Phóng to |
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại một phiên giới thiệu hàng ở chợ - Ảnh: D.T. |
"Cái thua của doanh nghiệp sản xuất trong nước khi tiếp cận chợ truyền thống mà tôi thấy rõ nhất chính ở điểm hay bị để đứt hàng (hàng rót không đều, không đủ) và không biết nuôi dưỡng, giữ khách mua lâu dài" |
- Sau khi đi một loạt chợ, dưới góc độ của người tiêu dùng (NTD), tôi thấy cuộc vận động Tiếp sức cho hàng Việt vào chợ rất hay và có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. Chương trình này đã tạo điều kiện cho những người làm xúc tiến, các doanh nghiệp (DN) tiếp cận gần hơn với thị trường, nghe những điều thực tế “chói tai” từ tiểu thương, NTD về sản phẩm của mình. Đó là những bài học hết sức quý giá.
Khó khăn khi thực hiện thì rất nhiều, nhưng cái khó nhất nằm ở chỗ chương trình này chỉ duy trì được khi có hiệu quả thật sự, khi có nhu cầu thật sự và phương pháp tiến hành đúng. Cho tới thời điểm này đã có bốn mảng hoạt động, ba diễn đàn ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ được tổ chức. Đó thật sự là những cuộc thảo luận rất tích cực, đúng đắn. Hiệu quả cụ thể và rõ rệt nhất là độ phủ hàng hóa của các DN tham gia đã tăng lên từ 20-50% so với trước. Nhưng có lẽ hiệu quả lớn nhất là làm nhà sản xuất hiểu rằng chuyện đưa hàng vào chợ hoàn toàn cần phải tính toán nghiêm túc, có chiến lược, có lộ trình, chứ không thể ngày một ngày hai. Mà muốn vậy, DN cần phải có chính sách, đội ngũ chuyên tâm thực hiện. Có thể không cần nhiều tiền nhưng cần rất nhiều công sức.
* Theo bà, những nguyên nhân nào khiến kênh phân phối tại chợ truyền thống bị bỏ xa trong cuộc đua bán hàng so với các kênh phân phối khác?
- Tôi cho rằng có bốn yếu tố cơ bản khiến chợ ngày càng kém hấp dẫn và bị bỏ xa trong cuộc đua bán hàng. Đó là cơ sở vật chất xuống cấp, dơ bẩn, mất vệ sinh, chất lượng hàng hóa không ai kiểm soát. Thậm chí hiện nay nhiều địa phương còn cho biết chủ trương sắp tới sẽ là phá chợ để xây siêu thị. Chưa kể trình độ và thái độ của tiểu thương cũng là nguyên nhân khiến chợ bị NTD bỏ rơi. Để kéo NTD quay lại với chợ, chỉ có cách duy nhất là tiểu thương phải thay đổi rất nhiều. Hiện tất cả kỹ năng bán hàng chỉ là bản năng, gần như sự hướng dẫn, truyền dạy là không có.
Bên cạnh đó, trong cuộc cạnh tranh với các hệ thống khác thì chợ không được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng. Chẳng hạn khuyến mãi ra sao, chăm lo NTD như thế nào... hiện ở chợ chỉ mạnh ai nấy làm và theo cảm nhận là chủ yếu.
Phóng to |
Bà Vũ Kim Hạnh - Ảnh: M.ĐỨC |
* Mục đích cốt lõi của chương trình, theo bà, chính là thay đổi tư duy trong xây dựng hệ thống phân phối của DN Việt. Đến nay điều đó đã có kết quả gì hay chưa?
- Hiện đã có 10 DN tiếp tục đăng ký tham gia các đợt “khai phá chợ” trong thời gian tới dù chương trình đã kết thúc. Tôi tin rằng số lượng DN “âm thầm” không đăng ký “theo” chân chúng tôi, mà tự thân “khai thác” tiềm năng của các chợ còn lớn hơn gấp nhiều lần số chúng tôi biết. Vì toàn bộ “công nghệ” để tiếp cận được với tiểu thương, cách thức đưa sản phẩm vào chợ truyền thống thế nào, chúng tôi đã chuyển giao hết cho DN thông qua các buổi hội thảo, cũng như những bài học thực tế từ các lần tiếp cận chợ trực tiếp có DN tham gia.
Đặc biệt, nhiều DN sau khi tham gia chương trình đã tự tách mình ra để tìm cách tiếp cận với chợ truyền thống, họ chủ động một mình thực hiện tiếp con đường đưa hàng vào chợ. Họ lấy hiệu ứng từ các chương trình mà chúng tôi đã làm để tự mình thực hiện. Chẳng hạn, như DN Tân Quang Minh (nhãn hiệu nước giải khát Bidrico) đồng hành với chúng tôi năm chợ nhưng đến phiên chợ thứ năm thì Tân Quang Minh đã tự tổ chức quảng bá tại 32 chợ khác cũng theo phương thức tương tự. Hiện nay nhãn hiệu Mỹ Hảo, Liên Thành...cũng bắt đầu tự mình tổ chức đưa hàng vào chợ theo mô hình của Hội DN hàng VN chất lượng cao.
* Với tình hình sức mua đang quá kém như hiện nay, theo bà, giải pháp nào có thể vừa kích sức mua đối với NTD, vừa giúp DN giải phóng được hàng tồn kho quá lớn như hiện nay?
- Chúng ta không thể kích sức mua, kích thị trường một khi thu nhập của người dân đang bị thắt chặt. Việc DN có cơ may bán được sản phẩm của mình hay không trong tình cảnh NTD có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn là điều hết sức khó. Vì vậy, để lọt vào “tầm ngắm” chọn lựa của NTD, tôi nghĩ DN nào cung cấp được cho NTD thông tin đáng tin cậy về sản phẩm của mình thông qua nhiều phương tiện khác nhau, nhưng phải thật hữu hiệu, thì DN đó mới có cơ hội tiêu thụ được sản phẩm.
Mặt khác, để đẩy mạnh hơn nữa việc đưa hàng Việt về các chợ theo lộ trình đã xây dựng, một giải pháp khác chúng tôi đang làm khá quyết liệt là liên tục tiếp cận, kiên trì thuyết phục sở công thương của các địa phương quan tâm, tập trung đầu tư toàn diện hơn nữa cho tất cả kênh phân phối, không nên thiên vị bất kỳ đơn vị nào. Có vậy mới mong độ phủ của hàng Việt rộng thêm trong thời gian tới, góp thêm kênh lưu thông cho hàng hóa thoát được cơn bế tắc đầu ra ngày một nghiêm trọng.
Nhiều diễn đàn và hội thảo hàng Việt Chương trình “Hàng Việt vào chợ truyền thống” được khởi động từ đầu tháng 3-2012, bao gồm các diễn đàn giữa tiểu thương và doanh nghiệp đã tổ chức tại Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, An Giang và dự kiến tổ chức tại Lâm Đồng và TP.HCM tháng 7-2012. Trong thời gian này ban tổ chức cũng triển khai 10 buổi huấn luyện tiểu thương, 10 đợt đưa hàng Việt của các doanh nghiệp sản xuất trong nước vào giới thiệu, bày bán tại các chợ với chủ đề “Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống”. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, cuộc thi viết “Đời chợ và tôi” (đã kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-6-2012) đã thu hút hơn 700 bài dự thi khắp nơi trên cả nước gửi về, hiện hội đồng giám khảo đang tích cực chấm giải để sớm công bố vào trung tuần tháng 7-2012. Riêng chương trình “Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống” sẽ kết thúc vào ngày 15-7 tại chợ Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận