Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi đến UBND TP.HCM, cả hai khu vực sạt lở nêu trên còn bị ảnh hưởng bởi triều cường mỗi ngày. Đồng thời, tác động của sóng tàu tạo ra làm cho tình hình sạt lở bờ sông ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Tại bờ trái rạch Giồng - sông Kinh Lộ (từ Km3+503 đến ngã ba với rạch Mương Bằng, huyện Nhà Bè) là tuyến đường thủy nội địa cấp IV. Cuối năm 2022, khu vực này đã được đưa vào danh sách sạt lở nguy hiểm.
Qua khảo sát, tại khu vực sạt lở có khoảng 22 hộ dân sinh sống ven bờ sông, với chiều dài khoảng 400m (mỗi năm sạt lở thêm khoảng nửa mét), đường bờ có dốc lớn, hở hàm ếch.
Mặc dù người dân đã chống tạm bằng cừ dừa nhưng đến nay cừ dừa đã bị gãy và nghiêng ra phía sông, có nguy cơ sạt lở ra sông bất cứ lúc nào (đoạn này đáy sông sâu đến 8m), nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.
Còn tại bờ phải sông Đồng Nai (TP Thủ Đức), hiện trạng khu vực sạt lở dài 145m. Trên bờ là trụ sở làm việc của các cán bộ chiến sĩ công an Trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái.
Do tác động của sóng tàu, dòng chảy, bờ sông đoạn trên đã bị xói lở, hàm ếch, xuất hiện nhiều vết nứt, đã được gia cố tạm bằng cừ dừa nhưng hư hỏng gần hết. Nếu tiếp tục để như vậy, khu vực có nguy cơ sạt trượt cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm nhiệm vụ công tác của cán bộ, chiến sĩ công an.
Do đó, việc sớm xây dựng công trình kè chống sạt lở, bảo vệ bờ sông tại hai vị trí trên là cần thiết, đảm bảo an toàn về người, tài sản của người dân và nhà nước.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, vốn đầu tư dự kiến để xây dựng công trình chống sạt lở hai vị trí trên khoảng 150 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Tiến độ xây dựng từ năm 2023 - 2025.
Diện tích sử dụng đất gần 5.600m2. Trong đó, công trình ở Nhà Bè khoảng 4.862m2 (chiều dài kè mới 400m), ở TP Thủ Đức khoảng 725m2 (chiều dài kè mới 145m).
"Khi tuyến kè được xây dựng sẽ tăng sự ổn định bờ sông, chống sạt lở, kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống của người dân. Không chỉ vậy, công trình còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị ven sông", Sở Giao thông vận tải TP.HCM nêu rõ trong báo cáo.
Xây lại bờ kè Thanh Đa sau vụ sạt lở
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan về giải pháp khắc phục sạt lở nguy hiểm khu vực kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 (phường 25, quận Bình Thạnh).
Cụ thể, chủ tịch TP.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 với chiều dài 478m thay thế công trình kè mềm hiện hữu.
Phạm vi giải tỏa mặt bằng là 10m tính từ đỉnh kè vào phía bờ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỉ đồng để xây dựng kè kiên cố, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận