08/03/2010 08:41 GMT+7

Hạt nhân của bình đẳng giới

NGUYỄN THẾ THANH
NGUYỄN THẾ THANH

TT - Hôm nay là vừa chẵn 100 năm Ngày quốc tế phụ nữ. Bắt đầu từ những cuộc đình công của nữ công nhân các xưởng dệt ở Chicago và New York (Mỹ), Manchester (Anh) đòi được đối xử bình đẳng và hợp lý với nam công nhân về tiền công và giờ làm, đã dẫn đến một hội nghị lịch sử về phụ nữ ở Copenhagen (Đan Mạch) do Rosa Luxemburg và Nadezhda K. Krupxkaia chủ trì.

“Bình đẳng giới - Có hay không?”Hạt nhân của bình đẳng giớiPhụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng

Chính tại hội nghị này, những nội dung chính của tuyên ngôn bình đẳng cho phụ nữ toàn thế giới đã được hình thành. “Ngày làm việc tám giờ (để nữ lao động có thời gian chăm sóc con cái), giờ làm nam nữ như nhau thì tiền công phải ngang nhau, nữ lao động có con nhỏ phải được dành thời gian cho con bú”.

Ngày họp hội nghị lịch sử ấy ở Copenhagen - ngày 8-3 - đã được chọn là ngày quốc tế hằng năm đấu tranh cho quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Nhờ có sự khởi đầu lẻ loi ấy, năm 1920 Quốc hội Mỹ mới chịu thông qua đạo luật cho phép phụ nữ đi bầu cử bên cạnh cử tri nam. Đạo luật này được thông qua ở Canada năm 1960, ở Úc năm 1966, ở Thụy Sĩ năm 1971.

Có những lá phiếu bầu cử của phụ nữ, các đạo luật liên quan đến quyền học tập, hôn nhân, việc làm, địa vị xã hội của phụ nữ mới có cơ may được đề cập và thông qua như một trong những công cụ pháp lý để đảm bảo cho phụ nữ vừa làm vợ, làm mẹ vừa được hưởng đầy đủ hơn những quyền cơ bản của con người.

Từ sau cái mốc năm 1910, phụ nữ trên các vùng đất khác nhau của thế giới đã có mặt trong nhiều lĩnh vực ngỡ rằng chỉ có thể là lãnh địa của nam giới. Giải thưởng Nobel danh giá với Marie Curie là người nữ đầu tiên đứng trong danh sách được trao. Chinh phục khoảng không vũ trụ có Valentina Tereshkova là người phụ nữ đầu tiên.

Trong chẵn một thế kỷ qua, nhân loại lần lượt được chứng kiến phụ nữ bước vào những cương vị trước đó chưa từng có và cũng chưa từng tưởng tượng sẽ có phụ nữ tham gia: tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng tài chính, chủ tịch các đảng phái chính trị lớn của các cường quốc, hiệu trưởng đại học.

Tất cả vị trí xã hội quan trọng ấy phụ nữ đều giành được qua bầu cử phổ thông, qua bổ nhiệm dựa trên thành tích và năng lực được pháp luật kiểm chứng.

Ở Việt Nam, quốc gia mới thoát khỏi thứ hạng nước nghèo vào đầu năm 2010, phụ nữ được đi bầu cử cùng năm ra đời của Quốc hội và hiện chiếm 33% trong tổng số ghế của cơ quan lập pháp được hình thành từ 65 năm qua.

Số liệu mới nhất cho biết hiện có hơn 100 phụ nữ Việt Nam ở cương vị trưởng hoặc phó các cơ quan lãnh đạo từ cấp tỉnh thành đến cấp cao nhất về Đảng và Chính phủ. Cả về dân số và lao động, phụ nữ Việt Nam đều chiếm trên 50%.

Giờ đây, mối nghi ngờ về khả năng học tập, nghiên cứu, làm việc đa dạng cũng như khả năng quản lý của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực dường như đã được xóa bỏ về cơ bản trong xã hội Việt Nam - một xã hội thoát thai chưa quá lâu từ nền phong kiến quân chủ.

Giá trị thu nhập kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa do phụ nữ mang lại cho gia đình, cho đất nước quá cụ thể đã trở thành yếu tố quan trọng đánh tan mọi mối nghi ngờ, rằng có cần phải bình đẳng giới không và có thể thực hiện bình đẳng giới không.

Mỗi phụ nữ vào ngày này hãy biết vui mừng về sự tiến bộ của bình đẳng giới - một sự tiến bộ mà nếu phụ nữ không muốn và nam giới không ủng hộ thì cũng khó mà tạo ra.

Tuy nhiên, trong khi sự nghi ngờ về khả năng bình đẳng của phụ nữ đã bị xua đi một cách đáng kể thì một mối nghi ngờ khác liên quan đến phụ nữ vẫn còn lẩn quất và dường như đang đe dọa sẽ lớn dần lên. Đó là phải chăng khi phụ nữ có được nhiều hơn các vị trí bề mặt của sự bình đẳng (bằng cấp, chức vụ, tiền lương, danh hiệu) thì phụ nữ sẽ có hạnh phúc nhiều hơn và bền vững hơn?

Câu trả lời ngay lập tức của người viết bài này và cũng là người nhiều năm nay quan sát vấn đề bình đẳng giới là không, hoàn toàn không. Thừa nhận năng lực có thật của phụ nữ là một chuyện. Nhưng làm thế nào để phụ nữ được giảm đáng kể những vất vả vì gánh nặng việc nhà trong khi họ cần phải đảm đương trách nhiệm lao động kiếm sống bên cạnh nam giới.

Chia sẻ gánh nặng việc nhà với những người phụ nữ đi làm việc - bằng chính sách ở cấp vĩ mô và vi mô - phải chăng đang cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn và thực thi hơn.

Một số phụ nữ, do quá mệt mỏi phải hai vai gánh nặng việc nước việc nhà và nhất là do thiếu hẳn sự thấu cảm và chia sẻ của những người xung quanh - nhất là của người thân, đồng nghiệp và cơ quan nên đã buông xuôi cho bất hạnh giáng xuống. Hoặc có gia đình, hoặc có công việc.

Một số phụ nữ khác, có thể do nhầm lẫn trong nhận thức hoặc do quá tự tin trong lựa chọn, đã để cho những thành công trong sự nghiệp lấn át niềm hạnh phúc vô giá và đích thực mà người phụ nữ nào cũng khao khát chiếm lĩnh. Đó là hạnh phúc được yên ấm bên chồng con, trong tổ ấm của chính mình.

Phải giúp phụ nữ hạnh phúc trong cả công việc lẫn gia đình thì đó mới thật sự là bình đẳng giới.

NGUYỄN THẾ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên