lao động không được đánh công nhân công ty giới thiệu qua” - bà Thu nói. Trả lời về thông tin bà Thu có dọa nạt, đe dọa công nhân sẽ bị đánh nếu dám bỏ trốn khỏi các nhà vườn, bà Thu giải thích: “Tôi chỉ nói các lao động không nên bỏ trốn khỏi chủ sử dụng lao động chứ không đe dọa gì cả”.

Cuối năm 2013, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng đã tước giấy phép hoạt động ba tháng đối với Công ty Đức Hoàng do có một số sai phạm như không đủ điều kiện giấy tờ, thiếu nhân lực.

Riêng tại nhà bà Cam Bích Thủy (48 tuổi, ngụ tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), bà Thủy thừa nhận với thanh tra Sở LĐ-TB&XH có thu điện thoại, vật dụng cá nhân của người lao động với lý do phòng ngừa lao động bỏ trốn. “Nếu không thu điện thoại, chúng nó liên lạc với người thân rồi bỏ trốn hết” - bà Thủy phân bua.

Theo ông Hoàng Bình - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, ông không tỏ ra bất ngờ trước các thông tin báo Tuổi Trẻ phản ánh. Ông Bình thừa nhận trước đây hầu hết công ty giới thiệu việc làm trên địa bàn hai huyện Đức Trọng và Lâm Hà qua kiểm tra đều mắc sai phạm. Các sai phạm tập trung chủ yếu ở các lỗi không đăng ký giấy tờ hợp lệ, thiếu nhân lực hoạt động và nâng khống tiền hợp đồng đối với người sử dụng lao động, đặc biệt chủ vườn có hành vi bạo lực. Ông Bình cho rằng hầu hết người lao động đều không có học vấn, không có việc làm, khi nghe công ty môi giới và “cò” tuyển lao động hứa hẹn mức lương hấp dẫn thì dễ dàng đồng ý làm thuê. Nhưng khi vào làm việc thật sự lại gặp công việc nặng nhọc, mức lương thấp, buộc họ phải tìm cách bỏ trốn. “Các trường hợp như vậy là thỏa thuận dân sự giữa người sử dụng lao động và người lao động nên chúng tôi rất khó xử lý” - ông Bình nói. Ông Bình cũng cho rằng rất khó để xử lý các công ty mà báo Tuổi Trẻ nêu, do kiểm tra đột xuất thanh tra chưa phát hiện các sai phạm gì lớn. “Trong trường hợp phát hiện các lỗi vi phạm nặng, chúng tôi dứt khoát sẽ tước giấy phép vĩnh viễn. Đây là giải pháp “bắt cóc bỏ đĩa”, có trường hợp chúng tôi thu hồi giấy phép, họ lại đăng ký kinh doanh với tên mới và hoạt động bình thường” - ông Bình nói.

Các công ty lừa vẫn hoạt động

Sáng 16-7, các công ty TNHH cung ứng lao động Tiến Đạt (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân), TNHH MTV Ngọc Thu (P.13, Q.6, TP.HCM), nơi có tình trạng “mua” người lao động nhà quê từ các “vệ tinh” ở các bến xe, vẫn hoạt động. Tại Công ty TNHH cung ứng lao động Tiến Đạt, cửa chính mở toang nhưng ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Hòa (vợ ông Nghĩa), Út (đệ tử ông Nghĩa) không có mặt. Chúng tôi quan sát khoảng 30 phút nhưng không thấy “vệ tinh” nào dẫn người lao động vào để “bán”. Tại Công ty TNHH MTV Ngọc Thu có nhân viên ngồi trực ở bàn để “tư vấn”. Còn nhóm “buôn người” của ông Hiệp thường ngày chốt tại khu vực đường Lãnh Binh Thăng - Ba Tháng Hai (P.13, Q.11), để “bắt” người lao động thì thấy không xuất hiện.

Ông Trần Anh Tịnh - phó Phòng LĐ-TB&XH Q.6 - cho biết tình trạng các trung tâm môi giới, cung ứng lao động tự phát chủ yếu tập trung trên tuyến đường Kinh Dương Vương (P.13). Phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra hành chính, quyết định xử phạt tám doanh nghiệp với tổng số tiền 72 triệu đồng nhưng số tiền này không thu được do các doanh nghiệp ngừng hoạt động, đổi tên hoặc chuyển qua địa bàn khác. Cuối năm 2013, phòng có phối hợp với UBND P.13 mời tất cả 15 doanh nghiệp (trong đó có Công ty TNHH MTV Ngọc Thu ở 926 Kinh Dương Vương) đến để yêu cầu kinh doanh đúng quy định, không được giữ CMND của người lao động. Theo ông Tịnh, rất khó xử lý các doanh nghiệp này vì thay họ đổi tên, đổi địa điểm hoạt động liên tục.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện các bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh), miền Tây (Q.Bình Tân), Ngã Tư Ga (Q.12)... đều cho biết sẽ quản lý chặt đội ngũ xe ôm thuộc biên chế trong bến, nghiêm cấm các hành vi dụ dỗ để “bán” người lao động cho các công ty giới thiệu việc làm. Đại diện các bến xe này cũng khuyên người lao động nên vào trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí đặt trong các bến xe để được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Ông Tạ Chương Chín - giám đốc bến xe Ngã Tư Ga - cho biết đến nay chưa phát hiện trường hợp tài xế xe ôm nào dụ “bán” người lao động cho công ty giới thiệu việc làm. Ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe miền Đông - cũng khẳng định trong bến xe hoàn toàn không có ai tham gia các vụ lừa người lao động, việc làm này là do các tài xế xe ôm hoạt động ngoài bến. Ông Trần Văn Phương - phó giám đốc bến xe miền Tây - nói bến xe có ghi nhận một số trường hợp người lao động bị tài xế xe ôm lừa vào công ty giới thiệu việc làm, bị giữ giấy tờ. Đối với các trường hợp này, bến xe cương quyết cắt hợp đồng.

Khó xử lý các cơ sở dịch vụ việc làm không giấy phép

Ngày 16-7, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với bà Trương Lê Mỹ Ngọc - trưởng phòng việc làm Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Bà Ngọc nói:

- Qua rà soát danh sách các doanh nghiệp dịch vụ việc làm được sở cấp giấy phép hoạt động thì ba doanh nghiệp mà báo nêu đều chưa có giấy phép hoạt động. Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo thanh tra sở phối hợp với chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.

* Sở có thường xuyên đi kiểm tra xử lý các trường hợp doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm trái phép và có giải pháp gì để xử lý vấn nạn lừa đảo người lao động?

- Các điểm hoạt động này hoạt động theo hình thức kinh doanh cá thể, quy mô nhỏ, không đầu tư cơ sở vật chất, khi đoàn kiểm tra đến họ dễ dàng tránh né bằng cách đóng cửa hoặc chuyển sang điểm khác. Thực tế các cơ quan quản lý nhà nước có bố trí lực lượng để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở dịch vụ việc làm trái phép nhưng cũng chỉ được một thời gian, sau đó lại xuất hiện.

___________

Tin bài liên quan:

Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê: còn chăng tính người?Tháo chạy khỏi nhà vườnĐau xót nạn bóc lột lao động nhà quêGiới thiệu việc làm... kiểu giang hồ Ăn trên lưng người làm bốc xếpGiới thiệu việc làm móc túi người nghèoThâm nhập sào huyệt lừa bán lao động

HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ - CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên