01/10/2024 20:31 GMT+7

Hàng chục con hổ, báo chết nghi nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Nai, Long An

A LỘC
và 1 tác giả khác

Nhiều con hổ và báo đã chết tại hai khu du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Long An, nghi do nhiễm cúm A/H5N1.

Hàng chục con hổ, báo chết nghi nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Nai, Long An - Ảnh 1.

Nhiều con hổ tại khu du lịch Vườn Xoài (Đồng Nai) đã chết có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 - Ảnh: A LỘC

Ngày 1-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện khu du lịch Vườn Xoài (TP Biên Hòa, Đồng Nai) xác nhận đơn vị đang xác minh, làm rõ nguyên nhân khiến khoảng 20 con hổ, 1 con báo ở khu du dịch chết.

Thông tin ban đầu cho thấy các con hổ và báo có dấu hiệu bị bệnh, hiện ở khu du lịch vẫn còn vài chục con hổ và báo.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng cho hay đã nắm vụ việc. "Không chỉ ở Đồng Nai mà Long An cũng xảy ra. Sở đang kiểm tra lại", vị lãnh đạo này thông tin.

Trước đó ngày 30-9, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc ghi nhận động vật hoang dã nhiễm cúm A/H5N1.

Đơn vị này đã nhận được thông tin chia sẻ từ Chi cục Thú y vùng VI về việc ghi nhận hổ, báo chết có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H5N1.

Địa chỉ tại vườn thú Mỹ Quỳnh, thuộc xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An và tại khu du lịch Vườn Xoài, tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể tại tỉnh Long An từ tháng 8 đến ngày 16-9-2024, tại vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An) đã có 30 con hổ và sư tử bị chết (27 con hổ và 3 con sư tử).

Trong đó có 3 con hổ mới nhập về từ Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, TP Biên Hòa, Đồng Nai ngày 6-9.

Những cá thể còn lại có nguồn gốc tại vườn thú, kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm của loài hổ được lấy mẫu tại vườn thú dương tính cúm A/H5N1.

Còn tại khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (Đồng Nai) có 11 cá thể hổ Bengal (Panthera tigris) và 1 cá thể báo đen (Panthera pardus) đã chết.

Kết quả xét nghiệm với hai cá thể hổ ngẫu nhiên chết nêu trên, bước đầu chẩn đoán nghi do viêm phổi. Hiện chưa có kết quả xét nghiệm nguyên nhân.

Trên người hiện chưa ghi nhận người tiếp xúc gần có triệu chứng viêm hô hấp. 

Tại tỉnh Long An xác định có 3 nhân viên vườn thú tiếp xúc trực tiếp hổ, còn tại tỉnh Đồng Nai thông tin nhanh sơ bộ có khoảng 30 người tiếp xúc với hổ.

Hiện ngành y tế đã chủ động phối hợp cùng ngành thú y và kiểm lâm trong đáp ứng tình hình bệnh và hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang người.

Đồng thời điều tra, xác định người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe, bao gồm cả nhân viên trực tiếp chăm sóc thú và người có liên quan.

Cúm A/H5N1 nguy hiểm ra sao?

Theo các chuyên gia về y tế, cúm A/H5N1 thường lưu hành ở đàn chim và trên các đàn gia cầm. Vi rút gây bệnh này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần.

Đáng nói, vi rút A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỉ lệ cao (khoảng 50%).

Các nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Á hằng năm vẫn có các chủng cúm A/H5N1 lưu hành.

Cục Y tế dự phòng cho biết thêm trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu do chủng vi rút cúm A/H5N1.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người.

Hàng chục con hổ, báo chết nghi nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Nai, Long An - Ảnh 3.Nhiễm cúm A/H1N1 và A/H5N1 khác nhau thế nào?

Cùng nhiễm cúm, nhóm học sinh ở TP.HCM nhiễm cúm A/H1N1 thì nhanh khỏi, còn người nhiễm cúm A/H5N1 ở Campuchia đã tử vong vào cuối tháng 2. Nhiều người còn nhầm lẫn hoặc chưa rõ độc lực giữa các chủng cúm A này thế nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên