Phóng to |
Hâm mộ hay "hăm dọa"?
Hâm mộ một ca sĩ, diễn viên... thường khiến nhiều bạn trẻ lơ là việc học, suốt ngày chỉ biết sống trong ảo tưởng cùng thần tượng, thậm chí làm những việc… khác thường. Đó là sự thật đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Vì lòng hâm mộ thái quá, hai cô gái tuổi teen đã bất chấp tất cả, đột nhập vào phòng của nam ca sĩ Justin Bieber chỉ để chụp ảnh căn phòng. Trong khi đó, cũng vì hâm mộ mù quáng, nhiều người đã tự tử sau cái chết của “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson. Thậm chí một vị phụ huynh ở Trung Quốc đã tìm đến cái chết vì con mình quá thần tượng Lưu Đức Hoa.
Đó là chưa kể đến những hành động quá khích, gào thét, giẫm đạp nhau ở những nơi thần tượng xuất hiện. Những câu chuyện này không diễn ra hằng ngày nhưng mỗi khi xuất hiện là một lần khoét sâu thêm định kiến của mọi người về lòng hâm mộ của giới trẻ. Hâm mộ như vậy chẳng khác nào đang "hăm dọa" chính thần tượng của mình!
Phóng to |
Câu lạc bộ người hâm mộ SuJu tại Việt Nam kêu gọi ủng hộ nạn nhân trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản - Ảnh chụp từ Internet |
Quả thật, cuồng điên, thái quá, mất kiểm soát… là những hình dung rất đúng về những người hâm mộ không biết làm chủ lòng hâm mộ của mình. Họ xem thần tượng như thần thánh, suốt ngày chỉ biết có thần tượng và luôn sống trong những ảo tưởng viễn vông về thần tượng.
Hình ảnh những cô cậu học sinh bắt chước y chang phong cách của thần tượng, bàn học chỉ toàn ảnh và vật dụng liên quan đến thần tượng đã không còn xa lạ. Nhưng điều khiến mọi người lo lắng hơn chính là việc một số bạn trẻ thần thánh hóa thần tượng mà xa rời cuộc sống thực.
Nhiều người đã sững sờ khi nghe một số người hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior (gọi tắt là SuJu) hô hào rằng: “Gia đình là phù du, SuJu là tất cả”. Hâm mộ đến mức xem thần tượng là tất cả và xa rời chính gia đình mình thì thật là đáng sợ!
Văn hóa hâm mộ
Chính vì những hành động quá khích của các fan mà nhiều người đã có cái nhìn không mấy tốt đẹp về thần tượng, về giới trẻ và những bạn trẻ hâm mộ thần tượng. Trong khi đó, lòng hâm mộ vẫn được nhiều bạn trẻ thể hiện bằng những việc làm cụ thể đầy ý nghĩa.
Phóng to |
Thông thường, người hâm mộ các nước thường lập thành các fanclub (hội những người hâm mộ) không chỉ để giúp đỡ và chia sẻ với nhau những vấn đề liên quan đến thần tượng của mình, mà còn san sẻ những vấn đề học tập và cuộc sống hằng ngày thông qua các fanpage (trang web dành riêng cho những người hâm mộ).
Chỉ tính riêng fanclub các nhóm nhạc Hàn Quốc đã cho thấy sự đa dạng trong cách tổ chức, hoạt động. Mỗi fanclub thường có tên gọi riêng: Cassiopeia(nhóm DBSK), E.L.F. (nhóm Super Junior), SONE (nhóm SNSD)... ; và màu sắc tượng trưng riêng: đỏ (nhóm hâm mộ DBSK), trắng (nhóm hâm mộ H.O.T.), tím (nhóm hâm mộ S.H.E.), xanh sapphire (nhóm hâm mộ SuJu)... |
Đặc biệt, các fanclub còn thể hiện lòng hâm mộ bằng những hoạt động thiết thực. Điển hình như 10 fanclub đến từ các nước như Bắc Mỹ, Brazil, Indonesia… của nhóm nhạc nữ xứ Hàn Kara từng kỷ niệm bốn năm thành lập ban nhạc thần tượng bằng việc thành lập quỹ từ thiện giúp đỡ nạn nhân trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản và đã quyên được gần 3.000 USD.
Người hâm mộ nam ca sĩ Haro Jaejoong tại Nhật Bản cũng kỷ niệm ngày sinh thần tượng bằng việc thu nhặt nắp vỏ chai đổi lấy vắcxin cho trẻ em nghèo bị bại liệt. Hay fanclub của SuJu tại Malaysia vẫn thường xuyên tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, trong đó có chiến dịch "Ruybăng vàng" giúp trẻ em nghèo.
So với những hành động quá khích vì thần tượng thì những hành động tích cực này rất đáng để chúng ta có cái nhìn khác về lòng hâm mộ của giới trẻ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận