04/06/2021 15:45 GMT+7

Hậu Giang ra văn bản ‘ngăn sông’, hàng trăm công nhân than trời

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Hàng trăm công nhân Khu công nghiệp Nam Sông Hậu than trời vì Sở GTVT Hậu Giang bất ngờ ra thông báo "ngăn sông". Trong khi Cảng vụ Hàng hải đề nghị gia hạn đò ngang đến cuối năm 2021.

Hậu Giang ra văn bản ‘ngăn sông’, hàng trăm công nhân than trời - Ảnh 1.

Công nhân, người dân và thương lái chờ đò qua sông Hậu buộc phải quay đầu đi vòng gần 40km qua địa phận TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ HẠNH

Ngày 4-6, hàng trăm công nhân, người dân và thương lái ở các xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bất ngờ trước việc Sở GTVT Hậu Giang gửi văn bản đề nghị tạm dừng 2 bến khách ngang sông Hậu, nối huyện Trà Ôn sang Khu công nghiệp (KCN) Nam Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Bà Nguyễn Kim Thoa - công nhân tại một nhà máy thủy sản đóng trong KCN Nam Sông Hậu - cho biết hằng ngày bà đi làm bằng xe đạp, băng qua sông bằng đò ngang và chỉ hơn 20 phút là đến chỗ làm.

"Nhưng hôm nay bất ngờ bến đò tạm dừng hoạt động buộc tôi phải thuê xe ôm, băng qua đò rồi vòng lên thị xã Bình Minh, qua cầu Cần Thơ rồi mới đến được chỗ làm. Quãng đường như vậy là gần 40km, rất bất tiện", bà Thoa phản ánh.

Hậu Giang ra văn bản ‘ngăn sông’, hàng trăm công nhân than trời - Ảnh 2.

Công nhân và người dân lên đò qua sông, nhưng chủ đò không dám chạy vì sợ bị phạt - Ảnh: CHÍ HẠNH

Theo nhiều khách qua đò, hằng ngày đội ngũ công nhân sang làm việc ở KCN Nam Sông Hậu lên đến hơn 300 người. Đò ngang sông Hậu còn là tuyến đường thương lái vận chuyển trái cây qua lại từ Vĩnh Long đi Cần Thơ.

Bà Phạm Thị Hường - công nhân khác ở KCN - cho biết thêm đa số công nhân làm việc nhiều ca, trong đó có ca từ 12h trưa đến 0h đêm và ca từ 14h đến 2h sáng hôm sau. Do đó, các công nhân nữ về khuya, đường xa xôi sẽ gặp nhiều nguy hiểm.

"Một ngày chúng tôi làm tiền công chỉ hơn 100.00 đồng, bây giờ phải đi vòng gần 40 cây số, rồi phải băng qua đò mới về được đến nhà thì rất tốn kém. Công ty cũng quy định nghỉ 1 ngày trừ lương hai ngày, nghỉ không có lý do thì bị đình chỉ công việc 3 ngày liên tiếp. Đã nghèo còn mắc thêm cái eo", bà Hường bức xúc.

Theo tìm hiểu, hiện tại khu vực trên có 2 bến đò đưa khách sang sông, trong đó có một bến hoạt động đã hơn 10 năm nay và chủ yếu phục vụ đưa đón công nhân ở KCN. Tuy nhiên, hiện tại cả 2 bến đều hết phép bờ phía tỉnh Hậu Giang.

Ông Lý Công Thới - quản lý bến đò DNTN Kim Phát - cho biết sau khi giấy phép hết hạn, ông có gửi đơn đề nghị Sở GTVT Hậu Giang tiếp tục cho hoạt động phục vụ đưa đón công nhân nhưng bị từ chối. Bến còn lại cũng tạm dừng hoạt động nhiều tháng nay.

Trong văn bản gửi chủ các bến đò ngang sông Hậu, Sở GTVT Hậu Giang cho rằng Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ nhận thấy 2 bến khách nói trên chỉ cách nhau 800m nên không còn phù hợp, đề nghị sáp nhập bến và chỉ gia hạn thêm một lần (không nói rõ bến nào) đến hết 31-12-2021.

Sở GTVT Hậu Giang cho rằng trong thời gian chờ làm thủ tục sáp nhập, các bến khách nói trên phải tạm dừng hoạt động.

Chiều cùng ngày, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với ông Mai Văn Tân - giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang - hỏi về lý do dừng đột ngột bến phà khiến ách tắc hàng hóa và lúc nào sẽ cấp phép cho phà hoạt động trở lại để phục vụ công nhân và người dân, ông Tân không trả lời thẳng vấn đề mà chỉ cho biết sẽ yêu cầu báo cáo, sau đó rà soát sự việc nói trên.

Vụ sạt lở gần bến phà ở Vĩnh Long: ‘Đúng quy định là phải đình chỉ bến phà từ lâu’ Vụ sạt lở gần bến phà ở Vĩnh Long: ‘Đúng quy định là phải đình chỉ bến phà từ lâu’

TTO - Đó là khẳng định của lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 4 khi nói về vụ sạt lở bờ sông Hậu, cạnh bến phà tại khóm 3, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên