21/07/2017 08:20 GMT+7

Hàng chục ngàn người Ba Lan biểu tình phản đối cải cách

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Hàng chục ngàn người biểu tình tràn xuống đường phố Ba Lan để phản đối hạ viện thông qua một cải cách gây tranh cãi về Tòa án Tối cao bất chấp sự đe dọa trừng phạt của EU.

 

Hàng chục ngàn người biểu tình tập trung trước dinh tổng thống để kêu gọi bác bỏ dự luật gây tranh cãi về Tòa án Tối cao - Ảnh: AFP
Hàng chục ngàn người biểu tình tập trung trước dinh tổng thống để kêu gọi bác bỏ dự luật gây tranh cãi về Tòa án Tối cao - Ảnh: AFP

AFP ngày 20-7 cho biết các cuộc biểu tình nổ ra sau khi hạ viện, do đảng Công lý và Pháp luật (PiS) kiểm soát, bỏ phiếu và giành chiến thắng với 235 phiếu thuận - 192 phiếu chống và 23 phiếu trắng.

Kết quả này đồng nghĩa với việc trao quyền cho chính phủ Ba Lan chọn ra các ứng cử viên cho các chức vụ trong Tòa án Tối cao.

Chính quyền thủ đô Warsaw cho biết có khoảng 50.000 người biểu tình tập trung trước dinh tổng thống, vẫy cờ Ba Lan và cờ EU, hô hào "Chúng ta sẽ bảo vệ nền dân chủ" và "tòa án tự do".

Theo hệ thống hiện hành, một cơ quan độc lập bao gồm chủ yếu là các thẩm phán và một vài chính trị gia là nơi chọn ra các ứng cử viên cho Tòa án Tối cao Ba Lan.

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo từng nói trên đài truyền hình quốc gia rằng đảng PiS của bà "đang cải cách hệ thống tòa án để hệ thống này có thể làm việc hiệu quả, trung thực và phục vụ cho tất cả người Ba Lan".

"Chúng tôi sẽ không chịu áp lực. Chúng tôi sẽ không bị hăm dọa bởi những người bảo vệ trong nước và những người bảo vệ ở nước ngoài của tầng lớp trung lưu" - bà Szydlo nói.

Tuy nhiên lãnh đạo đảng đối lập Nền tảng Công dân (PO) Grzegorz Schetyna đã cáo buộc cuộc cải cách Tòa án Tối cao là một "cuộc đảo chính". Lãnh đạo đảng Modern là Ryszard Petru thì cho rằng "đây là một ngày tồi tệ cho nền dân chủ Ba Lan".

"Việc thông qua cải cách này vi phạm các nguyên tắc của pháp luật vì đã đưa ngành tư pháp lên nắm quyền lực chính trị, làm nền tảng cho một hệ thống không dân chủ tại Ba Lan" - nhà phân tích chính trị Stanislaw Mocek của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan nói với hãng AFP.

"Tình hình rất nghiêm trọng và có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta không thấy ý định thỏa hiệp của PiS trong khi phe đối lập lại quá yếu" - ông Mocek nhận định.

Trước đó phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cũng đã thẳng thắn cảnh báo rằng sự thay đổi "sẽ tăng đáng kể mối đe dọa đối với hệ thống pháp luật" của Ba Lan.

"Nhìn chung họ sẽ hủy bỏ bất kỳ tính độc lập tư pháp nào còn lại và đưa các cơ quan tư pháp nằm dưới sự kiểm soát chính trị của chính phủ" - ông Timmermans nói.

Ông Timmermans cũng cảnh báo nếu Ba Lan không đình chỉ cải cách, Ủy ban châu Âu có thể ngừng quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong khối 28 quốc gia thành viên của liên minh.

Luật cải cách trên của Ba Lan sẽ cần thượng viện, do PiS kiểm soát, thông qua trước khi được tổng thống Andrzej Dadu ký thành luật.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên