20/07/2013 10:35 GMT+7

Hai nỗi đau đớn

NELSON MANDELA (NGUYỄN HẰNG dịch)
NELSON MANDELA (NGUYỄN HẰNG dịch)

TT - Ngày 26-9-1968, mẹ của Mandela qua đời. Ông đề nghị được tạm rời tù để về chịu tang nhưng bị chính quyền từ chối. Năm sau, ngày 13-7, con trai cả của ông là Thembi qua đời trong một vụ tai nạn ôtô. Ông lại gửi thư cho cơ quan quản lý nhà tù xin đến dự đám tang nhưng lá thư cũng bị bác bỏ.

Kỳ 1: Theo đuổi lý tưởng Kỳ 2: Những năm tháng khó khăn

jPY4MQzO.jpgPhóng to
Nhà tù trên đảo Robben, nơi giam giữ Nelson Mandela - Ảnh: Trung Nghĩa

Thư gửi Winnie Mandela

Chiều nay, giám đốc nhà tù nhận được một bức điện từ luật sư Mendel Levin như sau: “Vui lòng thông báo cho Nelson Mandela rằng con trai ông ấy Thembekile đã qua đời vào ngày 13-7 ở Cape Town do tai nạn ôtô”. Anh không thể tin được rằng mình sẽ không bao giờ được gặp Thembi nữa. Nó mới tròn 24 tuổi vào hôm 23-2.

Trong phiên tòa Rivonia, có hôm nó ngồi phía sau anh. Anh liên tục quay ra sau, gật đầu và cười thật tươi với con. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng anh và các đồng chí sẽ phải chịu mức án cao nhất. Khuôn mặt con cũng thể hiện rõ điều ấy. Mặc dù lần nào anh quay lại nó cũng gật đầu với anh, nhưng nó không hề cười một lần nào. Anh không bao giờ nghĩ mình sẽ không được gặp nó nữa. Đã năm năm rồi... Trong một ngày bất hạnh, cay đắng như hôm nay, nhớ lại câu chuyện sau cũng tốt. Nhà văn P.J.Schoeman từng kể rằng có một vị thống soái châu Phi đã dẫn đội quân da đen thiện chiến của mình đi săn. Trong cuộc săn đuổi, con trai vị thống soái bị một con sư tử cái giết chết, còn bản thân ông cũng bị con thú làm bị thương nặng. Vết thương của ông được khử trùng bằng một cây giáo nung đỏ, ông quằn quại vì đau. Về sau, khi Schoeman hỏi ông cảm thấy thế nào thì ông ta trả lời: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn nhiều so với vết thương thể xác. Giờ anh mới hiểu những lời vị thống soái nói.

Thư gửi giám đốc nhà tù đảo Robben

Con trai cả của tôi là Madiba Thembekile, 24 tuổi, đã qua đời vào ngày 13-7-1969 ở Cape Town do bị chấn thương sau một vụ tai nạn ôtô. Tôi muốn được tham dự lễ tang để nhìn mặt con lần cuối. Tôi sẽ tự chi trả mọi chi phí. Tôi chưa biết con tôi sẽ được chôn cất ở đâu, nhưng tôi cho rằng đám tang sẽ diễn ra ở Cape Town, hoặc Johannesburg, hoặc Umtata. Vì vậy, tôi sẽ rất mừng nếu được ngài cho phép khởi hành ngay lập tức đến nơi an nghỉ cuối cùng của con tôi, có thể có người hộ tống hoặc không. Nếu tại thời điểm ngài nhận được thư này, con trai tôi đã được chôn cất thì tôi hi vọng sẽ được phép đến viếng mộ con để “đặt viên đá” - nghi lễ truyền thống dành cho những người không đến dự được đám tang.

Tôi tha thiết mong rằng lần này ngài sẽ xử lý với thái độ nhân văn hơn so với khi tôi đưa yêu cầu tương tự gần mười tháng trước vào tháng 9-1968 là được đến dự đám tang của mẹ tôi. Nếu ngài chấp nhận đề nghị của tôi đó sẽ là một cử chỉ rất rộng lượng và sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Hành động nhân văn ấy sẽ giúp một người tù như tôi giảm bớt được rất nhiều nỗi phiền muộn, đau đớn khi mất mẹ và sẽ cho tôi cơ hội được đứng bên mộ mẹ mình. Tôi phải nói thêm rằng lần cuối cùng tôi gặp con trai quá cố của tôi đã hơn năm năm trước, vì thế hẳn ngài sẽ hiểu tôi muốn được dự lễ tang như thế nào. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng có tiền lệ cho vấn đề này vì chính phủ đã từng chấp nhận những đề nghị tương tự.

i3LViuVL.jpgPhóng to
“Chúng tôi sát cánh bên cạnh lãnh đạo của chúng tôi”. Những người da đen tập trung ủng hộ Nelson Mandela và đồng chí của ông trong ngày mở phiên tòa xét xử họ về tội phản quốc - Ảnh: Eli Wenberg

Khoảnh khắc khủng khiếp

Mười tháng trước, tôi từng có yêu cầu tương tự khi mẹ tôi qua đời. Mặc dù ban quản lý nhà tù đã thể hiện thái độ cứng rắn khi từ chối một yêu cầu mà theo tôi là hợp lý trong mọi hoàn cảnh, nhưng tôi vẫn có chút ít hi vọng rằng lần này cái chết của hai thành viên trong gia đình xảy ra quá gần nhau có thể sẽ thuyết phục được ban quản lý nhà tù cho tôi cơ hội được một lần trong đời tiễn biệt Thembi... Yêu cầu của tôi bị từ chối nhanh chóng, thậm chí người ta còn không buồn thông báo cho tôi. Họ cũng bỏ qua tiếp một yêu cầu nữa là xin bản sao của các bản tin trên báo về vụ tai nạn thảm khốc, nên đến giờ tôi vẫn không có bất cứ một thông tin xác thực nào cho biết Thembi chết ra sao. Không những tôi bị tước đi cơ hội lần cuối cùng nhìn mặt con trai đầu lòng mà tôi còn mù mờ về mọi thứ liên quan đến con cũng như vụ tai nạn.

Tôi rất xúc động khi nhận được điện của tù trưởng Mangosuthu (Buthelezi) vào ngày 18-7 (sinh nhật của tôi) chia buồn thay mặt gia đình, và tôi muốn nói rằng tôi hết sức cảm ơn ông ấy về bức điện.

1968 và 1969 là những năm khó khăn, mệt mỏi đối với tôi. Tôi vừa mất mẹ mười tháng trước. Vào ngày 12-5, vợ tôi bị bắt vô thời hạn theo đạo luật Khủng bố, để lại con cái không khác gì trẻ mồ côi. Và giờ thì con trai cả của tôi cũng ra đi không bao giờ trở lại nữa. Cái chết luôn là một tai họa khủng khiếp bất kể nguyên nhân là gì và nạn nhân bao nhiêu tuổi. Nếu nó đến từ từ vì bệnh tật thông thường thì ít nhất người thân còn biết trước và cú sốc sẽ không quá nặng nề khi nó xảy đến. Nhưng nếu chúng ta biết rằng cái chết lại xảy đến với một người cao to khỏe mạnh vào ngay thời kỳ sung sức nhất cuộc đời thì chỉ có những ai thật sự trải qua mới hiểu nỗi đau này gây tê liệt đến mức nào. Đó chính là những gì tôi phải trải qua vào ngày 16-7, khi tôi được thông báo về cái chết của con trai tôi. Tôi cảm thấy run rẩy từ đầu đến chân, và trong vài giây tôi không biết phải phản ứng thế nào.

Rồi đến ngày 26-9 (sinh nhật vợ tôi), tôi được báo tin mẹ tôi qua đời. Lần cuối cùng tôi gặp mẹ là từ tháng 9 năm trước khi mẹ một mình đi từ Umtata ra đảo thăm tôi ở cái tuổi 76 già nua. Bề ngoài của mẹ làm tôi hết sức đau buồn. Mẹ tôi gầy đi, và mặc dù mẹ rất vui và đẹp nhưng nhìn mẹ ốm yếu và mệt mỏi. Khi hết giờ thăm, tôi có cơ hội nhìn ngắm mẹ tôi khi bà chầm chậm đi ra con thuyền sẽ đưa bà về đất liền, trong đầu tôi thoáng qua một ý nghĩ: tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy bà nữa. Nhưng nhiều tháng trôi qua, hình ảnh mẹ trong chuyến thăm tôi lần cuối cũng dần dần phai mờ và hoàn toàn tan biến khi tôi nhận được một bức thư vui vẻ của mẹ cho thấy bà đang mạnh khỏe. Kết quả là vào ngày 26-9, một lần nữa tôi hoàn toàn không chuẩn bị tư tưởng cho giây phút đau đớn. Trong vài ngày, tôi đã trải qua những khoảnh khắc khủng khiếp trong phòng giam mà tôi không bao giờ muốn nhớ lại. Nhưng những gì xảy ra vào cuối năm 1940 và tháng 9 năm ngoái đều không thể so sánh được với cảm giác của tôi hôm 16-7. Tôi nhận được tin vào lúc 2g30 chiều. Đột nhiên tim tôi như ngừng đập, dòng máu nóng vẫn chảy trong tôi suốt 51 năm qua như đông thành đá. Trong giây lát, tôi không nghĩ, không nói được gì. Sức mạnh trong tôi dường như cạn kiệt. Sau đó, tôi nhận thấy mình đang quay về phòng giam với hai vai trĩu nặng. Đó là nơi tệ nhất cho một người vừa phải gánh chịu một nỗi buồn khủng khiếp. Như thường lệ, bạn bè tôi ở đây rất ân cần và tận tình. Họ đã làm mọi điều có thể để giúp tôi giữ vững tinh thần.

___________

Nhưng trong những năm tháng khó khăn đó, khi chỉ có những bức tường xung quanh, “người tù thế kỷ” không coi mình đang ở tù. Ông luôn tận dụng thời gian để làm những gì mình đã theo đuổi.

Kỳ tới: Người tù lạc quan

NELSON MANDELA (NGUYỄN HẰNG dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên