05/02/2017 11:45 GMT+7

​Ba Lan phát hiện tung tích căn phòng hổ phách

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Các nhà khảo cổ Ba Lan nhận định căn phòng hổ phách mà Đức quốc xã lấy đi từ Nga hồi thế chiến thứ 2 đang nằm đâu đó dưới lòng đất ở thành phố Paslenk.

Một căn phòng hổ phách được tái dựng và trưng bày trong viện bảo tàng Tp. Saint Peterburg, Nga - ảnh: Rosbalt
Một căn phòng hổ phách được tái dựng và trưng bày trong viện bảo tàng TP Saint Petersburg của Nga - ảnh: Rosbalt

Từ manh mối mới phát hiện, các chuyên gia sẽ sớm khởi động chiến dịch truy tìm căn phòng làm bằng hổ phách - một báu vật nghệ thuật từ thế kỷ XVIII của Nga, trang RIA Novosti Nga dẫn thông tin Đài TVN 24.

Nhà chức trách Ba Lan ở Paslenk đã đồng ý cho các nhà khảo cổ tiến hành khai quật. Họ tin phát hiện này sẽ hấp dẫn nhiều khách du lịch đến thành phố.

Mùa thu 2016, người Ba Lan phát hiện ra những dấu hiệu bất thường tại khu vực thăm dò thuộc thành phố Paslenk nhờ phương pháp thăm dò radar và chụp cắt lớp.

Nghi ngờ của giới khảo cổ được củng cố thêm bởi dữ kiện lịch sử và lời đồn về sự tồn tại của các đường hầm dẫn ra từ một lâu đài trong khu vực.

Các nhân chứng còn sống kể lại trong một đêm tối trời mùa thu năm 1944, người Đức vận chuyển nhiều kiện hàng đi vào khu vực tòa lâu đài ở Paslenk và rời đi tay không.

Cách thành phố không xa là khu điền sản của Erich Koch, một quan chức cai quản Đông Phổ dưới quyền Đức quốc xã.

Tên tội phạm chiến tranh Koch bị chính quyền Ba Lan kết án tử hình nhưng cuối cùng thoát chết.

Tin đồn nói ông này đã thuyết phục được chính quyền là biết được nơi chôn giấu của căn phòng hổ phách cùng nhiều báu vật. Koch chết trong nhà tù năm 1986 nhưng bí mật vẫn chưa được tiết lộ.

Các nỗ lực tìm kiếm căn phòng hổ phách không dừng lại sau khi chiến tranh chết thúc. Có hàng chục giả thiết về nơi báu vật này được cất giấu. Các địa điểm bao gồm Kaliningrad, Đức, Ba Lan, CH Czech và thậm chí là biển Baltic…

Vào cuối thế chiến thứ 2, người Đức tẩu tán một phần bộ sưu tập hiện vật và văn bản từ các viện bảo tàng ở Kaliningrad (nằm giữa Ba Lan và Lithuania), số còn lại do Hồng quân Liên Xô mang đi. Tuy nhiên, vài chục năm trước giới khảo cổ vẫn còn tìm thấy các hiện vật bằng gốm mang ký hiệu của các bảo tàng trong khu vực này.

Căn phòng hổ phách được tạo ra bởi những người thợ bậc thầy của Đức thế kỷ 18 dành cho Vua Phổ Frederick I và sau đó được tặng cho Sa hoàng Petr đệ nhất (Peter Đại đế) của Nga. Năm 1941, quân Đức mang tác phẩm nghệ thuật này ra khỏi Cung điện Ekaterina (TP Saint Petersburg) đến lâu đài hoàng gia ở thành phố Königsberg (Đức), nơi nó biến mất vào năm 1945. Từ đó đến nay việc tìm kiếm căn phòng hổ phách không mang lại kết quả. Những thông tin về vị trí của nó cũng không được xác minh.

Theo các tài liệu, hổ phách thực chất là nhựa hóa thạch của các loài thực vật, chủ yếu là thông từ thời đại đồ đá mới. Hổ phách được đánh giá cao về màu sắc và vẻ đẹp tự nhiên.

Hổ phách thường gặp dưới dạng khối nhựa cứng hoặc dạng nhũ đá với các khối to nhỏ không đều nhau. Một số trường hợp còn thấy rõ trong mảnh hổ phách chứa các động vật hóa thạch nguyên vẹn. 

Một mảnh hổ phách bao quanh xác côn trùng

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên