Chị Norma Bastidas - Ảnh: Beakidshero |
Với chị Norma Bastidas, hiện đã 49 tuổi và là mẹ của hai con, chạy không phải là môn thể thao để tốt cho sức khỏe tim mạch hay vóc dáng, mà chạy là cách để chị trốn khỏi những tủi nhục, ê chề của quá khứ đắng cay.
Chị Bastidas sinh ngày 1-11-1967 tại Mazatlan, Mexico. Năm 11 tuổi cha chị qua đời. Đó cũng là thời điểm bắt đầu của mọi bi kịch.
Chị nhớ lại: “Tình hình xấu đi quá nhanh. Mẹ tôi trở thành bà mẹ đơn thân, một nách năm đứa con thơ. Tất cả chúng tôi đều phải làm việc và chẳng ai bảo vệ chúng tôi”.
Khủng khiếp hơn khi một số người họ hàng lại lợi dụng cảnh mẹ góa con côi để trút thêm những bi kịch khác. Chị Bastidas thú nhận đã bị chính người bác mù lòa mà chị phải chăm sóc năm lên 11 tuổi cưỡng hiếp.
19 tuổi, một bi kịch khác lại ập đến khi một phụ nữ trong làng rủ rê Bastidas tới Nhật Bản làm người mẫu. Bastidas vẫn không quên khi đó mẹ cô đã nói: “Mẹ sợ lắm, nhưng mẹ không ngăn con được”. Còn với Bastidas lúc đó, dù ngờ vực lời rủ rê nhưng trong cảnh cùng cực, đó vẫn là tia hi vọng le lói duy nhất về một tương lai tốt hơn.
Nhưng rốt cuộc lo lắng lại trở thành hiện thực. Tới Nhật Bản, Bastidas nhận ra mình là nạn nhân của nhóm buôn người. Bọn chúng lấy hộ chiếu và bắt cô ở trong một căn hộ. Sau đó chúng thông báo cô còn nợ chúng tiền vé máy bay, tiền thuê căn hộ và tiền ăn.
Giấc mơ làm người mẫu chẳng bao giờ thành hiện thực. Bastidas cũng không hề biết mình đã bị rao bán và sau đó trở thành tài sản của một người đàn ông giàu có đã trả giá cao nhất.
Không biết tiếng Nhật, không có hộ chiếu, bản thân đang mắc nợ và bị mặc định là gái điếm, Bastidas không dám tới báo cảnh sát. Cho tới một lần sau khi bị chích thuốc và đánh đập tàn bạo, cô tới trình báo cảnh sát thì chỉ nhận được sự từ chối phũ phàng vì cảnh sát cho cô là loại đàn bà hư hỏng, làm việc trong quán bar.
Sau nhiều năm, nhờ sự giúp đỡ của một nhà tu kín rốt cuộc Bastidas cũng trốn thoát khỏi bọn buôn người. Sau đó cô lấy chồng và chuyển tới Vancouver (Canada) sinh sống.
Ký ức không buông tha người phụ nữ này. Sống với chồng trong nỗi ê chề, xấu hổ về quá khứ, cộng thêm chứng nghiện rượu mắc phải trong thời gian ở Nhật, một lần nữa Bastidas lại đánh rơi hạnh phúc gia đình và cũng mất luôn cả công việc ổn định.
Cú sốc khiến Bastidas sực tỉnh là khi con trai lớn của chị bị chứng bệnh suy giảm thị lực có thể sẽ bị mù mắt. Lúc đó, trong hoàn cảnh làm mẹ đơn thân vừa thất nghiệp, chị cảm thấy mình cần phải làm gì đó để thoát khỏi tấm lưới tối đen bủa vây của quá khứ. Và chị quyết định chạy.
Chị nhớ lại: “Tôi bắt đầu chạy vào ban đêm vì không muốn các con nghe thấy mình khóc lúc ấy. Còn vì sao lại chạy ư? Nó cho tôi một cái gì đó mà tôi có thể kiểm soát. Tôi không thể kiểm soát sự tiến triển sức khỏe của con trai mình. Tôi cũng không thể kiểm soát việc người ta có đuổi việc mình nữa hay không. Nhưng tôi có thể buộc dây giày và rèn luyện”.
Sau sáu tháng bắt đầu chạy, chị Bastidas đủ tiêu chuẩn tham gia một trong những cuộc đua marathon nổi tiếng nhất thế giới là Boston Marathon. Rất mau sau đó, chị trở thành người chinh phục bảy đỉnh núi cao nhất tại mỗi châu lục để quyên góp tiền tìm liệu pháp chữa trị chứng mù do di truyền ở trẻ nhỏ.
Thế rồi năm 2013, chị có một ý tưởng khác lớn hơn và gọi cho một người bạn là chị Brad Riley, người điều hành tổ chức chống buôn người iEmpathize. Chính Riley là người đã giúp Bastidas thực hiện giấc mơ lập kỷ lục thế giới về ba môn phối hợp dài nhất thế giới. Hành trình lập kỷ lục cũng chính là lộ trình của những kẻ buôn người thường di chuyển. Đó sẽ là thông điệp tuyên chiến với những kẻ kiếm lợi bất chính và tàn bạo từ thân xác đồng loại.
Và năm 2014 trong hành trình kéo dài 65 ngày, chị Bastidas lúc chạy, lúc đạp xe, lúc bơi để vượt qua các địa hình khác nhau từ Cancun (Mexico) tới Washington D.C (Mỹ) với kỷ lục gần như gấp ba so với kỷ lục của nam giới ở chặng hành trình tương đương.
Chị Riley nhớ lại: “Chị ấy có thể bơi 6-10 dặm trong nước, ngày này sang ngày khác. Sau đó khi chuyển sang xe đạp, chị ấy sẽ đạp xe từ 100-120 dặm mỗi ngày trong nhiều ngày liên tục. Và rồi chị ấy có thể chạy một mạch 30-40 dặm, thậm chí tới 100 dặm” (1 dặm = 1,6km). Tổ chức iEmpathize đã ghi hình lại toàn bộ hành trình này và đây là chủ đề của bộ phim tài liệu có tên Be relentless (Hãy kiên cường).
Với hành trình lập kỷ lục Guinness, chị Bastidas không chỉ muốn gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nạn buôn người tàn khốc, mà còn muốn gửi tới những người đồng cảnh ngộ với mình thông điệp: mọi hoàn cảnh, mọi mặc cảm đều có thể thay đổi, miễn là người ta có quyết tâm để bắt đầu từ một bước chân của hành trình ngàn dặm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận