Trong khi đó cầu Câu Lâu cũ (cạnh cầu mới) nối đôi bờ sông Thu Bồn cũng đang được tỉnh sửa chữa từ tháng 9 với thời gian một năm, cấm ô tô. Vậy các phương tiện đi đường nào?
Dự kiến đóng cầu Câu Lâu mới 60 ngày, ô tô phải đi cao tốc, cầu Giao Thủy
Trước đó, Khu Quản lý đường bộ III gửi văn bản đến các cơ quan chức năng Quảng Nam về tổ chức phân luồng giao thông khi sửa chữa cầu Câu Lâu (mới) tại Km953+340 quốc lộ 1.
Nằm trên tuyến tránh Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, cầu Câu Lâu được đưa vào khai thác năm 2005. Thời gian qua một số hư hỏng đã xuất hiện, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu nhịp.
Hiện khu quản lý đang tổ chức triển khai thi công dự án sửa chữa đột xuất để đảm bảo an toàn giao thông. Theo đó, phải thực hiện phương án phân luồng giao thông, cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu đảm bảo chất lượng thi công.
Điều đáng nói, cầu Câu Lâu cũ cũng đang thi công sửa chữa nên cấm tất cả các ô tô qua cầu.
Vì thế, để phục vụ sửa chữa cầu mới, đảm bảo lưu thông thông suốt cho phương tiện trên quốc lộ 1, khu xây dựng phương án phân luồng trong thời gian thi công.
Cụ thể xe máy, xe thô sơ được lưu thông trên cầu cũ. Cấm tất cả các loại ô tô lưu thông qua cầu mới trong thời gian phân luồng.
Phương án phân luồng giao thông đối với ô tô:
Hướng từ Bắc vào Nam:
Xe tải trọng hơn 5 tấn, xe khách trên 30 chỗ: Khi đến nút giao giữa đường tránh Vĩnh Điện với quốc lộ 1 (cũ) tại Km947, đi vào đường này khoảng 1,15km, sau đó rẽ phải vào đường Phan Thúc Duyện, di chuyển lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào Nam.
Xe tải trọng dưới 5 tấn, xe khách dưới 30 chỗ có thể đi theo các hướng: Khi đến nút giao trên thì đi vào quốc lộ 1 (cũ) khoảng 1,15km, rẽ phải vào đường Phan Thúc Duyện, tiếp tục lên cao tốc đi vào Nam.
Hoặc khi đến nút giao trên thì đi vào quốc lộ 1 (cũ) 1,15km, rẽ phải vào đường Phan Thúc Duyện, đi tiếp đến ngã ba giao với đường ĐT.609.
Tiếp tục di chuyển đường này đi qua khỏi nút giao lên cao tốc, rẽ trái vào đường Đỗ Đăng Tuyển (huyện Đại Lộc) đi qua cầu Giao Thủy (cách cầu Câu Lâu hơn 20km).
Sau đó rẽ trái vào đường Hùng Vương (huyện Duy Xuyên), tiếp tục đi đường này ra lại quốc lộ 1 đi vào Nam.
Hướng từ Nam ra Bắc:
Xe tải trọng hơn 5 tấn, xe khách trên 30 chỗ khi đến nút giao quốc lộ 1 tại Km972+200 (ngã tư Cây Cốc, huyện Thăng Bình) rẽ trái lên quốc lộ 14E để lên cao tốc đi ra Bắc.
Các xe tải trọng dưới 5 tấn, xe khách dưới 30 chỗ có thể đi theo các hướng: Khi đến nút giao ngã tư Cây Cốc rẽ trái lên quốc lộ 14E và lên cao tốc.
Hoặc khi đến nút giao tại Km955+900 quốc lộ 1 ngã ba Nam Phước, huyện Duy Xuyên rẽ trái đi về hướng Trà Kiệu sau đó di chuyển lên cầu Giao Thủy rồi rẽ phải vào ĐT.609 về lại quốc lộ 1 để ra Bắc.
Thời gian thi công 150 ngày, đóng cầu mới, phân luồng giao thông dự kiến 60 ngày không liên tục (tổ chức thành 3 đợt, mỗi đợt ngăn xe hoàn toàn 20 ngày, thời gian cách nhau giữa mỗi đợt 5 ngày). Dự kiến sẽ bắt đầu thi công, phân luồng cuối tháng 11-2024.
Khu cũng đề nghị các cơ quan ở Quảng Nam có ý kiến bằng văn bản về phương án phân luồng để có cơ sở hoàn thiện thiết kế phân luồng giao thông.
Việc phân luồng trên mới dự kiến, tuy nhiên người dân bày tỏ lo ngại bởi phải đi cao tốc tốn tiền phí hoặc đi vòng lên cầu Giao Thủy rồi vòng xuống quốc lộ 1 một đoạn khá xa (mất khoảng vài chục km).
Đề xuất cho xe máy, cứu thương lưu thông trên cầu mới
Sau khi nhận văn bản, Sở Giao thông vận tải Quảng Nam đề nghị khi phân luồng có giải pháp để tiếp tục cho phép các xe thô sơ, xe máy lưu thông trên cầu Câu Lâu mới, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (nằm gần 2 cầu) gửi tờ trình tới UBND tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam, cụ thể bệnh viện là cơ sở khám chữa bệnh phục vụ người dân ở thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, các huyện lân cận, lượng người đến khám chữa bệnh rất lớn.
Việc phân luồng, cấm phương tiện qua lại để thi công là cần thiết, nhưng xét thấy việc vận chuyển cấp cứu cho người dân cũng không kém phần quan trọng, bệnh viện đề xuất xem xét ưu tiên cho tất cả các loại xe cứu thương được lưu thông qua cầu Câu Lâu cũ hoặc mới 24/24 giờ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh được nhanh chóng tiếp cận cơ sở y tế.
Ông Lê Phan Duy - phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ III - cho biết vừa qua đơn vị đã làm việc với các sở, cảnh sát giao thông, cơ bản đồng ý phương án phân luồng.
"Tuy nhiên cần phải điều chỉnh lại một chút là trước đây dự kiến phân luồng 3 đợt nhưng họ kiến nghị 2 đợt bởi mỗi lần phân luồng sẽ phức tạp, ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Chúng tôi có biên bản làm việc thống nhất với các huyện, sở, đang chỉ đạo đơn vị tư vấn cập nhật lại", ông Duy nói.
Còn đề xuất cho xe máy, thô sơ lưu thông cầu mới, ông Duy cho biết đơn vị cũng đã ghi nhận, sẽ cho lưu thông, chỉ đạo đơn vị tư vấn đưa vào phương án. Một số trường hợp như xe cứu hỏa, cứu thương, xe công an được qua cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận