04/04/2022 15:47 GMT+7

Hàng trăm lượt bạn đọc tham gia ý kiến tại Diễn đàn 'Thi học sinh giỏi để làm gì?'

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Tính đến 16h chiều nay 4-4, thống kê sơ bộ của Tuổi Trẻ Online cho thấy hàng trăm lượt bạn đọc đã tham gia bình luận ý kiến, gởi bài tham gia Diễn đàn 'Thi học sinh giỏi để làm gì?'.

Hàng trăm lượt bạn đọc tham gia ý kiến tại Diễn đàn Thi học sinh giỏi để làm gì? - Ảnh 1.

Thăm dò của Tuổi Trẻ Online về cuộc thi thu hút khoảng 1.500 bạn đọc tham gia bình chọn

Bên cạnh đó, thăm dò trên Tuổi Trẻ Online về kỳ thi học sinh giỏi cũng thu hút khoảng 1.500 ý kiến bình chọn của bạn đọc. 

Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình về việc cân nhắc bỏ các cuộc thi học sinh giỏi ở Việt Nam. Tuy nhiên, không ít bạn đọc cho rằng có thể giữ lại kỳ thi này nhưng cần điều chỉnh để hạn chế tiêu cực và theo kịp thời đại.

Từng ôn thi, từng thấy tiêu cực

Một bạn đọc bình luận: "Tôi làm trong ngành giáo dục, tôi khẳng định kỳ thi này tiêu cực. Tỉnh tôi chuyên mời các chuyên gia ra đề về luyện cho đội này với học phí từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/1 lần. Rất tốn kém".

Bạn đọc tên Tùng viết: "20 năm trước tôi thi học sinh giỏi quốc gia và đúng thật là như tác giả viết. Nơi nào ra đề thi, dạng bài thế nào, ai tiếp cận được trước thì khả năng giành giải sẽ cao hơn".

Bạn đọc Lê Đức Đồng cho rằng: "Thi học sinh giỏi hiện nay thực chất là chạy theo thành tích bằng mọi giá, là gây áp lực, gây bất công trong trường học. Theo tôi nên xem xét, nghiên cứu bỏ kỳ thi này cho mọi môn học được bình đẳng, mọi học trò bình đẳng. Ai giỏi thì thi vào đại học sau này".

Độc giả Hiệp cho biết: "Tôi đã tham gia rất nhiều kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, Olympic 30-4 và cả học sinh giỏi quốc gia, đã 2 lần đoạt giải. Tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục - đào tạo nên bỏ cuộc thi này!

Thứ nhất, tri thức và thông tin trên thế giới đã biến chuyển rất nhiều. Hình thức và nội dung thi học sinh giỏi quốc gia không đáp ứng kịp với các thay đổi trong tri thức nhân loại. Ví dụ, đề thi ngữ văn năm 2022 bị chỉ trích là quá cũ kỹ...

Thứ hai, bệnh thành tích ngày càng trầm trọng khi các tỉnh thi nhau "thuê" chuyên gia/người ra đề về ôn luyện. Điều này gây lãng phí…".

Tài khoản tên "Ông Giáo" viết: "Mừng cho thế hệ trẻ trong tương lai khi những "cục sạn" trong ngành giáo dục đang dần được lộ diện. Tôi đã từng luyện "gà nòi" và cảm thấy hối hận rất nhiều (đã bỏ nghề hơn 10 năm). Những góc khuất trong luyện thi học sinh giỏi các cấp thực chất là dạy các em diễn kịch và nói dối".

Cần minh bạch, đổi mới

Hàng trăm lượt bạn đọc tham gia ý kiến tại Diễn đàn Thi học sinh giỏi để làm gì? - Ảnh 2.

Một trong nhiều bài viết thuộc Diễn đàn "Thi học sinh giỏi để làm gì?"

Tài khoản Duc Nguyen Dang góp ý: "Tôi nghĩ thi học sinh giỏi để tìm kiếm nhân tài, học sinh có năng lực thật sự phục vụ cho các kỳ thi Olympic quốc tế. Nói chung, tôi đồng ý vẫn duy trì nhưng thay đổi hình thức thi sao cho thật sự minh bạch và cách làm nên được nghiên cứu làm mới".

Độc giả Nguyễn Thắng Phúc viết: "Tôi nghĩ vẫn nên giữ lại kỳ thi học sinh giỏi nhưng phải để một cách tự nhiên, để các bạn ấy thực sự yêu thích và phát huy năng lực tự học, tìm tòi, sáng tạo của các bạn chứ không ép buộc, tạo áp lực, nhồi nhét.

Có thể thay đổi các dạng mới lạ để tập trung vào tư duy, sáng tạo thay vì những môtip bài thi quen thuộc, đồng thời mở rộng đa dạng các môn thi như nghệ thuật mà một độc giả đã bình luận trước đó.

Tôi nghĩ chính sự phấn đấu của các bạn mới là thành công lớn nhất ở các kỳ thi này đem lại. Sau này khi lên đại học và ra ngoài đời, các bạn vẫn giữ được sự cố gắng phấn đấu, cộng thêm khả năng tự học và chịu được áp lực".

Bạn đọc Lê Hoài Nam cho rằng cuộc thi học sinh giỏi cần được tổ chức bởi không tổ chức thì "làm sao biết được năng lực của học sinh và tạo điều kiện cho các em có sân chơi".

"Tôi thấy cách tổ chức thi của một số trường như Phổ thông năng khiếu rất hay. Nhà trường tổ chức thi học sinh giỏi, ai có nguyện vọng thì đăng ký thi. Nhà trường không ép buộc. Bạn học chuyên hay không chuyên đều được đăng ký, bạn chuyên văn đăng ký thi toán hay bất kỳ môn nào bạn thích. Nhà trường tạo điều kiện cho các bạn học tập, thi đấu, không có sự ép buộc hay gây áp lực", Lê Hoài Nam viết.

Phải chi thời gian dành cho âm nhạc, thể thao...

Độc giả Mai Ba viết: "Nhìn lại cuộc đời học sinh của mình, tôi thực lòng rất tiếc thời gian, công sức bỏ ra cho những kỳ thi học sinh giỏi vô tội vạ. Tôi nghĩ phải chi thời gian, công sức đó để dành học âm nhạc, chơi thể thao, rèn luyện các kỹ năng xã hội một cách thực chất và học đều các môn, như đúng khả năng ban đầu của mình.

Trong trường chuyên có nhiều bạn vừa học chuyên giỏi vừa làm đủ môn ngoại khóa (chủ yếu để có hồ sơ đẹp) khiến nhiều người nghĩ người ta làm được thì mình cũng phải làm được.

Nhưng làm được để làm gì thì không ai nghĩ tới. Tôi có cảm giác thời học sinh của mình (nay tôi đã 37 tuổi, thi học sinh giỏi từ lớp 4 tới lớp 12, từ thành phố tới Olympic tới quốc gia) quá khốc liệt, quá cạnh tranh, quá tốn kém cả về sức lực lẫn cảm xúc.

Tôi hy vọng các bậc phụ huynh hãy theo sát con em mình, định hướng, cổ vũ con em học vì niềm vui, vì tương lai theo nghĩa rộng, đừng chạy theo cái danh hão học sinh giỏi. Cuộc đời ngắn lắm, tuổi trẻ lại càng ngắn nữa".

Thi học sinh giỏi để làm gì? Cuộc chơi bị biến tướng do ngộ nhận Thi học sinh giỏi để làm gì? Cuộc chơi bị biến tướng do ngộ nhận

TTO - Về bản chất, những cuộc thi học sinh giỏi là cuộc chơi của tuổi học trò mà ở đó các bạn trẻ được giao lưu, tranh tài cùng nhau. Học sinh sẽ có dịp thử thách bản thân và có thêm kênh để khám phá nội lực, khả năng tiềm ẩn của mình.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên