Theo tây y, hành thuộc họ hành tỏi, đều chứa allicin - kháng sinh rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Hành vừa tăng cường miễn dịch vừa diệt vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, hành rất hiệu nghiệm đối với các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm trong cơ thể...
Tăng cường miễn dịch và diệt vi khuẩn gây bệnh
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết hành không những là gia vị, mà còn là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong dân gian để chữa nhiều bệnh.
Trong Lĩnh Nam bản thảo của danh y Hải Thượng Lãn Ông ghi: củ hành khí ấm, vị cay, tính bình, có tác dụng: phát biểu, chữa thương hàn, phong nhiệt, đau nhức, tê thấp, yên thai...
Ngoài ra, hành còn có tác dụng điều tiết thân nhiệt, tạo điều kiện hoạt động của tuyến mồ hôi và làm tiêu cục máu đông gây tắc mạch máu. Ăn hành đều đặn với lượng vừa phải sẽ giúp hạ cholesterol máu, cản trở sự tích tụ cholesterol trên thành mạch máu. Hành có chứa "insulin thảo mộc" nên dùng tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Tùy mỗi loại hành khác nhau, công dụng chữa bệnh cũng khác:
Hành củ: là loại được trồng lấy củ làm gia vị, lá dùng ăn sống hoặc xào nấu với các loại rau, thịt, cá... và đặc biệt nhất là dùng muối làm dưa ăn vào dịp Tết Nguyên đán.
Hành củ tươi chứa các thành phần tính theo g%: protid 1,3; glucid 4,8; cellulose 0,7 và theo mg%: calcium 32; phosphor 49; sắt 1,1; caroten 15; vitamin B1 0,03 và vitamin C 10...
Hành củ được dùng trong đông y với tên "Thông". Nó có vị cay tính ấm, có tác dụng giải độc, ôn trung, hạ khí và lợi niệu, thường được dùng trị thủy thũng, trướng mãn và trúng độc. Trong y học dân gian, ta thường dùng hành chữa thương hàn trúng phong ác khí, nhức đầu, mắt mờ, tai điếc, thổ nục huyết, đàn bà thai động và sưng, trẻ em trúng ác và sưng thũng.
- Bí tiểu tiện: Giã hành củ tươi với vài con gián đất đắp vào rốn.
- Cảm cúm: Hành củ tươi 5 - 7 củ, cả rễ, rửa sạch, giã với 3 lát gừng, đổ một bát nước đun kỹ thêm đường đủ ngọt, uống khi còn nóng.
- Chữa mụn nhọt: Hành củ nướng chín giã nát đắp vào mụn nhọt khi còn nóng.
- Tiểu tiện không lợi: Củ hành 5g, gián đất 1 con, giã nát, đắp vào rốn. Tiếp đó có thể dùng bài thuốc sau: Hành 20g, mã đề 20g, râu ngô 15g, rễ cỏ tranh 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Ngạt mũi, thở không thông: Hành 20g sắc uống.
- Viêm tuyến vú: Hành củ 20 - 30g, giã nát hấp nóng. Đắp chườm vào chỗ đau.
- Chín mé: Củ hành nướng chín, đập giập đắp vào chỗ đau.
- Động thai ra máu: Hành củ 20g, giã nát. Ăn với cháo gạo nếp khi còn nóng.
Hành hoa: được trồng rộng rãi khắp nơi bằng cách tách bụi hoặc hạt. Hành hoa có vị cay, tính nóng, có tác dụng làm toát mồ hôi, giải độc, giúp tiêu hóa, phòng cảm mạo và sát trùng... thường được chỉ dẫn dùng để chữa:
- Chữa ngoại cảm: Hành tươi (củ) 30g, gừng 10g sắc uống. Có thể phối hợp với tía tô gia vào bát cháo nóng để ăn giải cảm tốt.
- Giảm niệu: Giã hành đắp vào rốn.
- Nghẽn ruột do giun đũa: Hành tươi (củ) 30g, nghiền ra với 30g dầu vừng và uống mỗi ngày 2 lần.
- Chữa eczema, phát ban, vết thương, vết loét: Dùng hành tươi giã nát đun sôi trong nước để rửa các phần đau. Tùy theo kích thước của phần nhiễm bệnh mà dùng lượng hành nhiều hay ít.
Ai không nên ăn hành?
Theo lương y Vũ Quốc Trung, để dùng hành phòng chữa bệnh hiệu quả bằng cả hai hình thức ăn và thuốc, cần bảo toàn tác dụng của tinh dầu và men rất dễ bị phân hủy. Hành tươi sống có tác dụng mạnh hơn hành luộc chín.
Hành nên nghiền nát để tế bào giải phóng hoạt chất, sau đó để vài phút cho men chuyển hoạt chất thành chất cho tác dụng dược lý cần thiết. Là gia vị, hành nên cho vào sau khi nấu chín món ăn và chỉ để một lúc, tránh để hoạt chất quý bị nhiệt phá hủy.
Theo đông y, hành có tính ấm nên tránh dùng cho người có dương thịnh, hỏa bốc. Ăn quá nhiều sẽ gây phản tác dụng như có thể làm mắt mờ, tóc chóng bạc, thậm chí cản trở ra mồ hôi.
Phụ nữ có kinh nguyệt sớm và nhiều nên tránh ăn nhiều hành. Ngoài ra không được dùng hành cùng mật ong và không được dùng ở người huyết áp cao.
Hành lá không phải thực phẩm mà ai cũng có thể ăn được, nhất là với người có tiền sử dị ứng với chất allyl. Hoạt chất này khi vào cơ thể sẽ kích hoạt histamine, khiến bạn cảm thấy ngứa họng, phát ban đỏ, thậm chí có thể bị sốc phản vệ.
Những điều cần lưu ý khi ăn hành lá
- Không ăn hành đã bị nhũn mềm.
- Bạn nên lựa mua hành lá còn nguyên phần củ trắng, phần ngọn hành xanh tươi, không bị nhũn mềm hoặc bị ngả màu. Ngoài ra, sau khi mua về, nếu muốn bảo quản lâu, bạn hãy rửa sạch, cắt phần ngọn xanh riêng rồi cấp đông, phần củ trắng thì ngâm nước để ngăn mát.
- Không kết hợp các món ăn có hành lá và mật ong bởi khi kết hợp với nhau sẽ tăng tiết các hoạt chất không có lợi cho sức khỏe, dễ gây chướng bụng, khó tiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận