24/04/2025 10:31 GMT+7

Hàn Quốc nới lỏng visa lao động, tăng cơ hội xuất khẩu lao động trẻ

Hàn Quốc sẽ nới lỏng điều kiện cấp visa chuyên biệt trong hai năm 2025 và 2026, đồng thời mở rộng khu vực nên sẽ tăng cơ hội làm việc cho lao động Việt Nam.

Hàn Quốc nới lỏng visa lao động, tăng cơ hội xuất khẩu lao động trẻ - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS xuất cảnh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) - Ảnh: GIA ĐOÀN

Ông Phạm Viết Hương, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), cho biết như vậy sau thông tin Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố kế hoạch thực hiện thị thực (visa) chuyên biệt khu vực năm 2025. Kế hoạch này nhằm thu hút thêm lao động nước ngoài trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động nước này đang giảm.

Nhiều cơ hội cho lao động trẻ

Trong hai năm 2025 và 2026, Hàn Quốc mở rộng các địa phương áp dụng visa chuyên biệt theo khu vực và nới lỏng điều kiện cấp loại visa. Phạm vi áp dụng visa chuyên biệt được mở rộng từ 89 khu vực có dân số giảm lên 107 khu vực.

Trong đó có thêm 18 khu vực có nguy cơ suy giảm dân số thuộc 13 tỉnh, TP gồm Busan, Daegu, Incheon, Gwangju, Deajeon, Gyeonggi, Gangwon, Chungbuk, Chungnam, Jeonbuk, Jeonam, Gyeongkuk và Gyeongnam. Chính phủ Hàn Quốc còn cho phép chính quyền địa phương thiết lập các chính sách thu hút người nước ngoài phù hợp với từng khu vực.

Cụ thể cho phép lao động phổ thông (visa E9) và lao động trên biển (visa E10) được chuyển sang thị thực E7-4R, trở thành lao động có tay nghề. Qua đó người lao động có cơ hội định cư ổn định tại các nơi giảm dân số. Điều kiện cần là lao động nước ngoài phải cư trú ở Hàn Quốc từ hai năm trở lên theo visa E9 hoặc E10 và đáp ứng các yêu cầu của hệ thống tính điểm lao động chuyên môn K-point.

Hệ thống K-point của visa E7-4R giống hệ thống tính điểm E7-4 bao gồm điểm số về mức lương, thời gian hợp đồng, trình độ tiếng Hàn... Người có visa E7-4R cư trú tại khu vực suy giảm dân số từ ba năm trở lên có thể chuyển sang thị thực lao động chuyên môn xuất sắc khu vực F2-R.

Với visa này, lao động Việt sẽ được làm việc lâu dài tại Hàn Quốc và có cơ hội đổi lên thị thực cư trú vô thời hạn F5 cũng như được bảo lãnh bố mẹ, vợ chồng, con cái sang nước này cư trú.

Thành viên gia đình của người có thị thực E7-4R được làm việc trong các ngành nghề phổ thông tại khu vực giảm dân số như thành viên gia đình của người có thị thực F2-R. Kế hoạch cũng điều chỉnh điều kiện cấp thị thực chuyên môn xuất sắc khu vực F2-R, người lao động phải đạt trình độ tiếng Hàn TOPIK 4 thay vì TOPIK 3 như trước đây.

Ngoài ra, lao động F2-R có thể tự do tìm việc ở các công ty thuộc khu vực suy giảm dân số. Hạn mức lao động nước ngoài làm việc trong một công ty ở khu vực suy giảm dân số tăng từ 20% lên 50% tổng số lao động trong nước tham gia bảo hiểm việc làm.

Người lao động đừng bao giờ nộp tiền cho bất cứ cá nhân, tổ chức trung gian nào. Chỉ nộp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp khi hoàn thành các thủ tục theo quy định và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hóa đơn, phiếu thu tiền ghi rõ nội dung thu, số tiền và có chữ ký của người có thẩm quyền cùng con dấu của doanh nghiệp.
Ông PHẠM VIẾT HƯƠNG

Tăng hạn ngạch cho lao động Việt Nam

Thông tin từ ông Phạm Viết Hương cho biết năm 2025, Hàn Quốc phân bổ hạn ngạch lao động visa E9 theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) cho Việt Nam là 8.400 người.

Lao động visa E9 làm việc trong các lĩnh vực gồm sản xuất chế tạo (lắp ráp, cơ khí...), nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) và ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản). Nước này cũng tiếp nhận lao động thuyền viên tàu cá gần bờ (E10), lao động kỹ thuật (E7), lao động thời vụ (C-4 và E8).

Thời gian gần đây, Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài, tăng chỉ tiêu và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động theo chương trình EPS, bổ sung tiếp nhận lao động ngành đóng tàu, dịch vụ, lâm nghiệp vào chương trình này.

Thị trường lao động này cũng tiếp nhận lao động kỹ thuật (hàn, sơn) ngành đóng tàu và sản xuất linh kiện máy bay (E7), lao động thời vụ (E8). Đồng thời xem xét tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề trong các ngành nghề xây dựng, bảo dưỡng ô tô và truyền tải điện...

Ông Hương nói đây là cơ hội để các bạn trẻ ứng tuyển ở đa dạng các ngành vừa để nâng cao tay nghề, ngoại ngữ vừa có thu nhập tốt. Điều này cũng phù hợp với chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để học hỏi kiến thức, nâng cao tay nghề, vốn sống, ngoại ngữ bên cạnh kiếm thêm thu nhập.

"Hiện Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ việc học tiếng, học nghề, khám sức khỏe, ăn ở hoặc cho vay lãi suất thấp. EPS là một trong những chương trình chi phí thấp mà thanh niên có thể tham gia", ông Hương bổ sung.

Cảnh giác để tránh "tiền mất, tật mang"

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS diện visa E9 có thể đăng ký tại sở nội vụ, trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương hoặc tại trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab).

Đối với lao động kỹ thuật (E7) hay thuyền viên tàu cá gần bờ (E10), một số doanh nghiệp được phép tham gia và được công khai trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Đối với chương trình lao động thời vụ (E8), người lao động cũng có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc sở nội vụ các tỉnh, TP để biết cụ thể, tránh tình trạng bị lừa đảo "tiền mất, tật mang".

3 tháng, trên 37.000 người đi xuất khẩu lao động

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), trong quý 1 năm 2025, cả nước có trên 37.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó hơn 7.000 lao động nữ, đạt 28,4% kế hoạch năm 2025.

Thị trường Hàn Quốc có trên 4.100 người xuất cảnh đi làm (gần 500 lao động nữ). Dẫn đầu là thị trường Nhật Bản với gần 19.000 người, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) hơn 11.000 người.

Tăng cơ hội xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc - Ảnh 2.Xuất khẩu lao động về, kẻ mếu người cười

Trở về sau khi đi xuất khẩu lao động, người may mắn tìm được việc làm thuận tay nhưng cũng không ít người dù đã về nước nhiều năm song vẫn chật vật, công việc không ổn định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên