Nguyệt Thu trình diễn ca khúc Hình bóng quê nhà trong đêm chung kết trao giải cá nhân của chương trình Người hùng tí hon - Ảnh: Q.Định |
Khi cái tên Nguyệt Thu được xướng lên trong đêm chung kết cá nhân Người hùng tí hon vào tối 23-1 tại TP.HCM, khán phòng lập tức rào rào tiếng vỗ tay tán thưởng trong hài lòng và ngưỡng mộ.
Quán quân tài năng hát của Người hùng tí hon Nguyệt Thu bước từng bước rất chắc để đến được ngôi vị. Không phải là nhân tố có sức hút nhất nhì trong cuộc thi Người hùng tí hon, nhưng Nguyệt Thu luôn để lại ấn tượng dịu nhẹ, khiến người xem phải vấn vương như chính tên gọi của em.
Các tiết mục của em thường chỉn chu, không đậm chất giải trí nhưng trong tập 11 của Người hùng tí hon, giọng ca truyền cảm của Biệt đội tinh nghịch - Nguyệt Thu khiến khán giả lẫn ba giám khảo phải “nhảy cẫng” sau màn trình diễn ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè với cây đàn hạ uy cầm truyền thống.
Phần trình diễn này giúp Nguyệt Thu lập kỷ lục khi giành được ba điểm 10 từ giám khảo. Không những thế, em chinh phục số đông khán giả bình chọn trong đêm thi 23-1 sau phần thi Hình bóng quê nhà.
Luyện đàn từ thuở lên 3
Không có vẻ ngoài mũm mĩm cùng nét đáng yêu khó cưỡng như “cậu bé triệu view” Ku Tin hay mái tóc Maika đặc biệt như Thiên Khôi, ở cô bé 11 tuổi này chỉ mang nét đẹp Nam bộ yêu kiều thường thấy, nhưng lại chinh phục khán giả bởi tài năng ca hát thiên phú cùng khả năng chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc điêu luyện.
Ngọn lửa đam mê âm nhạc trong Nguyệt Thu được khơi nguồn từ thuở lên 3, khi em được các sơ tập đàn piano, dạy ngoại ngữ. Thấy con gái có năng khiếu lại yêu thích việc đàn hát, chị Trinh - mẹ bé Nguyệt Thu - đăng ký cho con tham gia các câu lạc bộ tại Nhà Thiếu nhi TP.
Nguyệt Thu bắt đầu làm quen với các nhạc cụ dân tộc và các điệu hò, điệu lý từ đó. Càng học Nguyệt Thu càng bộc lộ năng khiếu nghệ thuật cùng đam mê của mình.
“Khi con vô lớp 1, gia đình muốn giảm bớt các sinh hoạt văn nghệ để con tập trung học văn hóa nhưng chính con lại không chịu. Giờ ra chơi, con tự lấy bài về nhà ra làm và muốn dành toàn bộ thời gian buổi tối ở nhà để tập đàn, hát” - mẹ Nguyệt Thu kể.
Thấy con quyết tâm và luôn nằm trong tốp học khá nhất lớp nên ba mẹ Nguyệt Thu lại chiều ý, cho con tiếp tục sự nghiệp đàn hát.
Nhà ở Q.Gò Vấp nhưng ngày nào hai mẹ con cũng chở nhau đến Q.1 để học đàn. 16g30 mỗi ngày mẹ Nguyệt Thu đều đón con ở Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp), mang theo cơm để con ăn rồi lại “chạy sô” đến nhạc viện để kịp những tiết học bắt đầu từ 17g15.
Hiện tại, cô học trò lớp 6 này cũng đồng thời là học sinh năm thứ hai của hệ chính quy trung cấp chín năm của khoa piano Nhạc viện TP.HCM.
Sau giờ học piano, Nguyệt Thu xin ba mẹ đăng ký học thêm các lớp đàn dân tộc ngoài giờ. Vậy nên thông thường đến 21g, Nguyệt Thu mới về đến nhà, kết thúc một ngày học tập và luyện đàn của mình.
Nguyệt Thu hát Đất phương Nam trong cuộc thi. |
Hứng thú với dòng nhạc truyền thống
Không giống như những người bạn cùng trang lứa luôn nhạy bén với trào lưu âm nhạc hiện đại, giọng ca nhí ngọt ngào của Biệt đội tinh nghịch lại vô cùng hứng thú với dòng nhạc truyền thống mang nhiều âm hưởng vùng miền đặc trưng xuyên suốt từ Bắc chí Nam, đồng thời không ngừng luyện tập để thành thục mọi loại nhạc cụ từ đàn bầu, đàn tranh cho đến đàn nguyệt, sáo và thậm chí là loại đàn hiếm ai biết đến: hạ uy cầm.
“Chỉ biết là từ nhỏ khi đi sinh hoạt tại nhà thiếu nhi, con bị mê hoặc bởi những lời ca tiếng hát, âm điệu mộc mạc... Và cũng vì con đang học piano, một loại đàn từ nước ngoài, nên các loại nhạc cụ nước mình, cha ông để lại thì con cũng phải học thật rành rẽ” - Thu nói về quyết tâm chinh phục các cây đàn dân tộc.
Hỏi Thu sao mê đàn dân tộc như vậy mà không thi vào hệ chính quy khoa nhạc cụ dân tộc, cô bé nói:
Nhạc cụ dân tộc của mình tuy rất hay, gần gũi với tâm hồn người Việt nhưng không nhiều người nghiên cứu, rất khó phát triển. Con muốn học song song âm nhạc phương Tây lẫn cổ truyền để có được những nền tảng, căn bản chung rồi mới đào sâu nghiên cứu thêm nhạc cụ dân tộc để có được những phát triển phù hợp với thời đại”.
Vậy “người hùng tí hon” có vui không sau chiến thắng? Cô bé cười toe: “Con sẽ để dành tiền để đóng học phí và mua nhạc cụ tiếp!”.
Xứng danh Người hùng tí hon Giám kháo Cẩm Ly chia sẻ về cô quán quân nhỏ: “Chúng tôi đặc biệt quý mến Nguyệt Thu bởi sự chịu khó, khổ luyện mà ở độ tuổi của em các bé không dễ gì có được. Không có một sự áp đặt nào lên bé mà là bé tự chọn những tác phẩm, nhạc cụ lẫn phong cách trình diễn của mình. Tài năng của Nguyệt Thu không phải là cái tài vặt mua vui cho người xem mà là tài năng đầy ý chí và đam mê, có trui rèn thật sự, rất xứng danh Người hùng tí hon”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận