26/03/2015 12:48 GMT+7

​Hạn, mặn bủa vây đồng bằng sông Cửu Long

C.QUỐC - K.NAM - Đ.TRIỀU - T.THÁI - T.TRIỀU
C.QUỐC - K.NAM - Đ.TRIỀU - T.THÁI - T.TRIỀU

TT - Tình hình hạn, mặn ở một số tỉnh cuối nguồn sông Hậu đã bắt đầu gay gắt.

Vùng đất nắng hạn ở huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang). Ảnh tư liệu.

Ở Sóc Trăng, độ mặn đo được từ tháng 1-2015 tại trạm Đại Ngãi là 8‰ và hiện tại là 6,5‰, trong khi cùng kỳ năm ngoái độ mặn chỉ khoảng 4‰. Dự báo trong tháng 4 độ mặn cao nhất có thể lên đến 12‰.

Tại hai huyện Long Phú và Trần Đề đang gieo sạ khoảng 15.000ha lúa vụ xuân hè. Theo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, nếu hạn, mặn tiếp tục gay gắt, có thể có khoảng 6.000ha lúa trong số này sẽ bị thiệt hại bởi một số vùng của hai huyện này bị mặn bao vây tứ bề, khó dẫn nước ngọt về.

Tại các địa phương thuộc vùng trũng của Sóc Trăng gồm các huyện Ngã Năm, Mỹ Tú, Thạnh Trị cũng còn khoảng 18.000ha lúa đông xuân chưa thu hoạch và Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cũng khống chế xâm nhập mặn để bảo vệ lúa.

Còn tại Bạc Liêu, ông Lai Thanh Ẩn - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh - cho biết tỉnh vừa chi 2 tỉ đồng cho các huyện đắp các đầu kênh nhánh bị khô hạn để dùng máy bơm bơm nước từ kênh chính vào phục vụ việc sản xuất. Vụ đông xuân Bạc Liêu gieo sạ khoảng 46.000ha và đã thu hoạch được 12.000-13.000ha.

Tại Kiên Giang, nước mặn đã xâm nhập sâu hai cửa sông Cái Bé và Cái Lớn 30-35km, còn trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên nước mặn xâm nhập sâu 5,5km.

Ông Nguyễn Đức Hiền, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang, cho biết các hồ chứa của đơn vị này có thể duy trì ổn định lượng nước tới giữa tháng 4.

Sau thời điểm đó nếu vẫn chưa có mưa, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên, lúc này sẽ phải tính tới phương án cắt giảm lượng nước sinh hoạt.

Ông Trần Như Tiến - chủ tịch UBND xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) - cho biết cả năm hòn đảo của địa phương này đều không còn nước sinh hoạt khiến đời sống của 914 hộ dân (chủ yếu tập trung ở Hòn Mấu và Hòn Ngang) hết sức khó khăn.

Riêng các trường học, cơ quan đơn vị của xã vừa được tàu hải quân Vùng 5 tiếp tế 100m3 nước để cầm cự qua ngày.

Tại Cà Mau, ông Trịnh Xuân Hưng - giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau - cho biết hiện nay độ mặn ở các sông chính trên địa bàn phần lớn đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

“Từ cuối mùa khô đến nay, hầu như trên địa bàn tỉnh Cà Mau không có mưa. Dự báo nắng hạn năm nay sẽ gay gắt hơn nhiều so với mọi năm” - ông Hưng nói.

Khô hạn cũng đang ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều hộ dân vùng đệm rừng tràm Cà Mau. Chính quyền xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) cho hay toàn xã có gần 2.000 hộ dân nhưng có khoảng 500 hộ thiếu nước sử dụng trong sinh hoạt. Tập trung nhiều ở cả tuyến bờ tây sông Trẹm (từ kênh Ông Hoàng đến kênh 14) và tuyến bờ đông sông Trẹm (từ kênh 14 đến kênh 25, kênh 500).

Hiện tại bà con phải chờ ghe đến đổi nước sinh hoạt, mỗi khối 45.000-60.000 đồng, tùy đường vận chuyển gần hay xa.

Tại Hậu Giang, tình hình xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, độ mặn cao nhất đo được ở TP Vị Thanh là 12,5‰, trong những ngày qua mỗi ngày độ mặn đã tăng 0,5-1‰ và đi sâu vào đồng ruộng 2-3km/ngày, đồng thời có khả năng mặn xâm nhập toàn bộ TP Vị Thanh trong tháng 4-2015.

C.QUỐC - K.NAM - Đ.TRIỀU - T.THÁI - T.TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên