Hai chàng kỹ sư “độc thân vui tính” cùng tên Trung.
Phóng to |
Hai kỹ sư Thành Trung và Quang Trung lặn ngụp làm việc tại Đá Tây |
Biển tô quầng mắt
Tàu Trường Sa 21, lữ đoàn 125 xuất phát từ hải đoàn 129 (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng tiến đến đảo Đá Tây - Trường Sa. Sau hai ngày hai đêm vượt sóng cấp 6, cấp 7 giật cấp 8, tàu thả neo an toàn trong lòng hồ Đá Tây.
Chuyến xuồng đầu tiên đưa kỹ sư Đại Quang Trung và kỹ sư Đỗ Thành Trung cập đảo với lỉnh kỉnh máy móc, thước đo, thước ngắm, bản vẽ, hải đồ cùng máy tính, máy định vị… Chưa ngớt vật vã vì cơn say sóng, Trung “nhỏ”, tên thân thương mà anh em công binh dành cho kỹ sư Đại Quang Trung, cởi áo xắn quần, cầm thước đo lao thẳng xuống nước. Những con sóng dập dềnh đánh bật người qua trái rồi nghiêng phải. Kẹp thước đo dài hơn 4m khá nặng, bơi trong điều kiện ngược sóng, phải mất gần mười phút Trung “nhỏ” mới tiếp cận được vị trí.
Trong khi đó, kỹ sư Đỗ Thành Trung không rời mắt khỏi ống ngắm để định vị rồi ra hiệu cho Trung “nhỏ” kê thước đúng tọa độ. Hết bơi sang trái rồi bơi sang phải, hết chống thước nơi này lại cắm sang nơi khác, liên tục lặn hụp trong sóng nước, phải mất hơn một giờ sau lúc trời nhá nhem tối Trung “nhỏ” mới bơi vào bờ. Nằm thở hổn hển ngay bên ghềnh đá dưới chân đảo, đôi môi tím tái tê lạnh, Trung “nhỏ” chia sẻ: “Gần tám năm lặn hụp nên quen rồi anh ơi!”.
Sáng sớm hôm sau, cơn mưa dông cùng những con sóng bạc đầu rung chuyển cả lòng hồ. Trên chiếc xuồng CQ chòng chành, hai chàng kỹ sư lại xắn tay áo lao vào công việc. Hàng loạt thước đo, máy dò tìm, bản đồ, hải đồ và bản ghi mực thủy triều được mang ra tác nghiệp. Kỹ sư Đỗ Thành Trung tâm sự: “Tu bổ các công trình trên biển không như đất liền mọi thứ đã định sẵn và xoay xở nhanh. Ở Trường Sa nếu tính toán không chắc sẽ gây lãng phí rất lớn. Mọi thứ mang ra đây đều vất vả và tốn kém”. Họ tranh thủ làm ngày làm đêm. Ngày thì lặn hụp, đêm chúi đầu vào máy tính vẽ lại toàn bộ thông số đo đạc trong ngày. Để lúc có sóng điện thoại mọi thông tin phải mail gấp về đơn vị để trao đổi trực tuyến. Gần một tháng trên đảo với những đêm thức trắng kéo dài, hai chàng kỹ sư với ánh mắt xác xơ, tô đen thâm quầng.
Tổ quốc trên hết
Phóng to |
Ở trần, quần đùi, tay vác thước, kỹ sư Quang Trung làm việc tại biển Trường Sa - Ảnh: TẤN VŨ |
Công việc đo đếm, khảo sát thi công liên tục tại Trường Sa khiến chàng kỹ sư 28 tuổi này nhiều lần gác lại tình duyên. “Em và bố mẹ đã dự tính cuối năm 2011 cưới vợ. Nhưng vừa từ An Bang về một tuần thì nhận nhiệm vụ mới nên chuyện cưới xin đành hẹn lại. Tất cả vì Trường Sa thân yêu” - Trung tâm sự. Tết này Trung “nhỏ” cùng với đơn vị ăn tết tại Trường Sa. Cũng như những lần ăn tết nơi đảo xa khác, lịch trình của các chàng trai trong các ngày nghỉ là cùng đơn vị gói bánh chưng, câu cá biển và nghe thời sự nơi đất liền. “Ngày thường có công việc thời gian qua nhanh nhưng ngày Tết thì mọi thứ thật dài. Có anh em và đơn vị nên nỗi nhớ nhà chóng qua” – Trung thổ lộ.
Nếu Trung “nhỏ” đã chọn cho mình con đường gắn với biển đảo từ sớm thì Trường Sa đến với kỹ sư Đỗ Thành Trung khá tình cờ. Sinh ra trên đất cảng Hải Phòng, tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng dân dụng, nhưng rồi Trung trở thành người của biển lúc nào không hay. Hết Bạch Long Vỹ đến Trường Sa, tháng năm quần quật trôi đến nay đã 35 tuổi nhưng nói chuyện vợ con, Trung cười: “Đi mãi, ai thích. Đến đâu hay đó vậy! Qua Tết rồi tính. Nếu ai cũng tính cho riêng mình thì ai đến với Trường Sa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận