22/08/2016 13:10 GMT+7

Hàng triệu hộ kinh doanh có nguy cơ bị phạt

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TTO - Qua vụ “điện thoại cùi bắp” cho thấy hộ kinh doanh đang đứng trước nhiều rủi ro, bị xử phạt bất kỳ lúc nào do khung pháp lý chưa đầy đủ. Giải quyết việc này như thế nào?

Anh Dương Trọng Tiến, nạn nhân trong vụ “điện thoại cùi bắp” sửa điện thoại tại nhà riêng - Ảnh: KIM ANH
Anh Dương Trọng Tiến, nạn nhân trong vụ “điện thoại cùi bắp” sửa điện thoại tại nhà riêng - Ảnh: KIM ANH
Ông Bùi Anh Tuấn (phó cục trưởng
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) - Ảnh: C.V.K.

Ông Bùi Anh Tuấn (phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) - Ảnh: C.V.K.

“Khu vực hộ kinh doanh là lực lượng rất quan trọng, âm thầm đóng góp lớn cho nền kinh tế nên việc ứng xử với khu vực này cần hết sức thận trọng để phát huy vai trò của họ, nhưng cũng không làm tổn thương, làm nhụt ý chí...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Anh Tuấn - phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) - phân tích:

- Tại nghị định 78/2015 hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp 2014, Chính phủ đã quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định. Hộ kinh doanh dưới 10 lao động thì đăng ký thành lập hộ kinh doanh tại UBND quận huyện.

Tuy nhiên, với các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ “có thu nhập thấp” thì nghị định nêu không thuộc diện phải đăng ký hộ kinh doanh (trừ trường hợp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện).

Nghị định có giao UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định mức “thu nhập thấp” áp dụng trên phạm vi địa phương để làm căn cứ xem xét hộ nào phải đăng ký hộ kinh doanh.

* Nhưng qua khảo sát nhiều địa phương hiện không quy định mức thu nhập thấp này. Tại sao vậy?

- Đúng là nhiều tỉnh thành đã không ban hành quy định này mà lấy luôn mức thu nhập khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (9 triệu đồng) làm căn cứ.

Trên thực tế, các địa phương đã vận dụng, áp dụng mức trên và thống nhất trên địa bàn tỉnh thành của mình. Tuy nhiên, nó không được quy định một cách chính thức.

Trước đây đã có một số tỉnh thành có quy định riêng, công bố mức cụ thể. Còn từ khi nghị định 78/2015 có hiệu lực đúng là chưa có tỉnh thành nào ban hành quy định cụ thể về mức “thu nhập thấp”.

* Nếu lờ mờ như hiện nay, người dân sẽ gặp rủi ro. Họ không biết thế nào phải đi đăng ký, mà không đăng ký có thể bị phạt bất cứ lúc nào?

- Nghị định 78/2015 có hiệu lực từ tháng 11-2015 đã quy định rõ các địa phương phải ban hành. Đến nay, chúng tôi có rà soát, thấy đúng là hầu như các tỉnh thành chưa ban hành quy định cụ thể.

Các địa phương tới đây cần lưu ý vấn đề này nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người dân khi kinh doanh, đồng thời đảm bảo công tác quản lý nhà nước với khu vực hộ kinh doanh.

Lấy căn cứ khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân làm căn cứ yêu cầu hộ kinh doanh phải đi đăng ký thì cũng cần quy định chính thức, công bố cụ thể và tuyên truyền tốt hơn đến người dân để họ có căn cứ thực hiện.

* Tại sao lại buộc hộ gia đình phải đi đăng ký trong khi các địa phương chưa ban hành mức cụ thể “thu nhập thấp” theo yêu cầu của luật? Qua vụ “điện thoại cùi bắp” suýt bị khởi tố cho thấy người dân dễ rơi vào cảnh "trời kêu ai nấy dạ"?

- Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến gia nhập thị trường, chúng tôi luôn tôn trọng quyền lựa chọn các mô hình, hình thức kinh doanh của người dân. Các văn bản này cũng đã nêu rõ quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh.

Để hạn chế rủi ro cho người dân, song song với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về đăng ký hộ kinh doanh, ví dụ như ban hành quy định mức thu nhập tối thiểu phải đăng ký như nêu ở trên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước đối với khu vực này cũng cần được chú trọng.

Thời gian qua, chế tài xử lý các vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh cũng chưa được chú trọng, chẳng hạn như quy định cứ có 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp, dưới 10 lao động phải đăng ký hộ kinh doanh đã có từ lâu.

Tuy nhiên, chế tài và áp dụng xử lý thì cơ bản chưa triệt để. Người dân cũng cần chủ động tìm hiểu để thực hiện việc đăng ký kinh doanh của mình vì việc đăng ký hộ kinh doanh ngoài góc độ nghĩa vụ còn là quyền của người kinh doanh - quyền được bảo vệ hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh hiện nay rất đơn giản.

Thực hiện nghị quyết 35/2016 của Chính phủ, tới đây cần rà soát lại để khuyến khích hộ kinh doanh có trên 10 lao động thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định.

Vì điều này còn liên quan đến các nghĩa vụ với Nhà nước như thuế, cũng như để tăng cường công khai minh bạch trong kinh doanh.

Tất nhiên, các tỉnh thành cần ban hành cụ thể mức thu nhập thấp là như thế nào để làm ranh giới cho người dân biết, tránh rủi ro.

Nếu lấy mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân làm ranh giới thì cũng nên công khai, có quy định cụ thể để tránh rủi ro cho dân.

* Liệu có giải pháp, hướng nào để rõ ràng hơn cho dân trong việc thành lập và hoạt động hộ kinh doanh trong thời gian tới không, thưa ông?

- Khi làm Luật doanh nghiệp và nghị định 78/2015, chúng tôi đưa ra mức dưới 10 lao động phải đăng ký hộ kinh doanh chủ yếu xác định ranh giới để tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn loại hình kinh doanh và xác định nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, đồng thời cũng giao các địa phương xác định mức thu nhập thấp trên địa bàn để giúp những hộ kinh doanh nhỏ lẻ không phải đi đăng ký hộ trong khi thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống.

Chúng ta không thể quy định trong nghị định một mức chung áp dụng cho cả nước được vì thu nhập, mức sống ở các tỉnh, TP là khác nhau, khó có thể lấy thu nhập thấp của tỉnh thành này áp cho tỉnh thành kia được. Theo tôi, nghị định đã yêu cầu thì các địa phương cần thực hiện nghiêm.

Khu vực hộ kinh doanh rất lớn, có nhiều triệu hộ nhưng thực ra chưa có khung pháp lý đầy đủ. Điều kiện phải đăng ký, nội dung đăng ký... mới có quy định “ghép tạm” trong nghị định 78/2015, còn nhiều vấn đề khác như quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thế nào, quản lý, quản trị ra sao... còn chưa có khung pháp lý cụ thể.

Vì vậy, tôi cho rằng về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ điều chỉnh khu vực hộ kinh doanh để tạo thuận lợi, khuyến khích hơn việc thành lập và hoạt động hộ kinh doanh, giảm rủi ro cho dân, đưa khu vực này hoạt động chính quy hơn nhưng không làm giảm sự linh hoạt, tính thích ứng cao của kinh tế hộ.

TP.HCM: vẫn đang nghiên cứu...

Mặc dù nghị định 78 có hướng dẫn các TP trực thuộc trung ương phải quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương để làm căn cứ những hộ nào phải đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu đến nay tại TP.HCM vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Một cán bộ thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM xác nhận đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ dưới 10 lao động hiện TP.HCM chưa có quy định nào để đối tượng này đăng ký hộ kinh doanh.

“Hiện nay TP.HCM đang nghiên cứu để đưa ra các chính sách làm sao khuyến khích các hộ kinh doanh nhỏ lẻ dưới 10 lao động phát triển lên doanh nghiệp.

Ở đây dùng từ khuyến khích chứ không thể đưa ra quy định ép buộc, vì nếu đưa ra quy định trở thành ép buộc các hộ này lên doanh nghiệp thì không phù hợp với Luật doanh nghiệp hiện hành” - vị đại diện này nói.

Vị này cho biết thêm cơ sở để đưa các hộ kinh doanh cá thể lên đăng ký doanh nghiệp sẽ dựa trên thu nhập doanh nghiệp theo năm. Tuy nhiên, các điều kiện hiện nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa rõ thời điểm ban hành.Đình Dân

Có thể bị phạt bất kỳ lúc nào

Theo nghị định 78/2015, cá nhân thuộc diện phải đăng ký kinh doanh mà không đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Nhưng có một thực tế là trong việc không đăng ký kinh doanh thì lỗi có phần do cơ quan nhà nước.

Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang (TP.HCM), điều này khiến người kinh doanh luôn ở tình trạng vi phạm pháp luật và có thể bị phạt bất kỳ lúc nào, dù doanh thu nhỏ, trong khi lỗi lại thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền do không ban hành đầy đủ quy định.

Nói cách khác, do chậm ban hành quy định dẫn đến đẩy rủi ro về phía cá nhân, hộ kinh doanh vì như vậy họ có thể dễ dàng bị phạt dù doanh thu mỗi năm chỉ vài chục triệu đồng. Chưa kể còn có thể dẫn đến việc tạo cơ hội cho những hành vi nhũng nhiễu tiêu cực có thể xảy ra.

Lỗi chính quyền, không thể phạt dân

Luật sư Đỗ Phan Vĩnh Kha, giám đốc Công ty luật Nhựt Quang, cho rằng cơ quan có thẩm quyền nên ban hành quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương để có căn cứ rõ ràng trong việc áp dụng.

“Trường hợp không ban hành thì cũng sẽ không có cơ sở để phạt người không đăng ký kinh doanh vì cùng một trường hợp có thể cơ quan quản lý nói cao nhưng người kinh doanh lại cho mức thu nhập như vậy là thấp” - ông Kha nói.

Kinh nghiệm nhiều năm quản lý ở các chi cục thuế có nhiều hộ kinh doanh cá thể, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM - cho biết thông thường cách làm lâu nay là đội tư vấn thuế phường sẽ quan sát và nhắc các hộ kinh doanh theo họ đánh giá đến mức phải đăng ký kinh doanh và nợ thuế làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh quy mô quá nhỏ thì bỏ qua.

Tuy nhiên theo ông Sơn, để rõ ràng nên quy định mức cụ thể làm căn cứ để hộ kinh doanh phải đăng ký hay không đăng ký, nếu không có thể dẫn đến rủi ro cho người kinh doanh.

Ông Sơn cũng gợi ý hiện nay theo quy định hộ kinh doanh có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT. TP.HCM hiện có GDP cao hơn các địa phương khác, do vậy TP nên lấy mức cao hơn, có thể gấp 1,5-2 lần mức trên là mức doanh thu tối thiểu.

Nếu hộ cá nhân có thu nhập dưới mức này thì khỏi đăng ký. Như vậy sẽ rõ ràng và tạo điều kiện cho hộ kinh doanh tuân thủ pháp luật.

Đừng để người dân lo lắng

Theo các chuyên gia, từ trường hợp kinh doanh “điện thoại cùi bắp” suýt bị khởi tố vừa qua và việc chưa rõ ràng trong quy định đăng ký kinh doanh hiện nay khiến những người kinh doanh rất lo lắng, hoang mang.

“Vụ quán cà phê Xin Chào vừa lắng xuống thì vụ “điện thoại cùi bắp” lại nổi lên khiến người kinh doanh không yên tâm. Chưa kể việc không rõ ràng có thể đưa đến rủi ro rất nhiều cho đối tượng bị điều chỉnh và tạo điều kiện cho tiêu cực” - ông Xoa phân tích.

Trong khi đó, cách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh hiện nay tại các chi cục thuế khác nhau.

Đại diện Chi cục Thuế Q.1 cho biết hiện nay nếu cơ quan thuế kiểm tra xác định doanh thu của hộ kinh doanh dưới 100 triệu đồng/năm thì không quản lý vì theo quy định, hộ kinh doanh có thu nhập dưới mức này thì không phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT, còn thuế môn bài thì chỉ phải nộp ở mức thấp.

Trường hợp có doanh thu trên 100 triệu thì cơ quan thuế sẽ lập bộ thuế.

Định kỳ cơ quan thuế sẽ chuyển thông tin của những hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng cho phòng kinh tế quận vì tại đây sẽ có bộ phận hậu kiểm về giấy phép, các bộ phận này sẽ yêu cầu các hộ đăng ký kinh doanh.

ÁNH HỒNG

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên