01/08/2012 03:28 GMT+7

Hai bên đổ lỗi cho nhau

TR.TÂN
TR.TÂN

TT - Ngày 31-7, chi cục kiểm lâm hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh đã đi thực địa khu vực rừng bị phá giáp ranh giữa hai tỉnh (“Tự mở đường phá rừng”, Tuổi Trẻ 27-7).

Không có chuyện làm ngơ để lâm tặc phá rừng

nli85YY9.jpgPhóng to

Một trong 18 cây gỗ nằm chắn đường bị lâm tặc đốn hạ, cưa khúc hoặc rọc phách mang đi - Ảnh: Trung Tân

Qua kiểm tra, đoạn đường bị phá dài khoảng 1.400m, rộng 5-6m, khu vực đường bị phá có điểm cuối cùng tại tiểu khu 296 thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh. Trên con đường bị phá có 18 cây gỗ đường kính 24-60cm đã bị đốn hạ, một số cây gỗ nhỏ bị xe bánh xích làm dạt ra hai bên đường. Theo nhận định của đoàn công tác thì để làm được con đường này phải mất 10-20 ngày và mục đích mở đường là để phá rừng trên quy mô lớn, nếu không kịp thời được phát hiện và chậm từ 10-15 ngày nữa thì thiệt hại về rừng sẽ rất lớn.

Tại buổi họp sau khi đi thực địa, ông Võ Trọng Bình, phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, cho biết: “Khi tuần tra ngày 24-7, chúng tôi phát hiện một xe múc, một xe độ chở gỗ nhưng máy không hoạt động, chủ xe và các đối tượng phá đường đã bỏ chạy. Chúng tôi nhận định đối tượng phá đường và phương tiện ở buôn Ea Ba, Cư Prao (M’Đrắk, Đắk Lắk) nên đã điện cho lực lượng kiểm lâm địa bàn đề nghị phối hợp. Thế nhưng chờ mãi không thấy phía huyện M’Đrắk lên hiện trường nên chúng tôi lập biên bản sự việc (không lập biên bản vi phạm quả tang). Lúc này trời đã sắp tối, chúng tôi cũng không có chuẩn bị thức ăn, đồ uống, võng... để ở lại canh máy. Hơn nữa lực lượng quá mỏng, chúng tôi sợ bị tấn công nên rút về. Ra đến bìa rừng gặp kiểm lâm địa bàn xã Cư Prao, chúng tôi nói giao lại xe tang vật nhưng anh này không nhận. Đến sáng hôm sau khi chúng tôi quay lại thì xe tang vật đã di chuyển ra cách hiện trường 3km”.

Theo ông Bình, sở dĩ phía Sông Hinh điện phía M’Đrắk phối hợp vì lâm phần của M’Đrắk bị phá hoại nhiều hơn, mà muốn đưa xe vi phạm ra phải đi qua địa bàn buôn Ea Ba, phải có lực lượng tại chỗ can thiệp đề phòng tình huống xấu. Chính vì sự triển khai chậm chạp, thiếu trách nhiệm đó mà xe tang vật của lâm tặc mới có thể ra ngoài dễ dàng và đến giờ không tạm giữ được. Trước đó ba tháng, cách vị trí rừng bị phá hiện nay chừng 300m phía Sông Hinh cũng đã phát hiện một vụ phá rừng tương tự.

Trong khi đó, ông Lê Văn Ba, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện M’Đrắk, cho biết chiều 24-7 có nhận được chỉ đạo về việc phối hợp xử lý sự việc thì ngay sáng hôm sau đã tăng cường bốn kiểm lâm viên cùng một kiểm lâm địa bàn. “Khi đến nơi chúng tôi phát hiện một máy xúc cách hiện trường 3km và không có chủ xe, xe không hoạt động. Dù theo Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh đây là xe vi phạm nhưng chúng tôi không dám lập biên bản, tạm giữ vì nằm ngoài khu vực rừng bị phá, không hoạt động... Việc phát hiện vi phạm trên lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh thì trước tiên phải lập biên bản phát hiện quả tang, thế nhưng đơn vị đã không làm khiến sau đó chúng tôi không thể nào phối hợp trong việc tạm giữ phương tiện” - ông Ba cho biết thêm.

Sau hơn hai giờ hai bên quy trách nhiệm cho nhau, ông Phan Văn Đông, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, nói hiện đã có hồ sơ, hình ảnh của đối tượng, phương tiện thì Sông Hinh giao lại để phía M’Đrắk xác minh, xử lý. Còn ông Huỳnh Văn Tiếu, chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, cho biết hiện Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra để xem trách nhiệm của huyện hay tỉnh để tiếp tục xử lý... Việc cần kíp trước mắt là phải ngăn chặn ngay tình trạng tái mở đường, phá rừng bởi lâm tặc đã bỏ tiền thuê máy phá đường thì sẽ còn tham vọng khai thác được gỗ. Chi cục cũng sẽ chỉ đạo kiểm lâm M’Đrắk phải có một chốt bảo vệ tại khu vực gần hiện trường để bảo vệ nghiêm ngặt, không để việc phá rừng tiếp tục tái diễn.

TR.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên