23/10/2020 08:29 GMT+7

Hà Tĩnh sẽ đưa các đoàn cứu trợ đến tận nơi

H.THANH - D.HÒA - N.TRẦN - N.QUANG
H.THANH - D.HÒA - N.TRẦN - N.QUANG

TTO - Đợt mưa lũ lịch sử tại Hà Tĩnh làm 6 người chết, hơn 45.500 hộ dân bị ngập lụt. Đáng chú ý, những người tử vong đều do đi qua đập tràn hoặc đánh bắt cá trong mưa lũ.

Hà Tĩnh sẽ đưa các đoàn cứu trợ đến tận nơi - Ảnh 1.

Nước rút, quân đội, công an, các thầy cô khắp nơi về Trường THCS Mỹ Duệ chung tay giúp thầy trò dọn dẹp trường lớp - Ảnh: NAM TRẦN

Sau 3 ngày bị mưa lũ chia cắt, học sinh tại 208 trường học ở Hà Tĩnh vẫn chưa thể tới trường.

Ông Nguyễn Thành Long - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Xuyên - thông tin: hiện nay mì gói các đoàn cứu trợ đưa về tương đối nhiều, nhưng cần nhất bây giờ là chăn ấm, gạo, các loại thực phẩm, bởi bây giờ nước bắt đầu rút, người dân có thể về nhà nấu ăn được. 

"Với hỗ trợ tiền mặt, sau khi dân về nhà ổn định, các nhà tài trợ vào, chúng tôi sẽ giới thiệu về các xã và mời các đoàn đi trao trực tiếp để đảm bảo tiền cứu trợ đến đúng đối tượng", ông Long cho biết.

Rốn lũ Cẩm Xuyên cần hỗ trợ dọn dẹp sớm

Hay tin Trường THCS Mỹ Duệ, xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) bị nước lũ làm hư hại nặng nề, ngay khi đường vào xã được lưu thông, lực lượng quân đội thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng công an, các thầy cô giáo từ khắp nơi trong huyện tìm về trường dốc toàn lực giúp thầy cô, học sinh vùng lũ.

Hơn 300m tường rào bao quanh trường bị lũ phá hỏng, bàn ghế bị hư hại, sách vở ngập trong nước, trường ngập trong bùn đất từ 5 - 10cm, có nơi lên đến 20cm. Thầy Nguyễn Viết Thành, hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Duệ, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, thiệt hại 400 - 500 triệu đồng. 

"Nhà trường mong muốn sớm được hỗ trợ để ổn định lại cơ sở vật chất như mua sắm bàn ghế, sách vở, áo quần cho các em nhập học trở lại. Hiện tại đã có 2 - 3 đoàn đến hỗ trợ nhà trường. Nếu nước rút, nhà trường sẽ tổ chức lại dạy học bình thường", thầy Nguyễn Viết Thành nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tá Kỷ, chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, cho biết trước mắt chính quyền địa phương cùng các lực lượng dốc toàn lực tổng dọn vệ sinh, giúp bà con vùng rốn lũ sớm ổn định cuộc sống. 

"Đặc biệt khó khăn nhất là xử lý môi trường, nước uống, nước sinh hoạt cho bà con. Hiện toàn bộ hệ thống máy bơm của dân bị ngâm nước, nếu có điện cũng không sử dụng được. 

Trâu bò, heo gà, lúa gạo trôi hết, 100% thủy sản nuôi trồng mất sạch, tài sản trong nhà bị ngậm nước. Sau lũ, rất mong các đoàn thể, nhà hảo tâm chung tay cùng bà con sớm ổn định cuộc sống lâu dài", ông Kỷ mong muốn.

Tránh tình trạng nơi có nơi không

Kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ông Trần Tiến Hưng - chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, đảm bảo công bằng, dân chủ và công khai, tránh tiêu cực. 

"Lãnh đạo huyện chịu trách nhiệm chính, thường xuyên kiểm tra, thanh tra giám sát chặt chẽ việc sử dụng, kịp thời phát hiện các sai sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", ông Hưng yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh - cho biết đời sống người dân vùng bị lũ lụt đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt là người dân các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh. 

"Trong những ngày qua, rất nhiều tổ chức, cá nhân vào Hà Tĩnh cứu trợ. Bà con cần nhất bây giờ là lương thực, thực phẩm, nước lọc đóng chai, thuốc men, quần áo, chăn màn, sách vở. Sau lũ là tiền, hạt giống, tư liệu sản xuất", bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, bên cạnh đó, nước lũ rút đi, vấn đề vệ sinh môi trường, dịch bệnh, nguồn nước cũng cần có sự giúp đỡ để đảm bảo vấn đề sinh hoạt cho bà con. 

Do đó, các vật dụng vệ sinh, dụng cụ y tế cũng rất cần. Khi các nhóm cứu trợ liên hệ với Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ bàn bạc cụ thể, chọn lựa địa bàn, chọn lựa đối tượng và tổ chức phân phát hàng cứu trợ cho bà con, sao cho vừa nhanh chóng, kịp thời và thiết thực nhất, tránh tình trạng "nơi có nơi không".

Phân bổ 11 tỉ đồng từ quỹ cứu trợ tỉnh

Ông Trần Tiến Hưng, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết 95.000 tấn lúa của người dân ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh bị ngập, ướt. Cùng với việc tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân cần đưa lúa ra phơi, sấy, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ giá sấy lúa cho bà con.

Cũng theo ông Hưng, thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đồng ý phân bổ 11 tỉ đồng từ nguồn quỹ cứu trợ tỉnh hỗ trợ khắc phục khó khăn trước mắt và khôi phục sản xuất sau lũ.

Sau 4 ngày lụt, nhà bỗng dưng chơi vơi như ốc đảo Sau 4 ngày lụt, nhà bỗng dưng chơi vơi như ốc đảo

TTO - Lũ vừa rút, nhiều con đường liên thôn, liên xã huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện đầy vết đứt gãy, sạt lở khoét sâu, làm sập tường nhà, trường học.

H.THANH - D.HÒA - N.TRẦN - N.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên