09/07/2020 20:44 GMT+7

Hạn chế khai thác nước ngầm để giảm ngập

T.D.V
T.D.V

Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức tại TP.HCM khiến đất nền sụp lún, nhất là tại các vùng đất có nền đất yếu.

Hạn chế khai thác nước ngầm để giảm ngập - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Cấp nước Gia Định thực hiện trám lấp giếng khoan cho người dân tại quận Bình Thạnh - Ảnh: LÊ PHAN

Sau khi ngành cấp nước thực hiện rà soát trám lấp 100.000 giếng khoan để hạn chế khai thác nước ngầm, lãnh đạo TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các sở ngành tiếp tục thực hiện lộ trình này để giảm ngập.

Sử dụng nước mặt thô, giảm dùng nước ngầm

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), tổng công suất thiết kế các nhà máy nước cung cấp vào mạng lưới cấp nước do phía công ty quản lý (không bao gồm huyện Củ Chi) khoảng 2.400.000m3/ngày. Nguồn nước thô chủ yếu khai thác từ nước mặt (đến 94%) từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, một phần nhỏ (6%) từ nguồn nước ngầm.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, giai đoạn từ năm 2018 đến 2025, việc khai thác nước ngầm phải giảm thiểu ở mức tối đa. Cụ thể, năm 2018 ngành cấp nước TP.HCM sẽ khai thác tối đa 100.000m3/ngày, đến giai đoạn 2024-2025 khối lượng khai thác nước ngầm giảm xuống còn 30.000m3/ngày.

Để thực hiện lộ trình trên, ngành cấp nước đã thực hiện các biện pháp như ngưng khai thác nước ngầm tại các khu vực đã có giải pháp cấp nước thay thế; giảm công suất đến mức phù hợp đối với các trạm và nhà máy nước ngầm; chuyển đổi các trạm, các mặt bằng trạm khai thác nước ngầm thuộc kế hoạch cấp nước an toàn thông qua hệ thống giếng lẻ sang chế độ dự phòng theo kế hoạch khi được thành phố phê duyệt; xây dựng kế hoạch và thực hiện trám lấp giếng khai thác nước dưới đất không còn sử dụng; đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước để đưa nguồn nước mặt thay thế cho nước ngầm từ các trạm giếng.

Ngành cấp nước cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, chính quyền địa phương cung cấp thông tin, rà soát, vận động tuyên truyền người dân hạn chế khai thác nước ngầm.

Trong năm 2019, ngành cấp nước thành phố đã vận động người dân hiện đang sử dụng giếng khoan để lấy nước thực hiện trám lấp giếng. Số lượng giếng khoan được trám lấp dự kiến khoảng 100.000 giếng, chi phí và việc thực hiện được ngành cấp nước hỗ trợ miễn phí cho người dân.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Theo các chuyên gia nhận định, ngập nước tại TP.HCM bị tác động bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó biến đổi khí hậu khiến mưa nhiều, triều cường dâng cao là nguyên nhân chính. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức làm cốt nền bị sụt lún cũng khiến ngập nước ngày càng nặng hơn, những năm gần đây có nơi ở thành phố bị lún gần 6cm.

Ngành cấp nước cũng nỗ lực khắc phục các khó khăn đang gặp phải trong quá trình giảm khai thác nước ngầm.

Theo Sawaco, một số khu vực cuối nguồn (xa các nhà máy nước mặt), đặc biệt là huyện Bình Chánh, việc cung cấp nước sạch còn khó khăn do chưa có đầy đủ các tuyến ống truyền tải. Trước mắt, để đảm bảo chỉ tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch, cần duy trì các trạm khai thác nước ngầm trên địa bàn (dự kiến đến 2021). Một số khó khăn trong triển khai các dự án phát triển tuyến ống truyền có thể ảnh hưởng tiến độ giảm khai thác nước ngầm khu vực Bình Chánh.

Ngoài ra, việc chuyển đổi nguồn nước cho khu vực phục vụ của một số trạm nước ngầm (sang sử dụng nước mặt) còn khó khăn do các trạm này trước đây tiếp nhận từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với mạng lưới riêng và không đồng bộ. Các khu vực này chưa có tuyến ống cấp nước từ mạng lưới phân phối nước mặt nên phải thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, cải tạo mạng lưới phân phối, đấu nối mạng, gắn đồng hồ nước. Do đó, lộ trình giảm khai thác cụ thể của các trạm này phải điều chỉnh so với dự kiến ban đầu, nhưng công ty vẫn đảm bảo lộ trình chung theo yêu cầu của thành phố.

Trước các ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước mặt và tác động của biến đổi khí hậu (như xâm nhập mặn), thì nguồn nước ngầm vẫn là nguồn dự phòng chiến lược dùng để cung cấp nước khẩn cấp khi xảy ra sự cố đối với nguồn nước mặt. Sawaco sẽ tiếp tục nỗ lực và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch giảm khai thác nước ngầm dưới đất của thành phố đặt ra.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên