20/05/2020 13:34 GMT+7

Ông Tập trước sức ép ‘thước đo lãnh đạo’ khi 50 triệu dân thất nghiệp

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Trung Quốc chưa từng đối mặt với thất nghiệp quy mô lớn như thế này kể từ năm 1990, đe dọa trực tiếp các mục tiêu tăng trưởng và ổn định chính trị - xã hội trong nước.

Ông Tập trước sức ép ‘thước đo lãnh đạo’ khi 50 triệu dân thất nghiệp - Ảnh 1.

Một nhóm binh sĩ Trung Quốc ngồi trước tấm poster của ông Tập Cận Bình trước Tử Cấm thành - Ảnh: AFP

Vành đai công nghiệp châu thổ sông Châu Giang là một trong những động cơ tăng trưởng quan trọng nhất của Trung Quốc kể từ khi nước này mở cửa nền kinh tế cách đây bốn thập kỷ. Nhưng mọi thứ thay đổi chóng mặt chỉ sau một trận dịch.

Ở Quảng Đông, tỉnh ven biển có nền kinh tế thuộc hàng đầu châu Á, tình hình việc làm trong một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động đang hết sức bi đát.

Chẳng hạn ở Đông Hoản, siêu đô thị thuộc Quảng Đông với dân số tương đương thành phố New York, Mỹ, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang vật lộn để tồn tại. Hàng ngàn lao động di cư đã khăn gói về lại quê nghèo vì không còn việc làm.

"Xung quanh đây, chín trên mười xưởng dệt may đã đóng cửa", ông Long, chủ một xưởng may nhỏ ở Đông Hoản, trao đổi với Bloomberg. Ông còn giữ 10 công nhân mà chỉ có thể trả lương phân nửa cho họ vì công việc làm ăn trì trệ.

"Thu nhập của họ đã trở lại mức cách đây 10 năm", vợ ông Long bổ sung.

Ông Tập trước sức ép ‘thước đo lãnh đạo’ khi 50 triệu dân thất nghiệp - Ảnh 2.

Lứa sinh viên tốt nghiệp ra trường năm nay ở Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm - Ảnh: Asia News

Bức tranh này có thể trở thành vấn đề lớn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Áp lực tạo công ăn việc làm cho 1,4 tỉ dân là thước đo đối với khả năng lãnh đạo.

Trong bài diễn văn ngày 31-12-2019, ông Tập nói năm 2020 sẽ đánh dấu "cột mốc" Trung Quốc "hoàn thành việc xây dựng một xã hội tương đối thịnh vượng", tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người (2020 so với 2010), gấp đôi GDP và xóa hẳn nghèo đói.

Ông Tập mô tả các mục tiêu đó là "lời hứa trang trọng của Đảng chúng ta dành cho người dân và lịch sử".

Nhưng đó là "người tính". Thực tế kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong một thời gian dài, thêm cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ nổ ra năm 2018, đại dịch COVID-19 đầu năm nay càng đẩy các mục tiêu tăng trưởng nói trên ra xa khỏi tầm tay.

Thực tế đó sẽ rõ ràng hơn trong tuần này khi kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc khai mạc (dự kiến 22-5). Giới quan sát dự đoán lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Trung Quốc sẽ "né" đưa ra một con số tăng trưởng vì mọi lĩnh vực đều quá bết bát.

Theo giáo sư Gu Su thuộc Đại học Nam Kinh, ông Tập đang lâm vào thế khó: Tránh không nhắc đến lời hứa chẳng khác nào thừa nhận sự thất bại, còn tuyên bố chiến thắng chỉ càng chọc giận tầng lớp trung lưu vốn đã thất vọng vì cách chính quyền phản ứng trước dịch bệnh thời gian đầu.

Thật ra giới lãnh đạo Trung Quốc đã ý thức về điều đó. Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 9-5, Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí kêu gọi chính phủ nên ưu tiên các rủi ro đối với "an ninh chính trị của Trung Quốc", đặc biệt lưu ý "các yếu tố gây bất ổn" do dịch bệnh và kinh tế khủng hoảng gây ra.

Theo đánh giá của Ngân hàng BNQ Paribas (châu Âu), nếu tính cả lao động di cư, số người thất nghiệp ở Trung Quốc có thể đã vượt quá 50 triệu, đẩy tỉ lệ thất nghiệp thực sự chạm 12% trong tháng 3-2020. Số lao động bị sa thải hoặc cho nghỉ không lương trong quý 1 có thể lên đến 130 triệu.

Ông Tập trước sức ép ‘thước đo lãnh đạo’ khi 50 triệu dân thất nghiệp - Ảnh 3.

Hệ thống an ninh xã hội của Trung Quốc yếu hơn so với các nước phát triển khi đối mặt với làn sóng thất nghiệp quy mô lớn - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc chưa từng đối mặt với thất nghiệp cỡ quy mô này kể từ năm 1990, thời điểm xảy ra làn sóng sa thải hàng loạt của các công ty nhà nước. Lúc đó Trung Quốc phục hồi nhanh nhờ đón đầu toàn cầu hoá, cho phép họ đu theo nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ.

Tình hình bây giờ khác nhiều. Giữa lúc tăng trưởng đã chậm, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại phát động thương chiến với Bắc Kinh để giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ, trong khi khoảng 200 triệu việc làm ở Trung Quốc nằm trong khối doanh nghiệp có làm ăn với nước ngoài.

Nhiều thách thức đến cùng lúc là lý do ông Tập Cận Bình trong nhiều tháng liền cảnh báo virus corona sẽ gây thêm nguy cơ đối với "ổn định xã hội" của Trung Quốc.

Ở Đông Hoản, số lao động di cư mất việc làm chỉ sau một đêm đang cảm nhận gánh nặng của mưu sinh. Một người đàn ông họ Tạ bị một công ty nội thất sa thải cùng với 300 người khác - tương đương 75% nhân viên công ty.

"Con virus xuất hiện khiến không có cách nào xuất khẩu hàng hóa ra khỏi Trung Quốc", ông Tạ cho biết đang tính đường về lại quê nhà ở tỉnh Hồ Nam sau khi kiếm đủ 200 tệ (hơn 650.000 ngàn) tiền đi đường.

Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch

TTO - Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước nghèo trên thế giới yêu cầu Trung Quốc giãn nợ hoặc thậm chí xóa nợ khi nền kinh tế ở các nước này đang lao dốc, đẩy Trung Quốc rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên