Dự án nâng đường Lò Gốm (Q.6, TP.HCM) theo cốt nền 2m khiến nhà dân rất thấp so với mặt đường (ảnh chụp tháng 10-2014) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Ông BÙI THANH GIANG (phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên - Sawaco):
Phải tuân thủ lộ trình giảm khai thác nước ngầm
Khai thác nước ngầm quá mức không chỉ là nguyên nhân gây lún đất mà còn làm suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước...
Vì vậy, UBND TP đã đề ra chương trình hạn chế khai thác nước ngầm, trong đó xác định giảm lưu lượng khai thác từ 716.000 m3/ngày hiện nay còn khoảng 100.000 m3/ngày vào năm 2025.
Sawaco đã xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình giảm khai thác nước ngầm theo kế hoạch của UBND TP. Cụ thể, lượng nước ngầm mà Sawaco khai thác hiện là 130.000 m3/ngày sẽ giảm còn 70.000 m3/ngày vào năm 2020 và đến năm 2025 còn 30.000 m3/ngày.
Các công trình khai thác nước ngầm sẽ được đưa sang chế độ dự phòng, đồng thời chú trọng đến việc sử dụng nguồn nước mặt đảm bảo nhu cầu nước sạch của TP.
Đến nay, TP đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân bằng nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung...
Dù vậy, hiện nhiều nơi người dân đã được cấp nước sạch nhưng vẫn sử dụng nước ngầm (chiếm khoảng 8% tổng số khách hàng).
Để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích sử dụng nước sạch thay nước ngầm, Sawaco đã triển khai nhiều giải pháp: đảm bảo nguồn nước liên tục, chất lượng; vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm; giảm giá để khuyến khích các hộ dân đã được gắn đồng hồ nước sử dụng nước; bán giá sỉ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất...
* KS PHẠM THỊ THANH HẢI (nguyên phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP):
Sớm điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung TP.HCM
Hiện nay, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho dự thảo quyết định thay thế quyết định 24 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (ban hành năm 2010).
Đây là cơ sở pháp lý, căn cứ cho việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP thời gian tới.
Góp ý cho dự thảo này, các nhà khoa học, chuyên gia về hạ tầng, thoát nước, xây dựng... đều cảnh báo về tình trạng TP đang có dấu hiệu lún, mưa cực đoan và nước biển dâng (như ý kiến của PGS.TS Lê Văn Trung - phó chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ).
Trong quá trình xây dựng quy định mới chắc chắn có những vấn đề cần được thay đổi.
Ví dụ, theo quy định hiện thời, cốt nền xây dựng tối thiểu phải 2m nhưng quy định mới phải điều chỉnh linh hoạt hơn.
Có thể từng khu vực với địa chất, đặc điểm khác nhau sẽ có những cốt san nền khác nhau. Như dự án chống ngập do Tập đoàn Trung Nam đang triển khai, hệ thống sông rạch bên trong các cống kiểm soát triều và đê bao của dự án khống chế mực nước ở mức 1m, vậy có cần thiết phải xây nhà cửa ở mức nền tối thiểu là 2m?
Hay TP có dấu hiệu lún thì quy chuẩn xây dựng mới phải thực hiện như thế nào? Những vấn đề này rất cần có những nghiên cứu khoa học chuyên sâu để quá trình cập nhật, bổ sung cho quy định mới hợp lý, khoa học hơn, tránh tình trạng công trình làm chưa bao lâu đã lỗi thời, hư hỏng...
* KTS VÕ KIM CƯƠNG (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP):
Tính toán cẩn trọng hơn trong xây dựng
Dù tốc độ lún tại TP.HCM còn chậm hơn so với các thành phố mà chuyên gia Hà Lan cảnh báo, nhưng do kết hợp với nước biển dâng sẽ gây tác động kép đến quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng trên địa bàn TP.
Đối với các công trình, tòa nhà cao tầng do hệ thống móng - cọc sâu tới tầng địa chất cứng bên dưới nên có thể ít bị ảnh hưởng, nhưng tầng địa chất bên trên chắc chắn bị ảnh hưởng do có sự gia tải.
Trong khi đó, tầng địa chất bên trên thường được lắp đặt nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như cống thoát nước, đường ống cấp nước, điện, viễn thông...
Nếu xảy ra tình trạng lún không đều, lún cục bộ dễ dẫn đến đường ống nước, cống bị gãy khúc, làm hạn chế khả năng thoát nước, tăng nguy cơ lún, sụp...
Do đó, các đơn vị đầu tư hạ tầng, nhà cửa thấp tầng phải chú ý đến vấn đề này để có những giải pháp kỹ thuật thích hợp.
Về quy hoạch chung, cần hạn chế phát triển đô thị về vùng đất thấp, đất yếu và quyết liệt có chính sách hạn chế khai thác nước ngầm; xây dựng hệ thống đê bao - cống kiểm soát triều và hệ thống thoát nước hoàn chỉnh.
* Chị HIỀN (người làm vườn rau tại H.Hóc Môn):
Có chính sách giảm giá nước cho người trồng trọt
Tôi có thuê miếng đất để trồng rau, hằng ngày phải sử dụng một lượng lớn nước giếng khoan để tưới rau.
Nếu dùng nước máy để tưới rau thì chi phí sẽ rất cao, ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của tôi cũng như các hộ dân trồng rau khác, nhất là vào mùa khô thì nhu cầu sử dụng nước tưới tiêu rất lớn.
Tôi có nghe việc dùng nước giếng nhiều gây sụt lún nền đất, nhưng đây là nguồn nước chính để tưới rau mà chi phí thấp. Trong khi đó, dùng nước sạch để tưới rau thì chi phí cao.
Tôi nghĩ chỉ nên yêu cầu hạn chế sử dụng nước giếng trong sinh hoạt, sản xuất khi đã cấp nước máy đầy đủ, còn trường hợp dùng nước giếng tưới tiêu trong nông nghiệp vẫn để người dân dùng.
Trường hợp cấm sử dụng nước giếng toàn địa bàn TP thì cần có chính sách giảm giá nước sạch đối với những trường hợp dùng nước để tưới tiêu như chúng tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận