Dưa Leo - diễn viên hài độc thoại |
Hài độc thoại được biết đến như một thể loại hài rất phổ biến và được ưa chuộng trên thế giới, nhưng tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại, hài độc thoại (Stand-up Comedy) chỉ có Dưa Leo trình diễn và cũng chỉ bó hẹp tại một vài quán cà phê hoặc sự kiện nhỏ.
Kể chuyện tục, chửi thề là hài?
Không thể phủ nhận tài năng của chàng trai này khi đưa vào phần trình diễn những câu chuyện thú vị và cập nhật nhiều thông tin thời sự.
Tuy nhiên, khi Dưa Leo sử dụng khá nhiều từ ngữ mang ý nghĩa dung tục, thậm chí có lúc anh ta còn chửi thề trên sân khấu thì xuất hiện hai luồng ý kiến: một số tỏ ra thích thú và tán thưởng, số còn lại “đỏ mặt” và cho rằng “hài đâu nhất thiết phải dơ như thế”.
Hình minh họa trên tường cho một buổi biểu diễn của Dưa Leo - Ảnh: An Nhiên |
Một lần nữa, câu hỏi về ranh giới tục thanh trong hài lại được đặt ra?
Hài độc thoại: Không “dễ nuốt”
Hình thức diễn độc thoại chưa bao giờ là môn “dễ nuốt” đối với tất cả nghệ sĩ. Khi không có những màn tung hứng cùng bạn diễn, nghệ sĩ độc thoại phải hoàn toàn chủ động từ hình thể cho đến đài từ, phải làm sao để trong chừng ấy thời gian ngắn ngủi làm cho khán giả bật cười và cảm thấy hài lòng, đó là điều không dễ.
Nói với TTO, nghệ sĩ Hoài Linh cho biết đã từng trình diễn thể loại này ở một vài chương trình và rút ra kết luận “hài độc thoại khó chinh phục khán giả”.
Ngoài yếu tố hài hước, duyên dáng, người nghệ sĩ còn phải thông minh và cực kì hoạt ngôn vì gần như họ phải thoại liên tục trong khoảng thời gian từ 10-20 phút cho một tiết mục hài độc thoại.
Nghệ sĩ hài độc thoại Lenny Bruce từng phải hầu tòa - Ảnh tư liệu |
Trả lời câu hỏi về khả năng để hài độc thoại tiếp cận sóng truyền hình cho hàng triệu người xem thay vì chỉ “dụng võ” ở không gian nhỏ, nghệ sĩ Hoài Linh bộc bạch: Rất khó.
Anh lý giải: Khi lên sóng truyền hình, khán giả không thể chỉ theo dõi một khuôn hình từ đầu đến cuối mà luôn phải có sự linh hoạt để không tạo ra nhàm chán. Nếu có nhiều diễn viên và bối cảnh, đạo cụ…, ống kính sẽ dễ dàng thay đổi các góc độ để truyền cho khán giả nhiều góc hình. Còn với hài độc thoại, chỉ một diễn viên từ đầu tới cuối, không thể lấy nhiều khuôn hình, góc máy vì nếu thực hiện khán giả sẽ không hiểu phần hình thể của diễn viên đang biểu đạt ý đồ. Còn nếu chi chăm chăm một góc quay duy nhất trong thời gian dài sẽ tạo ra sự đơn điệu và nhàm chán.
Bên cạnh đó, sóng truyền hình được hàng triệu khán giả theo dõi, trong đó có nhiều phụ huynh và trẻ em. Nếu nghệ sĩ hài độc thoại không kiểm soát tốt, dẫn đến sa đà vào mảng miếng dung tục, những khán giả lớn tuổi sẽ cảm thấy khó chịu và cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ em về mặt giáo dục.
Đạo diễn - nghệ sĩ Hạnh Thúy bày tỏ sự khâm phục đối với những nghệ sĩ diễn hài độc thoại vì chị đánh giá cao sự thông minh và bản lĩnh của nghệ sĩ. Một cách khiêm tốn, chị cho rằng mình chưa đủ khả năng chọc cười khán giả một mình trong ngần ấy thời gian.
Ranh giới mong manh nhưng đừng vượt
Chia sẻ về ranh giới tục thanh trong hài độc thoại, nghệ sĩ Đại Nghĩa cho rằng trên thế giới, hài độc thoại rất phổ biến và ở các nước phương Tây người ta thích thú và chấp nhận vì văn hóa và cách nghĩ thoáng hơn. Khán giả chấp nhận mức độ dung tục trong câu chuyện, miễn họ thấy cách sử dụng yếu đó thông minh và gây cười được.
Trong khi đó với quan niệm người Việt, khán giả khó chấp nhận những câu thoại hoặc hành động dung tục được sử dụng quá trớn trong hài kịch. Nếu người nghệ sĩ không biết tiết chế sẽ sa đà và làm cho khán giả từ chỗ chấp nhận dẫn đến cảm thấy phản cảm.
Đạo diễn - nghệ sĩ Hạnh Thúy đánh giá không chỉ với hài độc thoại mà ngay cả những tiết mục hài kịch thông thường, đôi khi các nghệ sĩ vẫn sử dụng những yếu tố tục để tạo mảng hài và gây cười. “Vấn đề giới hạn tới đâu là do từng nghệ sĩ ý thức, đừng lạm dụng quá đáng”, Hạnh Thúy nói.
Nghệ sĩ hài độc thoại Anh Michael McIntyre biểu diễn trên sân khấu - Ảnh: Telegraph |
Ở một góc nhìn khác, nghệ sĩ Hoài Linh nhận định thật ra không phải chỉ với hài kịch mà ngay cả trong văn thơ từ ngày xưa, các tác giả cũng vẫn sử dụng yếu tố tục và công chúng vẫn chấp nhận.
“Và quan trọng là hài kịch vốn phục vụ số đông khán giả là tầng lớp lao động. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày cũng như thói quen cư xử thông thường của người lao động, những yếu tố bình dân dùng để gây cười là điều bình thường”, nghệ sĩ Hoài Linh chia sẻ.
Từ đó hài kịch nói chung và hài độc thoại nói riêng, khi biểu diễn, dù là ở Việt Nam hay nước ngoài, các nghệ sĩ cũng tự nhiên mà đôi khi chêm vào những yếu tố đó.
Tuy nhiên, cá nhân nghệ sĩ Hoài Linh cũng đồng tình rằng việc sử dụng các yếu tố nhạy cảm trong hài kịch phải là tục thanh, duyên dáng, ý nhị chứ không phải lạm dụng yếu tố này để gây cười cho bằng được.
“Nếu có dùng yếu tố tục trong biểu diễn, đôi khi chỉ cần nói thoáng qua là khán giả đã đủ hiểu và cười rồi, đừng thấy khán giả cười một lần rồi cố gắng lặp đi lặp lại nó hoặc nhấn mạnh, thậm chí làm lố. Điều này sẽ làm cho mảng miếng hài bị dơ và phản cảm”, nghệ sĩ Hoài Linh đúc kết.
Thoại tục, hài tục khó đi đường dài Khi diễn hài độc thoại, tôi phải kết hợp thêm khả năng giả nhiều thứ tiếng, giọng nói vùng miền và suy nghĩ thêm rất nhiều mảng miếng, một lúc diễn nhiều vai diễn, đầu tư cho nội dung tiểu phẩm thì mới có thể chinh phục được khán giả Với hài độc thoại trên thế giới, các nghệ sĩ phải tìm tòi rất nhiều thông tin, kiến thức để những vấn đề mình đưa vào tiết mục vừa phải dí dỏm vừa phải có tính châm biếm thời sự và cho thấy bản lĩnh của nghệ sĩ. Nếu chỉ mãi mê thấy khán giả cười một lần với một vài câu thoại tục của mình rồi sau đó cứ thế lặp lại thì người nghệ sĩ đó khó lòng đi được đường dài với nghề này. |
Một tiết mục hài độc thoại của Mạc Văn Khoa trong Cười xuyên Việt 2015:
* Bạn có từng xem kịch độc thoại? Những diễn viên, màn kịch độc thoại nào bạn tâm đắc hoặc không hài lòng, vì sao? Hãy chia sẻ những câu chuyện, những suy nghĩ thú vị của bạn với kịch độc thoại. Bạn có thể chia sẻ ở phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết hoặc qua email tto@tuoitre.com.vn. Cám ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận