03/05/2019 10:11 GMT+7

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngăn ông Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Theo Hãng tin AFP, với 231 phiếu thuận trên 190 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 2-5 đã thông qua dự luật có tên "Climate Action Now Act" (Luật hành động ngay chống biến đổi khí hậu).

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngăn ông Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris - Ảnh 1.

Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ - Ảnh: AFP

Mặc dù bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ, cho rằng việc hành động chống biến đổi khí hậu là "mệnh lệnh" của đạo đức, kinh tế và an ninh quốc gia và là một bước đi đúng đắn, nhưng vẫn bày tỏ lo ngại dự luật mà hạ viện vừa thông qua có thể "chết ngay khi vừa tới" thượng viện.

Thượng viện Mỹ, đang do Đảng Cộng hòa kiểm soát, chắc chắn sẽ không chấp nhận dự luật này. Để tránh việc ngân sách liên bang có thể bị cắt bớt cho những chương trình liên quan thỏa thuận khí hậu, từ lâu Đảng Cộng hòa đã muốn rút Mỹ khỏi thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, với động thái phê chuẩn dự luật, có vẻ như các nghị sĩ Đảng Dân chủ ở hạ viện muốn dư luận nhìn về ông Trump như một tổng thống có quan điểm phản đối cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang nỗ lực tham gia hành động.

Giữa năm 2017, ông Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ông cho rằng: thỏa thuận này đã áp đặt những tiêu chuẩn môi trường bất công lên các công ty và chính phủ Mỹ. Ông Trump thậm chí còn nói việc tiếp tục duy trì thỏa thuận này sẽ là nguy cơ với nền kinh tế Mỹ.

Trước đó, ngay trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump cũng từng đưa ra cam kết sẽ rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.

Năm ngoái, các nhà khoa học của chính phủ Mỹ đã công bố bản báo cáo dày cả ngàn trang cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây tổn thất cho nước Mỹ hàng trăm tỉ USD mỗi năm, trừ khi chính phủ có những hành động kịp thời để giảm lượng phát thải khí cacbon.

Thỏa thuận Paris được đàm phán trong Hội nghị lần thứ 21 của các bên của Công ước Khí hậu ở Paris và được thông qua ngày 12-12-2015. Theo đó, các nước tham gia nhất trí giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C. Đến năm 2020, cung cấp 100 tỉ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai.

Mỹ quyết đàm phán lại Thỏa thuận khí hậu Paris Mỹ quyết đàm phán lại Thỏa thuận khí hậu Paris

TTO - Đại diện Nhà Trắng khẳng định không có chuyện Washington đang tìm cách xem xét và tuân thủ một số điều khoản trong thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu thay vì đàm phán lại.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên