Chỉ riêng thị trường Nhật, trái xoài VN đang đứng trước cơ hội lớn trở thành trái cây thứ 2 sau thanh long có mặt ở thị trường này.
Xuất khẩu túi vải trồng rau sang NhậtXuất khẩu trứng chim cút sang NhậtBắp luộc, củ mì... vào Mỹ, Canada
Phóng to |
Một khách hàng Nhật chọn mua sản phẩm bánh tráng của VN tại siêu thị OK (Yoyogi, quận Shibuya, Tokyo) (ảnh chụp ngày 31-12-2013) - Ảnh: Vân Minh - Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật |
Theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (VJEPA) đã ký kết, hàng loạt mặt hàng nông sản vào Nhật sẽ được cắt giảm thuế từ hôm nay 1-1-2014. Đặc biệt, các hàng rào kỹ thuật đối với hàng thủy hải sản được nới lỏng, triển vọng tăng xuất khẩu qua thị trường này là rất lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán công sứ tại Nhật Bản, cho biết:
Phóng toẢnh: T.Đạm"Nhu cầu về nông sản nhiệt đới của thị trường Nhật rất lớn, nhiều loại trái cây VN được ưa chuộng ở Nhật. Với lợi thế vốn, kỹ thuật của Nhật Bản nếu VN tranh thủ được thông qua hình thức liên doanh hợp tác đầu tư, VN có thể xuất trở lại thị trường Nhật Bản"
- Mục tiêu của thương vụ trong năm 2014 là không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn chú ý tăng cường xuất các mặt hàng chế biến, có giá trị gia tăng cao, kể cả mặt hàng hoa quả.
Năm qua, hàng nông lâm, thủy hải sản VN vào Nhật đã có tốc độ phát triển cao.
Tính hết 11 tháng đầu năm 2013, riêng kim ngạch thủy hải sản đã đạt 1,3 tỉ USD, trong khi năm ngoái 1,05 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng 15%. Các mặt hàng rau quả cũng vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng khá.
Tuy nhiên, nếu so với sự phát triển của nhu cầu thị trường Nhật thì mức độ tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu của VN vẫn chưa tương xứng, chỉ mới chiếm khoảng 1,6% nhu cầu nhập khẩu của Nhật. Có nhiều lý do, trong đó có lý do về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Đến nay, Nhật Bản gần như chưa có chống bán phá giá hay phòng vệ thương mại với hàng hóa VN, nhưng rào cản về hàng rào kỹ thuật, ATVSTP lại khá cao, tất nhiên mục đích của họ là bảo vệ người tiêu dùng.
Năm rồi các doanh nghiệp VN, các hiệp hội nông, lâm, thủy hải sản của VN đã rất cố gắng về vấn đề ATVSTP. Chẳng hạn với con tôm, hàm lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ VN bị kiểm tra rất ngặt nghèo.
Vài tháng gần đây tình hình thủy sản nhập khẩu có hàm lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép đã giảm mạnh. Nếu như năm 2012 vi phạm về ATVSTP của VN tại thị trường Nhật có 75 vụ, đến tháng 10-2013 chỉ còn 25 vụ. Đây là cố gắng rất lớn của doanh nghiệp VN, giúp con tôm của VN và thủy hải sản nói chung có mức tăng trưởng khá.
Một tín hiệu vui nữa là cơ quan chức năng của Nhật Bản có thông báo đang xem xét và sẽ nâng mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ VN từ 0,01ppm lên 0,2 ppm.
Nếu không có gì thay đổi, quy định mới này sẽ được áp dụng từ tháng 4-2014, cánh cửa về rào cản sẽ được mở, khả năng đẩy mạnh con tôm vào thị trường Nhật năm mới sẽ nhiều hơn bởi chỉ tiêu dư lượng chất này trong tôm vẫn đang là rào cản chính đối với tôm VN.
* Trong những nhóm hàng xuất khẩu sang Nhật năm qua, giá trị hàng rau quả tăng lên đáng kể, cơ hội cho nhóm hàng này thế nào, thưa ông?
- Riêng vấn đề hoa quả, theo hiệp định VJEPA đã được ký kết, năm 2014 sẽ có một số loại hoa quả có dòng thuế về 0%, trong đó có gừng, chuối, xoài, măng cụt, bưởi, đậu nành...
Hiện nay ngoài quả thanh long VN đã xuất khẩu thành công qua Nhật, tới đây VN cũng đang đề nghị đưa xoài vào Nhật. Đích thân Thủ tướng VN cũng đã tham gia tác động đến phía Nhật Bản, đề nghị phía nước bạn nới lỏng tiêu chuẩn ATVSTP cho trái cây VN để có thể sớm đưa loại trái này xuất sang Nhật. Vấn đề còn lại là sự chuẩn bị của doanh nghiệp VN.
Có thể nói, triển vọng xuất khẩu xoài qua Nhật Bản là rất cao vì những kỹ thuật xử lý ATVSTP của quả xoài cũng tương tự cách mà trái thanh long đang áp dụng. Từ kinh nghiệm của thanh long, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh, áp dụng cho trái xoài. Thị trường xuất khẩu trái cây của VN sang Nhật chỉ đạt 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nên phải nhấn mạnh tiềm năng của thị trường này còn rất lớn.
* Xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng Với kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 132 tỉ USD, tăng hơn 15,4% so với năm ngoái, năm 2013 tiếp tục được ghi nhận là một năm xuất khẩu thành công của VN trong bối cảnh các thị trường mua hàng chính vẫn chưa thật sự khôi phục, trong đó 19 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2014 sẽ tiếp tục ghi nhận sự phát triển mạnh hơn của những ngành công nghiệp then chốt đang giữ vai trò như một trong những “công xưởng” cung ứng hàng hóa cho thị trường toàn cầu. Những cơ hội đang chờ bởi hàng loạt hiệp định thương mại chuẩn bị được ký kết, từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến Hiệp định thương mại VN - EU, hay các hiệp định khu vực mậu dịch tự do giữa VN với các nước Nhật, Hàn Quốc, ASEAN+... đang chờ doanh nghiệp khai thác. Dự kiến năm 2014 xuất khẩu sẽ đạt mức 147 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2013. * Vốn ngoại chảy vào chứng khoán Được coi là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ lên diễn biến của thị trường chứng khoán VN, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục “chảy” vào thị trường VN trong năm 2013. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết từ ngày 1-1 đến hết ngày 29-12-2013, khối ngoại đã mua vào hơn 1,31 tỉ đơn vị, bán ra 1,23 tỉ đơn vị. Giá trị mua ròng trong năm 2013 vào khoảng 5.353,28 tỉ đồng. So với năm 2012, giá trị mua ròng của khối ngoại đã tăng 67,91%. Ông Trần Đắc Sinh, chủ tịch HĐQT HoSE, cho rằng đề xuất nới room cho khối ngoại được sở hữu lên đến 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của doanh nghiệp niêm yết nếu được thông qua sẽ góp phần thay đổi tích cực lên thị trường chứng khoán trong năm 2014. * Vốn FDI: kỳ vọng giải ngân tăng mạnh Trong một năm kinh tế khó khăn, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 2013 của VN đã trở thành điểm sáng đáng chú ý với 21,628 tỉ USD đổ vào VN, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài ra, ước tính năm 2013 các dự án FDI đã giải ngân được 11,5 tỉ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2012. Theo GS.TS Nguyễn Mại - chuyên gia hàng đầu về FDI, bước sang năm mới 2014 nhiều tín hiệu cho thấy việc thu hút đầu tư FDI tiếp tục khả quan và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Trên thế giới tình hình kinh tế bắt đầu hồi phục, xu hướng đầu tư ra nước ngoài tiếp tục tăng. Trong nước, sự ổn định về kinh tế và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ như thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan... đã bắt đầu phát huy tác dụng, VN trở thành sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận