11/04/2013 07:29 GMT+7

Hàng VN sẽ được hưởng lợi?

NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI
NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI

TT - Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của doanh nghiệp VN đang có thêm một yếu tố hỗ trợ nữa khi Chính phủ Nhật công bố gói kích thích kinh tế 1.400 tỉ USD, bên cạnh các hiệp định thương mại song phương, đa phương.

CmQ45jo9.jpgPhóng to
Công nhân chế biến thực phẩm tôm chiên - một trong những mặt hàng xuất sang thị trường Nhật - tại Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Hai Thanh, KCN Hiệp Phước, TP.HCM - Ảnh: T.ĐẠM

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp VN phải tính toán lại chiến lược xuất khẩu của mình khi hàng hóa vào thị trường Nhật sẽ đắt đỏ hơn do đồng yen mất giá.

Nông sản và thực phẩm VN có lợi thế

Từ Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, cho rằng gói kích thích kinh tế mà Chính phủ Nhật đưa ra sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản phát triển, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa sẽ tăng lên, sản xuất được kéo theo, như vậy VN cũng sẽ được hưởng lợi. Vì hiện nay Nhật Bản là một trong ba thị trường xuất khẩu chính của VN, chỉ tính riêng năm 2012 xuất khẩu vào Nhật đã đạt kim ngạch 13 tỉ USD với các mặt hàng chủ yếu như da giày, thủy hải sản, nông nghiệp...

Việc tận dụng cơ hội của doanh nghiệp VN còn kém

Từ năm 2009, Hiệp định đối tác toàn diện VN - Nhật Bản (VJEPA) đã có hiệu lực, tạo điều kiện cho thương mại song phương phát triển, trong đó nhiều mặt hàng nông nghiệp của VN được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan theo hiệp định. Tuy nhiên, so với quy mô nhập khẩu khổng lồ 134.000 tỉ yen của Nhật thì con số gần 1.300 tỉ yen của VN còn quá khiêm tốn.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, bản chất của gói kích thích kinh tế trị giá 1.400 tỉ USD mà Chính phủ Nhật đưa ra là nới lỏng tiền tệ, tức phá giá đồng yen. “Từ khi chính phủ Abe lên nắm chính quyền, giá trị đồng yen đã giảm giá 16%, khiến hàng hóa nhập khẩu vào Nhật sẽ tăng lên. Người tiêu dùng Nhật nếu xài hàng ngoại sẽ phải trả giá cao hơn, hàng ngoại phải cạnh tranh với hàng nội địa” - ông Dũng phân tích.

Đồng yen giảm giá cũng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của Nhật vốn đã tuột dốc trong những năm gần đây, việc kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa đã trở thành ưu tiên hàng đầu để vực dậy nền kinh tế. Vì vậy, VN sẽ có cơ hội nhập khẩu thiết bị, máy móc từ Nhật với giá rẻ hơn trước.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, quan hệ thương mại VN - Nhật Bản có cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho nhau nên VN sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích này của Nhật Bản.

Nhật Bản hiện là nước nhập siêu lớn về các mặt hàng nông sản, tiêu dùng như dệt may, da giày, thực phẩm chế biến... trong khi VN là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này. “Nhiều mặt hàng VN xuất sang Nhật không phải là thế mạnh của Nhật, và hầu hết đều không thể sản xuất tại Nhật sản xuất với chi phí rất cao” - ông Lộc nói.

Làn sóng đầu tư Nhật vào VN có thể sẽ rõ ràng hơn khi doanh nghiệp Nhật đang có hướng đầu tư ra nước ngoài và nhập khẩu hàng hóa ngược lại thị trường Nhật. Tuy nhiên, ông Lộc cũng lưu ý quy mô tiêu dùng sẽ quyết định đến cơ hội cho hàng VN vì gói kích thích kinh tế sẽ phá giá đồng yen, làm hàng hóa nhập khẩu vào Nhật đắt đỏ hơn. Nếu quy mô tiêu dùng lớn và có thể “bù” được việc tăng giá hàng hóa thì doanh nghiệp VN cần xem đây là cơ hội lớn.

Ngành dệt may thêm nhiều cơ hội

Đạt 1,97 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012, chiếm khoảng 6,2% thị phần nhập khẩu của Nhật, dệt may là ngành hàng thứ hai có kim ngạch xuất khẩu sang Nhật lớn nhất hiện nay của VN, chỉ xếp sau dầu thô. Ông Lê Tiến Trường, phó chủ tịch Tập đoàn Dệt may VN, cho biết dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật trong năm 2013 sẽ đạt trên 2,37 tỉ USD, tăng khoảng 18% so với năm 2012, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may VN.

Theo ông Lê Quang Hùng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, gói kích thích kinh tế của Nhật là cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt với ngành dệt may, với kỳ vọng sức mua tại thị trường Nhật sẽ tăng lên. “Với các loại quần áo thể thao có nguyên liệu khá cao cấp, đơn hàng từ đối tác Nhật chỉ từ 5.000-7.000 sản phẩm/mẫu nên cần có sự kiên trì nếu xác định Nhật là thị trường cần thiết của mình” - ông Hùng chia sẻ.

Một cán bộ có thẩm quyền của Công ty CP may Sài Gòn 3 cho hay so với năm 2012, đơn hàng đã tăng ít nhất 10% “và lý ra còn tăng hơn nữa, nhưng không còn khả năng đáp ứng cho nhà đặt hàng nên đành chịu” - vị này chia sẻ. Đặt Sài Gòn 3 may quần kaki với mức giá trung cấp, có giá xuất khẩu bình quân 13-15 USD/quần, nhà cung cấp từ VN cho biết hiện loại quần do công ty ông sản xuất đang bán rất chạy tại Nhật.

Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu sang Nhật, mỗi khi Nhật có các gói kích thích tăng trưởng kinh tế thì dệt may luôn là một trong những “địa chỉ” nhận được các tín hiệu khả quan sớm nhất “vì chi tiêu nội địa tại nước sở tại, đặc biệt với quần áo, có xu hướng tăng khá rõ rệt”. Với đặc tính là thị trường khó tính, đơn hàng nhỏ, yêu cầu kỹ thuật khắt khe, nhưng thị trường Nhật luôn là “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU bị xáo trộn mỗi khi khủng hoảng kinh tế diễn ra.

Giám đốc một công ty xuất khẩu thực phẩm chế biến sang thị trường Nhật cho rằng muốn cạnh tranh được, doanh nghiệp VN phải đa dạng thêm chủng loại hàng hóa và đầu tư mạnh hệ thống phân phối. “Người Nhật có thể thay đổi cơ cấu tiêu dùng nhưng VN vẫn có nhiều cơ hội” - vị giám đốc này cho biết.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, yếu tố cơ cấu hàng hóa nhập khẩu giữa hai nước là truyền thống nhiều năm nay không quá xem trọng mà cần lưu ý đến tính cạnh tranh của các mặt hàng.

NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên