23/03/2015 15:45 GMT+7

Lúa chết do nhiễm mặn, nông dân mất hàng chục tỉ đồng

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Người dân địa phương khẳng định nước mặn từ kênh xả bùn của dự án nạo vét luồng vào khu trú bão cảng cá Lình Huỳnh tràn vào ruộng làm chết lúa...

Đại diện chính quyền xã Lình Huỳnh và người dân đánh giá mức độ thiệt hại trên cánh đồng lúa chết xám xịt - Ảnh: K.Nam

Sau nhiều lần liên hệ, sáng 23-3, ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang đồng ý trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ 427 ha lúa đông xuân của người dân 2 xã Lình Huỳnh, Thổ Sơn thuộc huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) bị chết khi sắp tới mùa thu hoạch.

Theo ông Tâm, đến nay đã thống kê được xã Lình Huỳnh có 197,2 ha lúa của 108 hộ dân và xã Thổ Sơn có 229,7 ha lúa của 104 hộ dân bị thiệt hại, ước tính tổng thiệt hại lên tới 9,1 tỉ đồng.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân và báo Tuổi Trẻ, sở NN&PTNT Kiên Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra thực địa nhiều lần. Lần gần đây nhất là tiến hành lấy mẫu đất đưa đi giám định độc lập tại 2 nơi.

Kết quả xác định gần 427 ha lúa đông xuân bị chết do đất nhiễm mặn. Nhưng vì sao đất lại bị nhiễm mặn thì chưa rõ.

Ông Tâm cho biết đại diện người dân địa phương khẳng định nước mặn từ kênh xả bùn của dự án nạo vét luồng vào khu trú bão cảng cá Lình Huỳnh tràn vào ruộng làm chết lúa.

Tuy nhiên, phía nhà thầu thi công là xí nghiệp xây dựng 27 thuộc Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) phủ nhận. Đồng thời, nhà thầu khẳng định dự án có hệ thống đê bao khép kín khu vực xả bùn thải. Nước mặn nếu có tràn vào kênh cung cấp nước cho ruộng lúa, thì cũng do người dân tự xẻ mương để… lấy bùn.

“Sáng nay sau khi nghe báo cáo, thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo chúng tôi tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác định rõ vì sao đất trồng lúa tại 2 xã Lình Huỳnh và Thổ Sơn bị nhiễm mặn. Sau khi có kết quả kiểm tra chính thức mới tính tới giải pháp hỗ trợ và khắc phục hậu quả” - ông Tâm nói.

Ông Giang Thành, chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh, cho hay khoảng 70% số hộ nông dân có lúa bị thiệt hại là hộ dân tộc Khmer nghèo, tiền đầu tư phân bón trồng lúa đều phải vay mượn nên hiện tại đời sống hết sức khó khăn.

Trong khi đó, ông Tâm cho biết trong trường hợp xác định được đất lúa bị nhiễm mặn là do lỗi nhà thầu thì nhà thầu mới chịu bồi thường.

Còn nếu không phải do nhà thầu và lúa chết vì lý do khách quan thì nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ lúa giống cho bà con nông dân với mức từ 100 - 120 kg lúa giống/ha, tính ra tổng mức hỗ trợ (nếu có) từ ngân sách sẽ chỉ vào khoảng 560 triệu đồng.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên