09/09/2020 09:50 GMT+7

Hàng loạt ca đuối nước bất ngờ

LAN ANH - XUÂN MAI
LAN ANH - XUÂN MAI

TTO - Một bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca đuối nước trong vòng một tháng. Các bác sĩ cảnh báo các bậc cha mẹ đang thiếu kỹ năng quản lý trẻ, dẫn đến tai nạn ở trẻ em.

Hàng loạt ca đuối nước bất ngờ - Ảnh 1.

Khi ép tim cho trẻ cần ép tim tại vị trí nửa dưới xương ức, ép tim 15 nhịp và hà hơi thổi ngạt 5 nhịp, không vác ngược trẻ chạy. Nếu không cấp cứu đúng, có thể bỏ qua mất thời gian vàng và không cứu được trẻ.

Bác sĩ NGUYỄN TRỌNG DŨNG

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng - khoa hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), trong 2 ngày 6 và 7-9 đã có 2 bé gái (1 bé 7 tuổi và 1 bé 13 tuổi) gia đình phải xin về do tình trạng bệnh nặng, không cứu được tính mạng. Cả 2 bé đều bị đuối nước khi đi chơi cùng gia đình trong dịp lễ 2-9 vừa qua.

Thiếu kỹ năng sơ cứu khi trẻ gặp nạn

Bác sĩ Dũng cho biết chỉ riêng trong tháng 8 đã có 8 trẻ cùng có tình trạng này, tháng 9 mới bắt đầu nhưng đã có 2 trẻ ở tình trạng vô phương cứu chữa, gia đình xin về. Một bé khác là bé trai 13 tuổi ngã xuống ao sen ở Gia Lâm, Hà Nội hôm 3-9 nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời, hiện bé đã tự thở, có thể sớm được ra viện.

"Bé 7 tuổi mới xin về hôm 6-9 là 1 trong 3 chị em ở Bắc Giang bị đuối nước khi đi chơi lễ cùng gia đình. Sau khi các cháu ngã xuống nước, được cứu lên, các cháu đã được ép tim và tim đã đập trở lại, nhưng do thời gian rơi xuống nước dài, thiếu oxy nên 1 cháu tử vong ngay, 1 cháu tử vong tại bệnh viện ở quê nhà và 1 cháu gia đình vừa xin về" - bác sĩ Dũng cho biết.

Cũng theo bác sĩ Dũng, khi xem xét lại các tình huống dẫn đến tai nạn gần đây ở trẻ em cho thấy các gia đình đang thiếu kỹ năng chăm sóc, quản lý trẻ, sơ cứu khi xảy ra tai nạn. Mới nhất, có 2 bé 1 tuổi uống nhầm dầu hỏa và dầu đánh bóng đồ gỗ, 2 loại dầu này đựng vào chai nước ngọt, để đúng trong tầm tay của trẻ nên trẻ tưởng nước ngọt và lấy uống, cả 2 cháu đã viêm phổi sặc dầu, phải thở máy nhiều ngày.

Với các ca đuối nước, bác sĩ Dũng cho biết có một số gia đình khi đưa trẻ đi du lịch thì người lớn túm tụm lại nói chuyện hay tập trung vào điện thoại, hoặc để trẻ em trông nhau, khi quay lại thì đã muộn. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 40-50% các cháu bị đuối nước được ép tim và hà hơi thổi ngạt (2 biện pháp cấp cứu phù hợp), nhưng có những trường hợp không được ép tim, hà hơi thổi ngạt đúng cách.

Sơ cấp cứu đúng cách: quyết định sống còn

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), việc sơ cứu trẻ bị ngạt nước, đuối nước đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân.

Theo đó, cách sơ cứu đúng là cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên. Sau đó, đặt nạn nhân nằm nơi khô ráo, thoáng khí.

Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Khi lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở. Nạn nhân ngưng thở hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức.

Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói. Quan trọng nhất là nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.

Bác sĩ Tiến cho biết thêm, phần lớn các nạn nhân bị ngạt nước tử vong hoặc di chứng não là do bệnh nhân không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách. Trong đó sai lầm thường mắc nhiều nhất là bỏ nhiều thời gian cho việc xốc nước.

Động tác dốc ngược nạn nhân không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như người dân thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra, việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.

Ngoài ra, sai lầm cũng thường gặp là các nạn nhân ngưng thở, ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. "Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ" - bác sĩ Tiến phân tích.

Không để trẻ nhỏ một mình

Để phòng ngừa trẻ bị ngạt nước, đuối nước, bác sĩ Tiến khuyến cáo không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà; luôn có người lớn đi theo khi trẻ chơi gần ao, hồ, kênh, rạch, sông; không cho bệnh nhân động kinh bơi và nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi.

Đồng thời nhà trường lưu ý dặn dò học sinh cuối năm nghỉ hè về vấn đề đi bơi, hay chèo thuyền vùng sông nước rất nguy hiểm, không an toàn, cần có sự giám sát.

Đi câu cá trước ngày khai giảng, 3 em học sinh chết đuối Đi câu cá trước ngày khai giảng, 3 em học sinh chết đuối

TTO - Sau khi ăn cơm trưa, 4 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 rủ nhau ra suối câu cá, khi 3 em ra lội ra cồn cát để cắm cần câu thì bị hụt chân rơi vào vùng nước sâu khiến cả 3 em chết đuối.

LAN ANH - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên