Theo các bác sĩ Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nam (47 tuổi, ở Phú Yên) không có tiền sử gì đặc biệt trước khi bị say nắng.
Hai tuần vừa qua, bệnh nhân gặt lúa thuê (gặt máy) ở Ninh Bình, mỗi ngày đều đứng ngoài trời nắng 4-6 giờ.
Khoảng 15g ngày 30-5, thời điểm nắng gắt, khi đang đóng bao lúa đột nhiên bệnh nhân nói nhảm, rối loạn tâm thần, sau vài chục phút thì hôn mê.
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, được xử trí cấp cứu nhưng tình trạng rối loạn ý thức không cải thiện, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Cùng thời điểm ngày 30-5, bệnh nhân nữ là Tạ Thị Vân H. (88 tuổi, ở Hà Nội) đang đi chợ thì đột nhiên mất ý thức và hôn mê.
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, sau giai đoạn cấp cứu tình trạng ổn định hơn, không còn co giật nữa nhưng vẫn rất mệt.
Theo các bác sĩ, cả hai bệnh nhân này đều gặp tình trạng say nắng (sốc nhiệt) và cảnh báo sốc nhiệt có thể ảnh hưởng đến tính mạng, hoặc gây ra các biến chứng (đặc biệt là biến chứng não).
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian đi lại hoặc làm việc ngoài nắng càng lâu càng có nguy cơ gặp các biểu hiện sốc nhiệt.
Tình trạng hoa mắt, chóng mặt rất thường gặp khi đi lại hoặc làm việc ngoài trời nắng gắt là biểu hiện nhẹ của say nắng. Nhưng nếu không tránh nắng sớm, bù nước thì nguy cơ sốc nhiệt nặng hơn rất dễ xảy ra.
Trước tình trạng nắng nóng gay gắt và kéo dài, ngày 1-6, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện, yêu cầu chủ động phòng chống bệnh do nắng nóng, nhất là các biểu hiện say nóng, say nắng, đột quỵ... Bà Xuyên cũng cảnh báo người bị tim mạch, tiểu đường, hen phế quản, người uống rượu, bị phổi tắc nghẽn mãn tính, chàm, bỏng cần cảnh giác về sức khỏe trong thời tiết nắng nóng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận