02/11/2009 08:13 GMT+7

Halloween và câu chuyện lễ hội

THU HÀ
THU HÀ

TT - Cậu bé 6 tuổi hôm kia về nhà mang theo một chiếc mặt nạ quỷ tự chế khoe với mẹ: “Hôm nay ở trường con tổ chức Halloween, mỗi bạn tự làm một cái mặt nạ để đeo cho vui, sau đó chúng con nhảy múa và ăn bánh kẹo”.

Halloween và câu chuyện lễ hội

TT - Cậu bé 6 tuổi hôm kia về nhà mang theo một chiếc mặt nạ quỷ tự chế khoe với mẹ: “Hôm nay ở trường con tổ chức Halloween, mỗi bạn tự làm một cái mặt nạ để đeo cho vui, sau đó chúng con nhảy múa và ăn bánh kẹo”.

>> "Sốt" Halloween >> Bắt đầu nóng với Halloween >> Bạn trẻ “vui nổ trời” với Halloween

Một cậu bé VN 6 tuổi tất nhiên quá nhỏ để hiểu ý nghĩa của lễ hội Halloween, nhưng ngày lễ khiến nó vui vì được nghỉ học một buổi chiều và được nhảy múa, tự làm mặt nạ để đeo.

Cũng hôm kia trên phố xá ở nhiều nơi, có khá nhiều cửa hàng bán đồ Halloween, các khách sạn quảng cáo lễ hội quả bí vui nhộn và huyền ảo, những tốp học sinh sinh viên  đeo mặt nạ nghịch ngợm đạp xe trên đường... Một không khí lễ hội chưa thật sự đậm đặc nhưng đã dễ dàng nhận thấy, điều mà không ai nghĩ đến chỉ năm năm trước đây, và càng không ai hình dung nổi mười năm về trước.

Theo wikipedia tiếng Việt: Halloween có nguồn gốc từ một lễ hội cổ của người Celtic ở châu Âu. Theo truyền thống, lễ hội là thời điểm mà những người ngoại giáo tích trữ nguyên vật liệu và giết mổ vật nuôi để dự trữ trong mùa đông.

Người xưa tin rằng vào ngày 31-10, bây giờ được biết đến là lễ Halloween, ranh giới giữa sự sống và cái chết biến mất, và cái chết trở nên nguy hiểm cho sự sống do những nguyên nhân như bệnh tật hoặc phá hoại mùa màng. Trang phục hóa trang và mặt nạ cũng được mặc trong lễ hội nhằm cố gắng bắt chước các linh hồn quỷ dữ hay làm xoa dịu chúng.

Vậy có gì hấp dẫn và gần gũi người Việt từ lễ hội này? Có thể là những tín điều nguyên thủy gần giống như lễ xá tội vong nhân của người Việt. Có thể biểu trưng của mùa mới và sự no đủ gợi nhớ trong tâm thức người Việt về tết cơm mới cũng vào dịp này (10-10 âm lịch). Cũng có thể do những hoạt động tổ chức lễ hội thật sự hấp dẫn, vui nhộn, nơi người ta được phép hóa trang thành một nhân vật khác và người khác không được từ chối mình...

Không chỉ Halloween, Noel, Tết dương lịch, ngày lễ tình nhân, ngày của mẹ, ngày của cha... những lễ hội, ngày kỷ niệm hoàn toàn du nhập từ phương Tây đang ngày càng được ưa chuộng ở VN, không chỉ trong giới trẻ mà còn có tính đại chúng, nhất là ở các thành phố.

Cũng đã có những lời trách móc, lo lắng về sự mất gốc, Tây hóa. Nhưng bất chấp sự lo ngại, những lễ hội “Tây hóa” vẫn ngày càng nhiều lên. Và điều không thể phủ nhận là những người tham gia các hoạt động này đều tự nguyện và cảm thấy vui vẻ. Tự làm lấy một cái mặt nạ, chung tay trang trí một quả bí ngô, mua một món quà nhỏ đầy ý nghĩa cho đấng sinh thành hay một bó hoa lộng lẫy tặng người yêu... tất cả đều nhẹ nhàng và vui. Niềm vui lễ hội kiểu này khác hẳn với chuyện chen chúc tàu xe, tất bật quà biếu, phờ phạc mua sắm ngày Tết âm lịch...

Nhiều người trong chúng ta than phiền về những lễ hội truyền thống cứ ít dần, vẻ đẹp xưa cũ Á Đông rút lui trước sự sôi động phương Tây, và người trẻ cứ lao theo cái mới bỏ quên cái cũ. Nhưng ít ai tự hỏi vì sao lại thế? Vì xét cho cùng, đã là lễ hội thì mục đích đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm người ta vui, vui để yêu đời hơn thay vì mệt mỏi và tốn kém. Mà điều đó thì Halloween cùng với những lễ hội “Tây hóa” kia hình như đã làm được.

THU HÀ

====================================================================

Bạn nghĩ gì về những ngày lễ hội của giới trẻ Việt Nam? Làm thế nào để những ngày lễ hội giữ được nét truyền thống mà vẫn hiện đại, thu hút? Tuổi Trẻ Online mong nhận được chia sẻ của bạn đọc.

* Quả thật đúng như lời của bài "Halloween và câu chuyện lễ hội". Lễ hội là để con người vui vẻ, thư giãn, không lo toan những muộn phiền hằng ngày, không bon chen quà biếu, lợi lộc, chỉ đơn thuần là vui vẻ. 

Tôi cũng đã tiếp xúc với nhiều lễ hội của các nước, nhiều lễ hội của các nước rất vui không tất bật những bữa ăn thịnh soạn, chỉ đơn thuần là một lễ hội để con người thỏa sức tưởng tượng những hình thù kì dị, hay những nhân vật hoạt hình lịch sử được thể hiện lại trên khuôn mặt của các vị khách. gặp nhau, chào hỏi, nói chuyện vui đùa... đến sáng ngày hôm sau,lại phải tất bật với vòng xoáy công việc.

DN

* Ngày nay, giới trẻ VN có quá ít cơ hội tham gia những lễ hội truyền thống của dân tộc. Có chăng cũng chỉ là những lễ hội mang tính địa phương, vùng, miền, không phổ biến và ít được biết đến....Tại sao ngày lễ Halloween, Noel lại được tất cả các nước trên thế giới biết đến, trong khi đó lễ hội truyền thống của VN cũng không kém phần đặc sắc nhưng tính phổ biến hạn chế?

Cần xem xét và đưa ra những hành động cụ thể để mở rộng phạm vi, phổ biến những nét văn hóa truyền thống, những lễ hội đặc sắc của dân tộc đến mọi nơi...Giới trẻ Việt Nam cũng nên tự tìm hiểu về những lễ hội truyền thống của dân tộc và giúp quảng bá những lễ hội đó với bạn bè 5 châu qua những phương tiện truyền thông rất quen thuộc như blog, facebook, các mạng xã hội...

NGUYỄN THANH DUY

* Ngày nay quả đúng có rất nhiều lễ hội phương Tây du nhập vào đất nước ta và ngày càng chi phối đời sống tinh thần của mọi người mà nhất là giới trẻ. Đó là sự tất tất yếu trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, tôi biết trong lòng mọi người mà đặc biệt là những thanh thiếu niên vẫn không bỏ quên những hình ảnh thật đẹp trong những lễ hội truyền thống của dân tộc. Lễ hội phương Tây chỉ mang tính phong trào, khuấy động đời sống tinh thần của chúng ta trong nhịp sống tấp nập thường ngày; lễ hội theo phong tục truyền thống Việt Nam mang chúng ta trở về với nguồn cội, với gia đình, với những điều thật đẹp, thật thiêng liêng. Điển hình như trong những ngày chào đón Tết âm lịch, mọi người chuẩn bị thật sớm, từ chuyện tàu xe về quê của những người con xa xứ; đến chuẩn bị những món ăn truyền thống,...rất nhiều những hoạt động chuẩn bị. Nhưng có mấy ai kêu ca là "tôi ghét Tết âm lịch đâu?". Chỉ có chút bức xúc là giao thông đi lại còn khó khăn.

Theo tôi, những ngày lễ du nhập từ phương Tây và những lễ hội truyền thống dân tộc đều mang lại ý nghĩa tinh thần trong mỗi chúng ta, nhưng chúng là hai phạm trù khác nhau, ta không nên đánh đồng để rồi so sánh...

NGUYỄN VĂN HIỀN THỤC

* Lễ hội ở Việt Nam ta nặng phần lễ nhiều hơn phần hội. Chúng ta đã tổ chức rất nhiều lễ hội, sự kiện thu hút hàng ngàn, hàng triệu lượt người tham gia, tuy nhiên, có thể thấy các lễ hội này khá đơn điệu, ý tưởng còn trùng lặp.

Thông thường BTC dựng 1 sân khấu, lễ đài tại khu vực chính rồi tổ chức mitting, đọc diễn văn, chào mừng (thường rất dài), sau đó luôn luôn là tiết mục văn nghệ, tạp kỹ, ở những khu vực chung quanh thì tổ chức các trò chơi dân gian, hàng rong,...

Trong các lễ hội ấy, người chơi chưa phát huy "hết mình" tính chủ thể của cuộc vui.

MỘT BẠN ĐỌC

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên