25/09/2016 16:10 GMT+7

Đón bằng di sản tư liệu mộc bản Trường học Phúc Giang

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TTO - Sáng 25-9, UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản tư liệu ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lãnh đạo Hà Tĩnh đón bằng di sản tư liệu Mộc bản Trường học Phúc Giang- Ảnh: THẮNG DINH
Lãnh đạo Hà Tĩnh đón bằng di sản tư liệu mộc bản Trường học Phúc Giang - Ảnh: THẮNG DINH

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Quốc Khánh - chủ tịch UBND tỉnh - nhấn mạnh mộc bản Trường học Phúc Giang tồn tại hơn 250 năm với bao biến cố đã trở thành nguồn tư liệu quý, chứng minh cho một hình thức hoạt động văn hóa và giáo dục của một dòng họ.

Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam.

Theo ông Khánh, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng dịp tri ân công lao của các bậc tiền nhân, tự hào về giá trị văn hóa - lịch sử mà người xưa để lại. Đồng thời, giúp các thế hệ hôm nay nhận thức rõ hơn về trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bà Susan Vize - quyền trưởng đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam - đánh giá cao sự sáng tạo thể hiện qua kỹ thuật khắc chữ trên mộc bản Trường học Phúc Giang. Mỗi mộc bản là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tỉ mỉ, chữ được viết với thư pháp đẹp đẽ.

Một số mộc bản của Trường học Phúc Giang được trưng bày tại buổi lễ đón nhận bằng - Ảnh: THẮNG DINH
Một số mộc bản của Trường học Phúc Giang được trưng bày tại buổi lễ đón nhận bằng - Ảnh: THẮNG DINH

Mộc bản trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại Trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc, nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Mộc bản trường học này có hơn 2.000 bản gỗ được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời hậu Lê, biên soạn do Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự.

Mộc bản được làm bằng gỗ thị, được khắc chữ nổi ở cả 2 mặt trên ván. Mỗi bản mộc dài 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm.

Theo ông Lê Bá Hạnh, phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, trước đây mộc bản Trường học Phúc Giang được chuyển về nhà thờ Nguyễn Huy Tựu với số lượng gần 1.700 bản.

Về sau, do nhận thức của nhân dân chưa cao nên nhiều bản bị chẻ làm củi đun nên nay chỉ còn 383 bản mộc.

Ngày 19-5 tại Huế, mộc bản Trường học Phúc Giang được Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhất trí bỏ phiếu công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên