15/08/2018 14:07 GMT+7

Nguy cơ TP.HCM 'chìm' dần

QUANG KHẢI - LÊ PHAN - MỸ DUYÊN - ANH THƯ
QUANG KHẢI - LÊ PHAN - MỸ DUYÊN - ANH THƯ

TTO - Theo cảnh báo của chuyên gia Viện nghiên cứu Deltares Gilles Erkens (Hà Lan), hiện có năm thành phố trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ chìm dần xuống biển, trong đó có TP.HCM.

Nguy cơ TP.HCM 'chìm' dần- Ảnh 1.

Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM với nhiều cao ốc được ghi nhận có độ lún cao - Ảnh: TỰ TRUNG

Hơn 60% diện tích của TP.HCM có cao độ từ 1,6m trở xuống, thấp hơn đỉnh triều cường ghi nhận được 1,72m (tháng 12-2017). Vì vậy, tình trạng lún không chỉ làm ngập nặng nề thêm mà còn làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Jakarta (Indonesia) được xem là TP chìm nhanh nhất thế giới, khi bị lún tới 2,5m trong vòng 10 năm qua. Vấn nạn lún của Jakarta đã "phả hơi nóng vào gáy" của TP.HCM.

Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp quyết liệt, tình trạng TP.HCM "chìm" dần dưới mực nước biển như Jakarta không còn là viễn cảnh xa vời.

Lún 1,2m

Tại TP.HCM, ghi nhận tình trạng lún rõ nét nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh).

Theo quan sát mặt đường tại đây không bằng phẳng mà gợn sóng chỗ cao chỗ thấp. Phía chân cầu vượt có nhiều rãnh hở do phần đất bên dưới bị lún tạo khoảng cách hở giữa mặt đường và phần bêtông quanh chân cầu.

Tại vị trí ngay dốc cầu đổ xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh, phần mặt đường trên cầu vượt bị lún tạo thành hai phần cao thấp, đơn vị quản lý phải dùng nhựa đường để đắp bồi lên nhiều lần. Tuy nhiên theo người dân, một thời gian vị trí trên lại bị lún xuống thấy rõ.

Dọc hai bên thành cầu có khe hở khoảng 10cm được đơn vị quản lý dùng ván kết hợp ximăng bít lại.

Cũng do mặt đường bị lún nên khu vực này thường bị ngập nước khi mưa lớn, nhà các hộ dân tại đây đều được nâng nền hoặc xây bờ tường chắn nước phía trước.

Ông Điêu Ngọc Anh (51 tuổi, sống tại đây 15 năm) chia sẻ: "Sống ở đây lâu năm nên thấy ngập và lún cũng quen, nhưng thời điểm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh còn cho xe container chạy qua, mỗi lần xe qua gờ chỗ phần lún của cầu vượt là nhà tôi rung lên bần bật".

Ngồi trước nhà ông Anh, chúng tôi ghi nhận mặt đất bị rung lên rất rõ rệt khi có xe bồn chạy qua.

Từ khi đưa vào sử dụng (năm 2002), con đường này đã bị lún. Năm 2003, UBND TP.HCM nhờ Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định chất lượng đường này, quá trình kiểm định cho thấy mặt đường bị lún từ 5cm đến khoảng 1m. Trong đó, đoạn lún nhiều nhất là đoạn dẫn lên cầu Văn Thánh 2.

Đến năm 2010, các cơ quan chức năng xác định đường Nguyễn Hữu Cảnh lún nặng hơn. Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến giáp cầu Văn Thánh lún 0,8m, đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh lún khoảng 1,2m.

Không chỉ khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, rất nhiều nơi khác trên địa bàn TP.HCM ghi nhận có tình trạng lún.

Mặt đất lún, mực nước biển dâng

Tại hội nghị "Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước TP.HCM" tổ chức mới đây, PGS.TS Lê Văn Trung - phó chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ TP.HCM - đã cảnh báo tình trạng này.

Theo đó, qua kết quả phân tích bằng kỹ thuật INSAR vi phân, ông Trung nhận định mức độ lún đất 5-10mm diễn ra tại các huyện Bình Chánh, nam quận Bình Tân, quận 8, tây quận 7, tây bắc quận 2, đông quận 12, tây nam quận Thủ Đức, tây bắc huyện Nhà Bè...

Trong khi mặt đất bị lún, các kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy mực nước biển lại dâng lên 3mm/năm. Điều đáng quan ngại hơn là tình trạng lún cũng làm sai lệch các mốc cao độ, từ đó nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật triển khai theo mốc cao độ này cũng bị sai theo.

"Có những tuyến đường khu dân cư mới làm theo cao độ 2m nhưng do lún nên cao độ thực tế chỉ 1,4m dẫn tới đường bị ngập nước" - ông Trung dẫn dụ. Hay tình trạng lún dẫn tới cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bị gãy khúc cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước trên đường này trầm trọng thêm.

Nguy cơ TP.HCM 'chìm' dần- Ảnh 2.

Ảnh hưởng lún mặt đất (tốc độ lún 5-10mm/năm) của một số quận huyện trong năm 2017 - Đồ họa: T.ĐẠT

Quá trình lún diễn ra nhanh hơn

Trong khi đó, số lượng người sử dụng nước giếng (dù đã được cấp nước máy) ngày càng tăng.

Theo ông Bùi Thanh Giang, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), trong tháng 6-2018, số lượng người dân được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng nước (sử dụng nước giếng - PV) lên đến hơn 128.000 trong tổng số hơn 1,4 triệu đồng hồ nước .

"Số lượng người không sử dụng nước sạch tăng gần 15.000 trường hợp so với trước đó, tập trung nhiều nhất ở các quận Gò Vấp, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh" - ông Giang cho hay. Đây cũng là những địa phương theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Trung có xảy ra tình trạng lún mặt đất.

Thạc sĩ Nguyễn Phát Minh, nguyên trưởng bộ môn địa chất thủy văn - địa chất công trình - địa chất môi trường (ĐH KHTN TP.HCM), cho rằng đô thị TP.HCM cũng là đô thị mới, trong đó nhiều khu vực chịu ảnh hưởng bởi chế độ bán ngập triều (flood plain) như các quận 2, 9; huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh...

"Độ rỗng trong tầng địa chất phía trên ở các khu vực trên rất lớn. Theo thời gian dài có thể hàng trăm, thậm chí ngàn năm địa chất sẽ nén chặt lại gây ra hiện tượng lún. Nhưng quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhà cửa, đường giao thông gia tăng tải trọng nên thúc đẩy quá trình lún diễn ra nhanh hơn" - ông Minh khẳng định.

Cũng theo ông Minh, chỉ cần đến các khu phát triển đô thị mới như Phú Mỹ Hưng (Q.7) hay các khu dân cư khác dễ dàng quan sát hiện tượng hạ thấp vỉa hè, mặt đất xung quanh nhà, đó là biểu hiện tình trạng lún mặt đất.

Trước đây tình trạng này xảy ra khá nhiều tại khu dân cư Bình Hưng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh... và nhiều người cho rằng tình trạng lún tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh có sự tác động của các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm dọc tuyến đường này.

Thách thức lộ trình giảm khai thác nước ngầm

Theo PGS.TS Lê Văn Trung, tình trạng lún mặt đất ở TP.HCM cũng có nguyên nhân giống như ở Jakarta: khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa làm tăng bêtông hóa, hạn chế khả năng thấm nước tự nhiên và việc gia tăng tải trọng công trình trên nền đất yếu.

Điều đáng nói là tại Jakarta hiện việc cung cấp nước sạch mới chỉ đạt 40% nhu cầu nên việc khai thác nước ngầm để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất là "chẳng đặng đừng" thì tại TP.HCM đã cấp nước sạch cho 100% người dân nhưng tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm không giảm mà có dấu hiệu tăng.

Thống kê của Sở TN-MT TP.HCM cho thấy lượng nước ngầm được khai thác hiện nay hơn 716.580m3/ngày, trong đó chiếm phần lớn vẫn là hộ gia đình đơn lẻ với hơn 355.000m3/ngày, còn lại là các đơn vị, doanh nghiệp... Riêng lượng nước khai thác của Sawaco là 130.000m3/ngày.

Trong một văn bản gửi Cục Tài nguyên nước (Bộ TN-MT), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng hiện nhu cầu khai thác và sử dụng nước ngầm đã vượt lưu lượng có thể khai thác theo quy định.

TP.HCM cũng đã ban hành lộ trình giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày vào năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức bởi hiện chưa có quy định việc cấm khai thác nước ngầm, đặc biệt trường hợp khoan giếng sử dụng dưới 10m3/ngày không cần giấy phép.

Kinh nghiệm chống sụt lún của thế giới

Chuyên gia Viện Deltares chuyên nghiên cứu về sụt lún của Hà Lan Gilles Erkens cảnh báo một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún là khai thác nước ngầm.

Việc khai thác nước ngầm để cung cấp nước sinh hoạt cho các TP lớn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên điều này trở nên nguy hiểm nếu các TP khai thác quá nhiều hoặc quá nhanh.

Điển hình là chính sách khai thác tầng nước ngầm của chính quyền Tokyo (Nhật Bản) trong thập niên 1960 đã khiến TP này chìm xuống 2m trong vòng 10 năm.

Đến thập niên 1970, Tokyo giảm rút nước ngầm và ngay lập tức tỉ lệ chìm bắt đầu chậm lại. Ngày nay Tokyo gần như không còn chìm xuống nữa.

Từ đó cho thấy bước đi nhanh nhất để giải quyết việc lún đất dẫn đến sự chìm dần của các TP là giảm khai thác tầng nước ngầm. Đây là một giải pháp khó khăn và phức tạp, đặc biệt đối với các TP lớn nghèo khó.

Nếu giảm khai thác nước ngầm thì phải tìm nguồn cung cấp nước khác - một vấn đề rất tốn kém. Một giải pháp khác là xây dựng các nhà máy xử lý nước để làm sạch nước ở bề mặt từ các con sông hoặc hồ.

Những giải pháp hướng đến việc chống lãng phí nước sạch như chống rò rỉ nước từ các hệ thống ống nước, tái sử dụng nước nhiều hơn.

Ngoài ra chính phủ các nước cũng có thể chống lún bằng cách cải tạo đất nền, làm cho đất chắc hơn và yêu cầu các công ty xây dựng dùng các vật liệu nhẹ hơn trong xây dựng để giảm áp lực lên đất.

Có rất nhiều cách khác nhau để giảm sụt lún và mỗi TP cần phải tìm ra giải pháp tối ưu. Dhaka, thủ đô Bangladesh, là một ví dụ điển hình. Viện Deltares báo cáo rằng Dhaka là một trong những TP có nguy cơ lún đất bậc nhất.

Với dân số 12 triệu người, Dhaka là TP lớn nhưng không thật sự giàu có. Năm 2011 chính quyền Dhaka ban hành luật mọi hộ dân phải trữ nước mưa để giảm nguồn cung cấp nước của TP.

Hàn Quốc cũng giúp Dhaka xây dựng các nhà máy xử lý nước. Hai cách này đều giúp Dhaka giảm việc khai thác nước ngầm.

25 năm, TP.HCM lún gần nửa mét

Theo chuyên gia của Viện nghiên cứu Deltares Gilles Erkens (Hà Lan), hiện có 5 thành phố gồm Jakarta (Indonesia), Venice (Ý), New Orleans thuộc bang Louisiana (Mỹ), Dhaka (Bangladesh) và TP.HCM (VN) đang đối mặt với nguy cơ chìm dần xuống biển.

Jakarta (Indonesia) có 40% diện tích nằm dưới mực nước biển và được mệnh danh là TP chìm nhanh nhất trên thế giới. Venice (Ý) nằm trên nền đáy trầm tích tại cửa sông Po khiến cho TP này dễ bị ngập lụt và nước cứ dâng từ từ lên khiến TP chìm dần xuống.

Trong khi đó nhiều phần của TP New Orleans thuộc bang Louisiana (Mỹ) lại đang chìm hơn 5cm/năm. Việc khai thác nguồn nước ngầm đang hủy hoại Dhaka và khiến TP này đối mặt với nguy cơ ngập lụt, trong khi khu vực duyên hải đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mực nước biển dâng.

TP.HCM cũng chìm gần nửa mét trong 25 năm qua.

TP.HCM giảm dần hút nước ngầm để chống lún, ngập TP.HCM giảm dần hút nước ngầm để chống lún, ngập

TTO - Một trong những nguyên nhân khiến TP.HCM có dấu hiệu lún trên diện rộng dẫn đến ngập lụt là do khai thác nước ngầm quá mức. Việc khai thác nước ngầm không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

QUANG KHẢI - LÊ PHAN - MỸ DUYÊN - ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên